Theo tờ Wall Street Journal đưa tin, cuộc suy thoái lần này có thể là một cuộc suy thoái của người giàu. Những người Mỹ giàu có nhất đất nước có thể bị cuốn vào tình trạng sa thải hàng loạt và thua lỗ chứng khoán, bỏ lại những người lao động thu nhập thấp bị mất việc.
Không có gì nghi ngờ khi cuộc suy thoái do đại dịch gây ra tác động không đồng đều. Những người Mỹ có thu nhập cao đã có sự phục hồi ngoạn mục, trong khi những người thu nhập thấp đối mặt với điều ngược lại.
Theo một báo cáo hồi tháng 4 của Oxfam, các tỷ phú trên toàn thế giới đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng 62% trong thời kỳ đại dịch. Ở Mỹ, các tỷ phú thu về thêm hàng nghìn tỷ USD trong thời kỳ hậu Covid-19, với yếu tố thúc đẩy chính là giá cổ phiếu tăng.
Nhưng giờ đây, mọi thứ có vẻ không còn tươi sáng đối với những người có thu nhập cao nhất. Những người lương cao đang bị cắt giảm tại các công ty như Meta và Twitter, là nơi mà nhân viên trung bình kiếm được hơn 200.000 USD/năm vào năm 2021. Và theo như báo cáo của Linette Lopez, “thị trường chứng khoán đang rất khó khăn”. Top 10% người Mỹ nắm giữ gần 90% số cổ phiếu trong nước, một mức cao kỷ lục.
Giờ đây, mức tăng trưởng lương thực tế đang sụt giảm nhanh chóng đối với những người có thu nhập hàng đầu. Đồng thời, 50% những người thu nhập thấp nhìn thấy tia hy vọng vượt xa những người giàu nhất.
Theo dữ liệu tăng trưởng tài sản thực của Realtime Inequality, 50% những người có thu nhập thấp nhất ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với 1% người đứng đầu, 10% những người trong nhóm đầu, hoặc thậm chí là 40% nhóm trung gian.
Dữ liệu tăng trưởng tài sản từ tháng 2/2020.
Đối với 50% người thu nhập thấp, mức tăng trưởng tài sản thực tế từ tháng 2/2020 đến tháng 9/2022 là 226,6%. Đối với top 1%, mức tăng trưởng này chỉ là 16,8%. Vài tháng trước đó vào tháng 12/2021, mức tăng trưởng của 1% người có thu nhập cao nhất kể từ tháng 2/2020 là 36,7%. Con số này nhỏ hơn nhiều so với mức tăng trưởng hơn 250% mà nhóm 50% có thu nhập thấp nhất đạt được.
Điều đó không có nghĩa là những người Mỹ thu nhập thấp đang tạo ra đột phá lớn.
Nhà kinh tế học cấp cao Ken Kim tại KPMG nói với Insider vào tháng 12 rằng "các nhóm thu nhập thấp hơn đã cảm thấy gánh nặng của” lạm phát leo thang. Chuyên gia Kim lưu ý rằng nhóm này không có khoản tiết kiệm dự phòng. Vì vậy, tiền lương của họ "ngay lập tức được dùng để chi trả cho những nhu yếu phẩm".
Theo một báo cáo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội phi đảng phái, một nửa người Mỹ thu nhập thấp chỉ nắm giữ 2% tài sản của đất nước, trong khi 1% người giàu nhất nắm giữ khoảng 1/3. Những người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu và có mức lương thấp đã bị cắt giảm lương vào năm 2021, trong khi 1% những người có thu nhập cao nhất lại ghi nhận mức lương trung bình của họ tăng lên, theo một phân tích từ Viện Chính sách Kinh tế thiên tả.
Mặc dù cuộc suy thoái tiềm tàng sắp tới có thể tạo ra những thay đổi lớn đối với những người giàu có, điều đó không có nghĩa là người thu nhập thấp không bị ảnh hưởng.
Giám đốc nghiên cứu kinh tế Nick Bunker tại Indeed Hiring Lab nói: “Tôi nghĩ rằng có một sự thật đáng buồn, lặp đi lặp lại về thị trường lao động Mỹ là khi nước Mỹ suy thoái, những người thiệt thòi nhất lại là những người yếu thế nhất”.
Theo Bunker, "người có thu nhập thấp hơn, lương thấp hơn, công nhân có trình độ học vấn thấp, công nhân da đen, công nhân da màu" có xu hướng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến trong thời kỳ suy thoái.
Nhưng thị trường lao động đang bùng nổ, mang đến cơ hội cho người thu nhập thấp. Dữ liệu mới nhất về cơ hội việc làm và số người nghỉ việc từ Cục Thống kê Lao động cho thấy cơ hội việc làm vẫn vượt xa số lượng công nhân thất nghiệp.