Cuộc sống "nơi thời gian ngừng lại" ở hòn đảo biên giới Triều Tiên

Quốc Vinh |

Là hòn đảo ngăn cách biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đảo Gyodong giống như một vùng đất bị quên lãng nằm giữa tâm bão khủng hoảng.

Sự tĩnh lặng trong tâm bão

Để lên đảo Gyodong, du khách phải đi qua một trạm kiểm soát quân sự trên kênh cầu nối liền với lục địa Hàn Quốc. Đứng trên đảo, người ta có thể nhìn thấy Triều Tiên cách đó chỉ vài km, ngăn cách bởi một vùng nước lặng.

Mặc dù là hòn đảo biên giới ngăn cách hai miền liên Triều và là chủ đề chính trong các lo ngại về xung đột trên bán đảo Triều Tiên, khi đến với nơi đây, sự lo lắng của cư dân về xung đột gần như không có.

Thay vào đó, những người dân địa phương đang đau đầu với tình trạng dân số gia tăng và làm cách nào để thoát nghèo.

Phương tiện truyền thông Hàn Quốc gọi Gyodong là "vùng đất nơi thời gian dừng lại".

Kể từ khi cây cầu đầu tiên nối đảo với đất liền được xây dựng vào năm 2014, khách du lịch tìm đến nơi đây để được tận hưởng không khí của những ngôi làng Hàn Quốc điển hình của những năm 1970.

Trong khi một số người khác muốn tìm một nơi yên tĩnh để tạm quên đi cuộc sống căng thẳng ở các thành phố sầm uất.

Vào thời điểm mối quan tâm gia tăng về khả năng xung đột với Triều Tiên, người ta cũng tò mò đến với Gyodong, để được nhìn cận cảnh người hàng xóm bí ẩn của mình.

Lee Young-jin, 48 tuổi, đến Gyodong cách đây 7 năm để hành nghề dạy học. Với niềm đam mê đọc sách và công việc dịch thuật bán thời gian, bà Lee luôn khao khát có một cuộc sống tĩnh lặng hơn.

Chuyển đến Gyodong với đứa con trai nhỏ của mình, Lee nói bà không lo lắng về khả năng chiến tranh với Triều Tiên, đồng thời cho biết bản thân không cảm thấy sợ hãi.

"Mọi người trên đảo nghĩ rằng nếu có chiến tranh, Triều Tiên sẽ tấn công Seoul hoặc một số nơi khác quan trọng hơn. Gyodong là quá nhỏ để Bình Nhưỡng để mắt tới", người phụ nữ này cho biết. "Trớ trêu thay, cũng giống như sự tĩnh lặng trong tâm của cơn bão, hòn đảo dù ở tâm chiến tranh vẫn an toàn hơn nhiều nơi".

Cuộc sống nơi thời gian ngừng lại ở hòn đảo biên giới Triều Tiên - Ảnh 1.

Khu chợ chính trên đảo Gyodong.

Có nhiến lý do khiến hòn đảo biên giới Gyodong bị cô lập và ít người biết đến. Một trong số đó là bởi nó nằm ở phía Tây Bắc Hàn Quốc, khu vực từng chứng kiến ​​những cuộc giao tranh hải quân khốc liệt giữa hai nước trong quá khứ.

Trong thời gian chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, một số người Triều Tiên đã trốn sang Gyodong.

Trong giai đoạn sau chiến tranh, người Triều Tiên ở đây bị nghi là gián điệp, khiến người dân Hàn Quốc ít muốn tiếp xúc.

Người Triều Tiên bắt đầu thiết lập khu chợ trên hòn đảo với những cửa hàng quy mô nhỏ.

Ji Gwang-shik là một trong số họ. Năm 1952, ông nghe tin chiến tranh về đến quê hương. Ji chèo thuyền đến Gyodong mà không biết rằng ông sẽ không bao giờ có ngày quay trở lại.

Ông và những người khác từ Triều Tiên chặt cây để dựng những túp lều gỗ nhỏ làm nơi trú thân. Vì không thể tìm được việc làm, họ bắt đầu thành lập sự nghiệp kinh doanh của riêng mình. "Tôi đói và sẵn sàng làm tất cả mọi thứ", ông nói với Al jazeera.

Một vài năm sau khi đến Gyodong, Ji tìm được việc làm ổn định trong một cửa hiệu cắt tóc, mà sau cùng ông mua lại và duy trì hoạt động đến ngày nay. Nội thất của cửa hiệu vẫn gợi nhớ đến dư âm của nhiều thập kỷ trước đây với trần nhà in hoa và sàn vải màu xám tro.

Cuộc sống nơi thời gian ngừng lại ở hòn đảo biên giới Triều Tiên - Ảnh 2.

Ông Ji Gwang-shik.

Gần đây, Ji thay thế các cửa sổ trong suốt của cửa hàng với kính mờ. Ông muốn tránh những ánh mắt tò mò bất lịch sự của khách du lịch đang nhìn ông làm việc với khách hàng.

Bên ngoài khu vực thương mại chính, Gyodong là một không gian hoang sơ và hầu như không có ngành công nghiệp nào ở đây.

Xe cộ hạn chế và gió biển thổi liên tục giúp hòn đảo có không khí rất trong lành. Các tuyến đường mòn đi thăm thú danh lam thắng cảnh chỉ dành cho người đi bộ và đi xe đạp.

Những mảnh đời kỳ lạ

Lee Ghang là một người đàn ông 54 tuổi, chuyển từ đất liền đến đây 3 năm trước.

Ông là một phần trong làn sóng để lại mọi bận rộn, ồn ã nơi thị thành, trở về với làng quê.

Lee trông coi một ngôi đền Nho giáo nhỏ và giống như một nhà sử học nghiệp dư địa phương, ông giữ lại nhiều hình ảnh, bài viết về lịch sử đảo Gyodong.

"Ước mơ của tôi là chỉ đơn giản là sống trong một ngôi nhà nhỏ trên một hòn đảo, có thời gian để suy nghĩ và viết", Lee nói.

Cuộc sống nơi thời gian ngừng lại ở hòn đảo biên giới Triều Tiên - Ảnh 3.

Lee Ghang bên ngôi đền mà ông trông coi trên đảo.

Dù không kiếm được nhiều tiền ở nơi đây nhưng với ông, cuộc sống ở hòn đảo biên giới là đáng giá hơn hết thảy. "Tôi có thể sống chẳng cần điều gì ngoài ánh nắng mặt trời trên hòn đảo này".

Còn với Lee Young-jin, hai năm trước, cô đã mua đất và mở một quán cafe tại đây hồi tháng Chín. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều gia đình khác của Hàn Quốc, Lee để lại con cái ở đất liền để chúng có thể thừa hưởng nền giáo dục tốt nhất.

Cơ hội việc làm cho thanh niên sống trên Gyodong cũng rất giới hạn. Gần như không có ngành công nghiệp hay bất kỳ công việc được trả lương nào ở nơi đây ngoài những mảnh đất nông nghiệp màu mỡ.

Ji cho biết, kinh doanh tiệm hớt tóc của ông hiện cũng rất tốt. Đôi khi ông khá bận dù đã thuê thêm hai nhân viên. Với những ngày đắt khách, ông không có thời gian nghỉ ngơi ăn trưa. Tuy nhiên, ông cảm thấy buồn hơn khi những đồng nghiệp của mình nghỉ hưu và cửa hàng của họ đóng cửa.

"Ngày nay người trẻ không muốn làm loại công việc này", ông nói vào một buổi chiều tháng Mười Một lạnh giá.

Khi được hỏi về kết nối phát triển của hòn đảo với đất liền, hoặc nguy cơ chiến tranh với nước láng giềng Triều Tiên, Ji nói rằng ông không mong đợi bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong tương lai.

"Đây vẫn chỉ là một hòn đảo đơn giản nơi người dân chúng tôi sinh sống và bán gạo", Ji nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại