Cuộc sống không thể chịu nổi của người dân ở nơi ô nhiễm bậc nhất châu Âu

Thùy Dương |

Người dân sống ở Cremona (Italy) cho biết cuộc sống của họ trở nên không thể chịu nổi do ô nhiễm từ công nghiệp, ô tô và chất thải chăn nuôi.

Cuộc sống không thể chịu nổi của người dân ở nơi ô nhiễm bậc nhất châu Âu - Ảnh 1.

Thung lũng Po vốn dễ bị ô nhiễm do vị trí địa lý và gần các trung tâm kinh tế Milan và Turin. Ảnh: Guardian

Theo tờ The Guardian, trong gần hai tuần, người dân ở Crotta d'Adda đã đóng cửa ở trong nhà.

Bốc lên từ khu đất nông nghiệp rộng lớn ngay cạnh nhà họ là mùi hôi thối khó chịu và độc hại, gây nôn mửa, khó thở, chóng mặt, sưng mắt và đau đầu.

Một người dân tên Cristiano Magnani nói: “Không thể sống như thế này được. Không đi ra ngoài được, không làm gì được. Ngay cả nhà mình cũng không còn an toàn khi mùi hôi thối bám vào mọi thứ và kéo dài hàng tuần liền. Chúng tôi đang sống trong một khu vực mà xung quanh có tất cả những thứ gây ô nhiễm”.

Crotta d'Adda là nơi sinh sống của khoảng 600 người ở Cremona, một tỉnh phía Nam Milan thuộc vùng Lombardy của Italy. Xung quanh là các trang trại nuôi lợn và gia cầm. Từ đây, phân động vật được làm thành phân bón rồi được rắc dày lên đất nông nghiệp.

Sản phẩm phụ của quá trình này là một chất rắn thu được từ quá trình thủy phân các vật liệu sinh học bằng vôi và hoặc axit sulfuric. Chất này có thể sinh ra từ vật liệu bị coi là chất thải và do đó bị cấm sử dụng làm phân bón. Mặc dù khu vực Lombardy có các tiêu chuẩn quản lý việc rải phân, nhưng các quy tắc này hơi mơ hồ, gây khó khăn cho việc kiểm soát quá trình xử lý và khó biết liệu phân bón có chứa chất gây ô nhiễm có hại cho môi trường hoặc sức khỏe con người hay không.

Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất tàn phá cuộc sống của người dân ở Crotta d'Adda và các ngôi làng khác ở tỉnh Cremona.

Thung lũng Po, một khu vực rộng lớn trải dài qua các vùng phía Bắc Italy gồm Piedmont, Lombardy, Veneto và Emilia-Romagna, là một trong những nơi ô nhiễm không khí tồi tệ nhất ở châu Âu. Một cuộc điều tra của The Guardian cho thấy hơn 1/3 số người sống trong thung lũng Po và các khu vực xung quanh hít thở không khí độc hại gấp bốn lần giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.

Mặc dù các trung tâm công nghiệp lớn như Milan và Turin từ lâu vốn khét tiếng về khói bụi, nhưng Cremona là một trong những thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất ở châu Âu trong bảng xếp hạng do Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố năm nay.

Theo EEA, chất lượng không khí kém có liên quan đến 50.303 ca tử vong sớm ở Italy vào năm 2020. Mặc dù đa số ca tử vong thuộc dạng này xảy ra ở Milan, nhưng Cremona là tỉnh có tỷ lệ tử vong vì bụi mịn PM 2.5 cao nhất Italy, khi có từ 150 đến 200 ca trên 100.000 dân.

Bà Maria Grazia Petronio, đại diện của ISDE (một hiệp hội môi trường của các bác sĩ), cho biết: “Không có cơ quan nào trong cơ thể không bị tổn thương vì PM 2.5. Vì vậy, chúng ta đang phải đối mặt với tất cả các loại bệnh ung thư, bệnh về đường hô hấp, các vấn đề về sinh sản và cả bệnh tim mạch. Khi nồng độ PM 2.5 ở mức cao, chúng ta thấy ngày càng nhiều người bị đau tim”.

Nằm cạnh dãy Alps và dãy Apennines, cách xa bờ biển và có ít gió, Thung lũng Po dễ bị ô nhiễm do điều kiện tự nhiên này.

Tuy nhiên, là trung tâm kinh tế của Italy, khu vực này cũng có mức độ công nghiệp hóa và thâm canh nông nghiệp cao. Lombardy thải ra một lượng lớn chất thải động vật, phần lớn tập trung ở các trang trại ở Cremona và các tỉnh lân cận. Khu vực này sản xuất hơn 40% lượng sữa bò của Italy và là nơi có số lượng lợn lớn nhất.

Cuộc sống không thể chịu nổi của người dân ở nơi ô nhiễm bậc nhất châu Âu - Ảnh 2.

Một trang trại chăn nuôi lợn ở Casteldidone, tỉnh Cremona. Ảnh: Getty Images

Vấn nạn ô nhiễm ở Cremona còn do một nhà máy thép gần Crotta d'Adda, một lò đốt rác thải đã cũ và các xe hạng nặng thường xuyên qua lại.

Giovanna Pirotta, một tình nguyện viên ở Cremona thuộc hiệp hội môi trường Legambiente, cho biết: “Thực sự ở quanh đây cái gì cũng có”.

Mặc dù các vấn đề do không khí ô nhiễm ở Cremona đã xuất hiện từ lâu, đặc biệt là những trường hợp tử vong sớm, nhưng hầu hết đều bị phớt lờ. Pirotta nói: “Trừ khi họ thực sự bị ảnh hưởng, còn không thì người dân ở đây thích giả vờ như không có chuyện gì xảy ra”.

Để giải quyết vấn đề, Lombardy đã đầu tư 19 tỷ euro cho các sáng kiến ​​chống ô nhiễm từ năm 2018 và năm 2022. Trong đó, phần lớn được chi cho cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, như ưu đãi cho người dân và doanh nghiệp đổi xe cũ lấy xe thân thiện với môi trường hơn.

Mặc dù các sáng kiến trong khu vực như làm đường dành cho xe đạp và cấm các phương tiện gây ô nhiễm đã phần nào giải quyết được tình trạng khói bụi ở Thung lũng Po, nhưng chính quyền lại ngần ngại thực hiện hành động mạnh mẽ hơn vì sợ sẽ phải trả giá đắt về mặt kinh tế.

Ông Michele Arisi tại Stati Generali Clima Ambiente e Salute (một hiệp hội môi trường tại Cremona), cho biết: “Mặc dù có rất nhiều xe đạp ở Cremona nhưng đây cũng là thành phố có tỷ lệ ô tô trên mỗi người dân cao nhất”.

Theo ông Arisi, khu vực này đang thực hiện nỗ lực to lớn nhưng không thể đạt được các mục tiêu về chất lượng không khí vào năm 2030 của EU do bất lợi về vị trí địa lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại