Trong mắt bè lũ Pol Pot, không phải các quốc gia tiến bộ, mà các bộ tộc sống biệt lập tại vùng rừng núi hẻo lánh của Campuchia mới là hình mẫu lý tưởng. Chúng ca ngợi lối sinh hoạt tập trung, tự cung tự cấp, chỉ dựa vào sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra, bởi cho rằng con người không bị đồng tiền, của cải làm vấy bẩn, không chịu bất cứ ràng buộc nào về tôn giáo.
Dưới thời Khmer Đỏ, tập trung được định nghĩa là giống nhau, là của chung. Những vật dụng gia đình cơ bản nhất như đồ dùng nhà bếp, cũng phải xung công. Họ mặc cùng một kiểu quần áo màu đen, để cùng một loại kiểu tóc, ăn chung một loại đồ ăn. Không ai được có nhà, có gia đình, có tôn giáo. Tài sản cá nhân, truyền thống văn hóa, tiền tệ đều bị bãi bỏ. Hoặc chấp hành, hoặc bị tra tấn và chết.
Tư tưởng cực đoan và máy móc của Khmer Đỏ đã khiến Campuchia rơi vào cuộc diệt chủng man rợ, "xóa sổ" 1/5 dân số quốc gia này.
Cưới tập thể, "sản xuất" trẻ em tức thì
Khmer Đỏ tự xưng là cha mẹ của dân chúng, được toàn quyền định đoạt họ sống như thế nào, người thân của họ là ai. Tất cả các đám cưới đều được tổ chức tập thể, có khi lên tới 100 cặp đôi mỗi lần, đều diễn ra cùng một kịch bản.
Cô dâu và chú rể, trang phục giống hệt ngày thường, xếp thành 2 hàng. Không có sự chứng kiến của gia đình. Không hoa, không đồ trang trí. Không đàn hát. Không có bất cứ nghi lễ nào, ngoại trừ việc các cặp đôi nắm tay nhau khi được trưởng làng yêu cầu, thề sống với nhau đến cuối đời và có con trong vòng 1 năm. Điều hạnh phúc duy nhất, nếu có, có lẽ chỉ là họ được ăn thêm một chút đồ ăn - thứ còn quý giá và thiêng liêng với họ hơn cả kết hôn.
Những nhân vật chính không được lựa chọn bạn đời, cũng không biết ai sẽ nắm tay mình trong đám cưới. Nhiều người phụ nữ bị buộc phải kết hôn với binh lính bị thương tật, cụt chân, cụt tay. Tất cả đều do Khmer Đỏ chỉ định. Cặp vợ chồng từ chối kết đôi sẽ bị triệu tập để cảnh cáo, trước khi phải lao động khổ sai, bị tra tấn, bị tống giam nếu còn khăng khăng từ chối.
Các gia đình bị chia tách về những trại lao động khác nhau, sinh hoạt tập trung từ vài trăm đến 1.000 người. Cứ 7 – 9 ngày, vợ chồng lại được gặp nhau một lần, không cần thăm hỏi, tâm tình gắn kết.
Bởi mục đích của những đám cưới Khmer Đỏ là nhanh chóng sinh ra những đứa trẻ phục vụ sản xuất lúa gạo, học cầm súng, đặt mìn, trở thành tay sai trung thành và tàn bạo cho những kẻ đứng đầu.
"Giữ ngươi sống chẳng ra lợi lộc, tiêu diệt ngươi cũng chẳng mất gì"
Khmer Đỏ có trăm lý do để tra tấn, giết người vô tội. Người dân Campuchia thời bấy giờ không ai là không biết "câu cửa miệng" của chúng: "Giữ ngươi sống chẳng ra lợi lộc, tiêu diệt ngươi cũng chẳng mất gì".
Tầng lớp trung lưu, giáo viên, bác sĩ, nhà sư, công chức… ở thành thị là đối tượng đầu tiên trong danh sách phải chết. Người có bàn tay mềm mại, người đeo kính, người nói được tiếng nước ngoài… cũng không thể tha. Bởi đó là kẻ thù, "tâm trí bị vẩn đục bởi tư tưởng phương Tây", "mang theo ký ức của Campuchia xưa cũ và mục nát".
Teeda Butt Mam may mắn thoát chết sau cuộc tàn sát hàng loạt dân thành thị và giới tri thức, để rồi mỗi ngày đều đối mặt với thủ đoạn đồng hóa, sàng lọc để tiêu diệt.
"Chúng gieo vào lòng chúng tôi sự thù địch và ghen tị để biện minh cho việc giết người. Chúng lệnh cho chúng tôi tham dự các cuộc họp mỗi tối, nơi chúng tôi phải bới móc lỗi lầm của nhau, đe dọa người khác. Chúng tôi tồn tại bằng cách phải trở nên giống chúng. Ăn cắp, lừa dối, ghét chính mình và không tin ai".
Mọi sai phạm, dù là nhỏ nhất, nếu bị phát hiện hay tố giác, đều phải trả giá bằng mạng sống. Để tiết kiệm đạn dược, tù nhân bị đánh vào đầu bằng gậy trước khi đẩy xuống hố cùng những người khác. Một quả lựu đạn được ném xuống sau cùng để chắc chắn không ai sống.
Rau dại, côn trùng, ếch nhái, thậm chí rắn độc cũng phải ăn
Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, vì đói khát, vì bệnh tật, vì làm việc quá sức - tất cả nhằm phục vụ cho mục tiêu trung bình 3 tấn lúa/ha, cao hơn nhiều lần so với thời kì trước chiến tranh với đầy đủ công cụ, nhân lực và cả sức lao động.
Một số ít người được đến các nhà máy ở thành phố. Số còn lại phải làm việc chân tay như những nô lệ trên cánh đồng, 14 - 16 tiếng mỗi ngày, bất kể nắng mưa, không có ngày nghỉ, không được hưởng trọn vẹn thành quả từ máu và nước mắt của mình.
Ngày 2 bữa cháo độn, không thịt, không cá, là tất cả những gì người dân Campuchia được ăn suốt 14 - 16 tiếng làm việc như nô lệ mỗi ngày tại các trại lao động. Ảnh: Phnom Penh Post.
"Tôi luôn bị đói. Tôi thức dậy từ trước khi trời sáng với cái đói bụng trước khi trời sang và phải đi bộ nhiều km mà không được ăn. Bữa trưa chỉ có cháo trộn với một ít ngũ cốc, chuối non luộc hoặc ngô luộc. Bữa tối cũng như bữa trưa", Tedda Butt Mam nhớ lại.
"Đêm nào tôi cũng đi ngủ trong tình trạng bẩn thỉu và đói khát. Chúng tôi bị lạnh vì chẳng có nhiều quần quần áo và chăn gối. Chúng tôi ốm mà chẳng được chăm sóc. Mỗi đêm, tôi đều sợ mình sẽ bị bắt đi, bị tra tấn, bị hãm hiếp và bị giết. Tôi muốn tự tử nhưng không thể. Nếu làm thế, tôi sẽ bị quy chụp là kẻ thù, vì dám thể hiện sự bất hạnh dưới chế độ của họ. Tôi chết sẽ làm cả gia đình tôi chết theo".
Để tồn tại, những người làm việc tại các trại lao động phải lén lút ăn bất cứ thứ gì tìm thấy: rau dại, côn trùng, ếch nhái… Um Saret cay đắng kể lại, cha cô đói tới mức, ông chấp nhận ăn rắn độc, dù biết thế là chết.
Còn cha của Talep Rafat thì bị ám ảnh tới mức, giờ đây, chỉ cần nghe thấy từ "cháo" là đã quá sức chịu đựng. "Ông ấy chắc chắn sẽ bảo: 'Đủ rồi đấy'".
Thế nhưng, sau tất cả những cuộc tàn sát, bắt bớ, tra tấn dưới vỏ bọc của cái gọi là sự thay đổi, lại là cuộc sống hưởng thụ của Khmer Đỏ. Tedda Butt Mam tới giờ còn chưa hết căm phẫn.
"Trong khi chúng tôi chết đói, bệnh tật và tuyệt vọng, thì Khmer Đỏ lại tạo ra một tầng lớp thượng lưu mới. Binh lính, các thành viên trong bộ máy của chúng được chọn cưới bất cứ ai chúng muốn. Ngoài thực phẩm vô biên, chúng sống sung túc với vàng bác, trang sức, nước hoa, đồng hồ nhập khẩu, thuốc tây, xe hơi, lụa là và đủ thứ hàng nhập khẩu khác".