Campuchia khởi sắc về mọi mặt sau 40 năm giải phóng khỏi chế độ Khmer Đỏ

Lê Ánh (TTXVN) |

40 năm sau ngày giải phóng khỏi chế độ Khmer đỏ, đất nước Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặt biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Campuchia là một trong số quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng bền vững 7%/năm trong những năm gần đây và dự báo sẽ được duy trì trong những năm tới.

Thu nhập bình quân đầu người từ 1.042 USD năm 2013 tăng lên 1.563 USD năm 2018, góp phần đáng kể nâng cao mức sống của người dân. Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh từ 53,5% năm 2004 xuống còn 13% trong năm 2016 và còn tiếp tục giảm.

Như vậy, Campuchia đã đạt dấu mốc quan trọng từ một quốc gia có thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và đang tiếp tục tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Nhờ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng, vốn dự trữ ngoại hối của Campuchia đã tăng từ 3,64 tỷ USD trong năm 2013 lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2017. Dự kiến, kinh tế Campuchia sẽ đạt mức tăng trưởng 7,3% trong năm 2018.

Trong đó, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng với tổng giá trị hàng xuất khẩu năm 2018 đạt 11,2 tỷ USD trong năm 2018, tăng 4% so với năm 2017. Xuất khẩu Campuchia chiếm khoảng 60% GDP quốc gia và dựa chủ yếu vào các mặt hàng như may mặc, nông nghiệp và công nghiệp.

Trong ngắn và trung hạn, Bộ Tài chính Campuchia dự kiến nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục khởi sắc với mức tăng trưởng khoảng 7%.

Theo Bộ trưởng Tài chính Aun Pornmoniroth, kinh tế Campuchia dự kiến tăng trưởng 7,1% năm 2019, nâng GDP của nước này lên 27,2 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Campuchia dự kiến đạt 1.706 USD trong năm 2019, tăng 9,1% so với năm 2018.

Nền kinh tế Campuchia chủ yếu dựa vào hoạt động xuất khẩu hàng may mặc, xây dựng và bất động sản, du lịch và nông nghiệp.

Ngành công nghiệp Campuchia, chủ yếu là may mặc và xây dựng, dự kiến tăng trưởng 10% năm 2019 trong khi lĩnh vực dịch vụ, chủ yếu là du lịch, vận tải, viễn thông, thương mại và bất động sản, dự kiến tăng trưởng 7%, và nông nghiệp dự kiến tăng trưởng 1,8%.

Tuy vậy, ông Pornmoniroth cho rằng sự thiếu ổn định của cơ chế thuế quan ưu đãi mà một số nước đối tác thương mại cấp cho Campuchia có thể dẫn tới nguy cơ suy giảm tăng trưởng của kinh tế nước này.

Hồi tháng 10/2018, Liên minh châu Âu (EU) thông báo Campuchia có thể đánh mất quyền tiếp cận thương mại đặc biệt với các thị trường châu Âu theo cơ chế thương mại ưu đãi Tất cả mọi thứ trừ vũ khí (EBA) sau khi EU thực hiện đánh giá 6 tháng về tình trạng miễn thuế của nước này. EU là đối tác thương mại lớn của Campuchia, nhất là trong lĩnh vực da giày và dệt may.

Là quốc gia thuộc Nhóm nước kém phát triển nhất (LDC), Campuchia trong nhiều thập niên qua đã được xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa (trừ vũ khí và đạn dược) sang thị trường các nước châu Âu mà không phải chịu bất kỳ loại thuế quan nào.

Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Campuchia Ken Loo cho biết, thị trường EU chiếm tới 46% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và da giày của nước này. Theo số liệu của EU, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang thị trường EU đạt khoảng 5,7 tỷ USD năm 2017.

Các chuyên gia đánh giá cao những chính sách đúng đắn của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, do Chủ tịch CPP Samdech Techo Hun Sen đứng đầu, đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần nỗ lực hơn nữa và cần các ý tưởng đột phá để đảm bảo việc chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế diễn ra suôn sẻ, cân bằng, đa dạng và thống nhất, để ứng phó với tình hình phức tạp trong bức tranh toàn cảnh thế giới nhiều thay đổi.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại