Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nền kinh tế Campuchia đối mặt với những thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng đầu tư và thương mại, do các nhà sản xuất quốc tế có thể chuyển hoạt động kinh doanh sang Việt Nam, sau khi Việt Nam trở thành nước thứ 7 phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, Campuchia cũng cần xem xét việc gia nhập CPTPP trong tương lai.” ông Suzuki nói.
Theo ông Hiroshi Suzuki, thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Campuchia, Thái Lan đang xem xét gia nhập CPTPP. Nếu cả Thái Lan cũng trở thành thành viên của hiệp định này, trong khi Campuchia đứng ngoài, thì chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc Liên minh châu Âu tạm ngừng Thỏa thuận Tất cả trừ Vũ khí (EBA) với Campuchia, trong khi lại gần hoàn tất việc đàm pháp thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, cũng có thể khiến các công ty EU, nhất là trong lĩnh vực giày dép và dệt may, chuyển hướng từ Campuchia sang Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà phân tích Kerstin Brolsma, thuộc Nhóm Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc lại cho rằng, thị trường Campuchia vẫn đủ sức cạnh tranh, nhờ quan hệ kinh tế với Việt Nam, cũng như đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia dựa trên Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tương tự như ông Suzuki, ngày 8/11, cố vấn cấp cao của Hội đồng Kinh tế Tối cao quốc gia Mey Kalyan cho rằng, việc tham gia CPTPP hoặc các hiệp định thương mại khác có thể cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Campuchia. Tuy nhiên, nước này cần tìm hiểu kỹ những mặt được và mất trong quá trình này, nhắm tránh rủi ro không đáng có.