Cuộc săn lùng bí ẩn đằng sau dấu chân người khổng lồ rải khắp thế giới

S.T |

Không những xuất hiện dấu chân người khổng lồ mà chúng còn xuất hiện cùng dấu chân của khủng long và voi ma mút.

Những dấu chân triệu năm

Có lẽ bạn đã nghe về chủng người Australopithéque sống cách đây 4 triệu năm, chỉ có chiều cao trung bình từ 1 đến 1,5m và nặng từ 20 đến 50 kg.

Nhưng thật khó tin rằng, có những dấu chân người sống cách đây... vài trăm triệu năm. Một trong những bí ẩn lớn nhất là những dấu chân không rõ lai lịch nằm rải rác trên khắp thế giới.

Tại cao nguyên Laetoli (Tanzania), còn những dấu chân rất đặc biệt in rõ trên bùn hoá thạch cách đây 3,8 triệu năm. Đó là hai loại dấu chân, một của một em bé và một của người lớn. Tro núi lửa và bùn khô đã để lại những dấu vết rất rõ.

Các nhà khoa học hoàn toàn lúng túng khi phải làm rõ lai lịch của "giống người" này, cũng như từng lúng túng khi gặp phải những dấu chân kỳ lạ ở Glenn Rose (Texas, Mỹ).

Cuộc săn lùng bí ẩn đằng sau dấu chân người khổng lồ rải khắp thế giới - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Theo các nhà khoa học Mỹ, đây phải là vết chân của một giống người cao đến 4m (theo tỷ lệ giữa chiều dài bàn chân và chiều cao cơ thể).

Điều kỳ quặc nhất là chúng nằm cạnh những vết chân khủng long. Năm 1908, các nhà khảo cổ Mỹ đã tìm ra hai loại dấu chân này và họ cho rằng chúng ra đời cách nay 120-130 triệu năm.

Một cuộc tranh cãi bất tận đã nổ ra. Có người cho rằng, dấu chân trước của khủng long bị tro của núi lửa và sự xâm thực qua thời gian "gọt" bớt một phần, tình cờ tạo nên vết chân người.

Nhiều ý kiến lại cho rằng đây chỉ là một trò đùa cợt của những kẻ rách việc, y như những vòng tròn bí ẩn trên các cánh đồng ở Anh.

Nhưng những phương pháp tiên tiến của khảo cổ học dễ dàng lột mặt nạ trò lừa bịp trẻ con này, thành thử, không thể có chuyện giả mạo ở đây.

Một số dấu chân ngoại cỡ cũng được tìm thấy ở Arizona và Tuba (Mỹ) vào năm 1986 và 1997. Những dấu chân này đều to như dấu chân khủng long.

Nếu cần truy nguyên, người ta có thể lục lại lịch sử để thấy rằng những vết chân như thế không phải là hiếm.

Thế kỷ XIX, một nhà văn Mỹ trong tác phẩm American Antiquites đã cho biết: Gần con sông Tennessee, cách Braystown, Bắc Caroline (Mỹ), vài kilomet về phía Nam, có cả "một loạt dấu chân kỳ lạ".

Nhiều người Mỹ thời bấy giờ chỉ cho rằng đó là cảm hứng của nhà văn. Nhưng năm 1965, các nhà khoa học đã tìm được dưới lớp bùn khô, tại đúng vị trí đó, những dấu chân ngựa, gấu, gà và dấu chân của "một giống người có 6 ngón".

Phát hiện này gây chấn động ngành khảo cổ thời ấy. Việc xác định lai lịch của người 6 ngón là không thể. Tuy nhiên, theo thống kê chưa chính thức của Viện sử học và khoa học tiền sử Mỹ, đã có 122 tác phẩm khảo cứu về giống người kỳ lạ này.

Năm 1882, trong một buổi lao động khổ sai, những tù nhân ở Carson, Nevada (Mỹ), đã đào xới một lớp sa thạch và tìm được những dấu chân có vẻ như của voi mamút. Điều đáng nói là lẫn trong đó có những vết chân của người khổng lồ (theo tính toán, giống người này phải cao từ 3 đến 3,8m).

Phải chăng đó là một cuộc săn voi thời tiền sử? Nhưng kích thước của con người thời ấy không thể quá cỡ đến vậy!

Ngày 27/8/1882, một bản báo cáo chính thức được gửi lên Viện Hàn lâm Khoa học California. Một số nhà khoa học cho rằng đó không phải là dấu chân trần, mà là dấu "dép xăng đan thượng cổ".

Năm 1885, tại đỉnh đồi Big ở Cumberland, Kentucky (Mỹ), một loạt dấu chân bí ẩn lại được công bố. Hiện trường là mỏ than Jackson.

Các nhà khoa học thời ấy cho rằng đây là vết chân gấu, ngựa (một loài ngựa cực lớn) và của "người". Điều phi lý là niên đại của chúng được xác định ở mức 300 triệu năm! Những vết chân có 5 ngón và ngón cái choãi ra rất rõ.

Năm 1886, Viện hàn lâm khoa học Ohio trưng bày một tảng đá in rõ 2 dấu chân người gần như hoàn hảo, được tìm thấy ở Parkesbourg, Virgina (Mỹ), với niên đại 150 triệu năm.

Đúng lúc, một phái đoàn nghiên cứu của châu Âu tình cờ sang Mỹ du lịch đã bị sự kiện nay cuốn hút. Nhưng cả 17 nhà khoa học cũng chẳng tìm ra lời giải nào hợp lý.

Năm 1930, dư luận tập trung vào phát hiện của Giáo sư William Burrough, Trưởng khoa Địa chất của Đại học Borea. Ông đã tìm ra 10 dấu chân người rộng 15 cm, dài 24 cm trong một lớp sa thạch ở Rockcastle.

Năm 1998, ngành khảo cổ Mỹ đã đưa lại vấn đề này, vì e rằng có sự đùa cợt. Tia hồng ngoại và kỹ thuật chụp ảnh vi bản cho thấy đó là vết chân thật, có niên đại 250 triệu năm.

Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáng sửng sốt bằng phát hiện của nhà khoáng vật học nghiệp dư William J.Meister. Năm 1968, ông đã tìm được ở Antelope Spring, Utah (Mỹ), những dấu chân người có niên đại 500 triệu năm…

Nếu bạn cho rằng tất cả những điều trên chỉ là những câu chuyện quá khứ thì bạn đã lầm. Anh James Snyder (Mỹ) đã tìm được một dấu chân to tướng tại rừng quốc gia Cleveland.

James đang đi tìm vàng thì vô tình giẫm lên một dấu chân khổng lồ khắc trên một tảng đá hoa cương. Thoạt tiên, James nghĩ rằng đây là dấu vết của người chân to mà khoa học từng xem là bí ẩn rất lớn.

Cho đến nay, các nhà khoa học Mỹ vẫn chưa có câu trả lời.

Nguồn sưu tầm: Cuốn "Bí ẩn của nhân loại", trang 272, NXB Từ điển Bách khoa

Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại