Cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ có thể là vấn đề với cả thế giới và đây là lý do

Linh Anh |

Trong khi những người được tiêm vắc xin ở Anh hay Mỹ vui mừng ôm chầm lấy người thân sau một thời gian xa cách, tại Ấn Độ, có những gia đình nhọc nhằn tìm chỗ hỏa táng người thân, quẫn trí đếm thi thể người quá cố.

Ở thời điểm hiện tại, hệ thống y tế Ấn Độ vẫn chưa tìm ra cách để khôi phục trở lại. Các bệnh viện đang quay lưng với bệnh nhân dù họ đang nguy kịch. Không có giường, hết oxy là tình trạng chung của các bệnh viện ở Ấn Độ, nhất là khi số ca mắc mới tăng kỷ lục mỗi ngày. Cả Ấn Độ đang chìm trong một cuộc khủng hoảng và cả thế giới nên lo lắng về điều đó.

Theo các chuyên gia, virus càng lây lan mạnh thì nó càng có cơ hội biến đổi và tạo ra các chủng có thể kháng các loại vắc xin hiện có. Điều này đe dọa làm suy yếu sự tiến bộ của các quốc gia khác trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

"Nếu chúng ta không giúp Ấn Độ, tôi lo rằng đại dịch sẽ bùng phát trở lại khắp thế giới" Tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng Đại học Brown, Mỹ, cho biết.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều nước đã gửi những chuyến hàng cứu trợ tới Ấn Độ. Máy tạo oxy của Mỹ cũng đã tới Ấn Độ vào tuần này. Anh, Đức và Ý cũng cam kết gửi thêm thiết bị y tế trong khi máy bay Nga cất cánh từ Zhukovsky cũng đã đến New Delhi mang theo thuốc, máy thở và các thiết bị y tế khác.

Trong khi nỗ lực cứu sống những người bệnh đang được ưu tiên ở Ấn Độ, việc phổ cập vắc xin chống Covid-19 mới là biện pháp lâu dài ở quốc gia này. Tuy nhiên, dù là nước sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, Ấn Độ vẫn không có đủ thuốc và không có cách nhanh chóng và đơn giản nào để có thể gia tăng sản lượng.

Các nước phương Tây thì bị chỉ trích vì dự trữ quá nhiều vắc xin trong khi lại không chịu chia sẻ với các ổ dịch như Ấn Độ. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định rằng họ không có vắc xin để gửi tới Ấn Độ. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ gửi vắc xin tới Ấn Độ. Hồi đầu tuần, Mỹ cũng thông báo về việc chia sẻ 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca cho các quốc gia khác nhưng họ không nói là quốc gia nào hoặc khi nào.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, khẳng định việc phân phối vắc xin một cách đồng đều trên toàn cầu là điều cần thiết. "Vì chúng ta ở cùng nhau nên các quốc gia cần có trách nhiệm với nhau, đặc biệt là khi bạn là một nước giàu nhưng vẫn có liên hệ với các nước nghèo hoặc không có đủ nguồn lực cho vắc xin như bạn", ông Fauci cho biết.

Trong khi đó, các chuyên gia nhấn mạnh rằng chia sẻ vắc xin là cách các nước giàu bảo vệ chính bản thân họ. Khi dịch bùng lên với quy mô lớn như ở Ấn Độ, xác xuất có những biến thể mới cũng cao hơn. Chúng có thể lây nhiễm mạnh và kháng cả các loại vắc xin hiện hữu. Sẽ trở thành thảm họa khi thế giới bắt đầu cuộc chiến chống Covid-19 lại từ đầu.

Tháng 12 năm ngoái, các nhà khoa học phát hiện chủng biến thể B.1.617 ở Ấn Độ. Hiện tại, họ cũng đã thấy số người mắc chủng này tăng lên. Điều này đang được xem là một mối tương quan dịch tễ quan trọng, đe dọa tạo ra một chủng virus mới. Tuy nhiên, biến thể B.1.1.7 được phát hiện ở Anh đang khiến nhiều người mắc bệnh hơn.

"Việc ngày càng có nhiều biến thể khiến không quốc gia nào có thể thực sự yên tâm giữa đại dịch. Vì chính mình, mỗi quốc gia nên lo ngại về nguy cơ dịch bệnh vượt tầm kiểm soát dù ở bất cứ nơi nào. Anh hay Mỹ đang làm tốt việc tiêm chủng và họ có thể cảm thấy tuyệt vời về điều đó miễn là không xuất hiện những biến thể khác ngoài kia", Tiến sĩ Ashish Jha nhận định.

Hiện tại, có 142 triệu người Mỹ và 33 triệu người Anh từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, tương đương 43 và 64% dân số đủ điều kiện tiêm chủng. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, dù có 129 triệu người được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin nhưng chỉ tương đương 8% tổng dân số nước này. Thiếu nguồn cung và khả năng triển khai vắc xin chậm là nguyên nhân.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ có thể là vấn đề với cả thế giới và đây là lý do - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia dịch tễ, Ấn Độ cần tiêm 10 triệu liều vắc xin mỗi ngày để có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng cho toàn bộ người lớn trong 5 tới 6 tháng tới. Tuy nhiên, đó là giả thuyết khi có đủ vắc xin.

Ngoài các biến thể, còn một nguy cơ khác. Ấn Độ là bên tham gia chủ lực trong chương trình COVAX, sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu. COVAX đảm bảo những nước nghèo vẫn có cơ hội tiếp cận vắc xin. Ấn Độ hứa cung cấp 200 triệu liều vắc xin cho 92 nước. Tuy nhiên, tình hình xấu đi nhanh chóng ở Ấn Độ có thể khiến Delhi chuyển trọng tâm sang phục vụ chính người dân của mình.

Khi Ấn Độ, một trong những quốc gia sản xuất vắc xin chính, giữ lại thuốc cho mình, hàng loạt các nước khác trên thế giới sẽ lâm vào tình trạng khát vắc xin. Điều đó khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao hơn, khiến dịch bệnh trở nên dai dẳng hơn và tạo ra nhiều hệ lụy với thế giới hơn.

Khi các loại vắc xin được chứng minh hiệu quả, thế giới đã hy vọng vào một ngày thoát khỏi mối đe dọa từ Covid-19. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra ở Ấn Độ đã tạt gáo nước lạnh vào kỳ vọng đó. Thậm chí, có thể còn tồi tệ hơn thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại