Liên quan đến những bức xúc trước thực trạng quản lý của đơn vị mua lại Hãng (công ty Vận tải thủy Vivaso) khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, chiều 19/9, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso đã tổ chức cuộc họp với các nghệ sĩ.
Cuộc họp bắt đầu từ lúc 13h30, kéo dài đến 17h trong bầu không khí vô cùng căng thẳng. Ngay từ đầu, bên không thống nhất được cách làm việc.
Ông Nguyễn Danh Thắng (chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam) 2 lần yêu cầu mọi người ghi câu hỏi ra giấy nhưng bị phản đối.
Các nghệ sĩ muốn đối đối thoại trực tiếp. Đồng thời kiên quyết đợi ông Nguyễn Thủy Nguyên - chủ tịch công ty Vận tải thủy Vivaso (đơn vị mua lại Hãng) đến để trả lời.
Cuộc họp xoay quanh 2 vấn đề chính. Một là lương và chế độ làm việc của các nghệ sĩ tại công ty. Hai là định hướng của công ty với việc làm phim và sự tồn tại - phát triển của Hãng.
Cuộc họp thu hút được sự có mặt của đông đảo nghệ sĩ và các cơ quan báo chí
Như thế nào mới được gọi là làm việc và xứng đáng được nhận lương?
Về chuyện lương, ông Nguyễn Thủy Nguyên trả lời rất nhiều chất vấn của các nghệ sĩ và cho biết công ty hiện đang chấm công theo 2 cách. Một là chấm công theo giờ làm việc với những người người đến làm việc trực tiếp tại công ty.
Hai là chấm theo sản phẩm (tức là nhân viên phải có dự án, dự án đó được thông qua thì mới được nhận lương) theo nguyên tắc "có làm có hưởng".
"Nguyên tắc trả lương là có làm có hưởng. Tôi chưa hề cắt lương các đồng chí. Tôi trả lương cho các đồng chí đúng như trước khi cổ phần.
Khi tư nhân cổ phần hóa chúng tôi phải công bằng. Có những người 3 năm không đến cơ quan mà vẫn lĩnh lương, đóng bảo hiểm bình thường, thì các đồng chí suy nghĩ gì?
Tôi sẽ không trả lương nếu các đồng chí 2-3 năm không đến cơ quan hoặc đến mà không làm gì", ông Nguyên khẳng định.
Thế nhưng, chế độ trả lương này chưa phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của các nghệ sĩ đang làm việc tại đây, nhất là trong bối cảnh mỗi năm chỉ sản xuất một vài phim như hiện nay.
Diễn viên Quốc Tuấn bức xúc cho biết: "Hiện nay Hãng phim đang mập mờ trong cách làm việc. Trong bản cam kết ghi một năm chỉ có một phim truyện nhựa và một phim video, tức là chỉ có 2 đạo diễn làm việc.
Vậy 8 đạo diễn còn lại có được tính là làm việc hay không? Chúng tôi muốn công việc, muốn cống hiến nhưng anh không cho chúng tôi cơ hội đó. Tôi muốn anh giải thích thế nào là công việc?".
Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành cũng có cùng chất vấn tương tự: "Ông trả lời cho chúng tôi thế nào là làm việc? Nếu chúng tôi ở nhà suốt đêm làm kịch bản thì có gọi là làm việc không?".
Trước những thắc mắc của các nghệ sĩ, ông Nguyên trả lời: "Một số đối tượng cứ xem mình là nghệ sĩ, nhưng nhiều năm qua không có sản phẩm gì mà vẫn được hưởng lương và bảo hiểm xã hội. Nhiều người không làm gì vẫn được đóng bảo hiểm và chính họ là những người góp phần làm hãng phim nợ mấy chục tỷ".
Đồng thời, ông Thủy Nguyên đọc một bản thống kê chứng minh trong một khoảng thời gian dài các đạo diễn không làm được phim, hoặc có làm được phim nhưng không bán được vé.
Tuy nhiên bản thống kê của ông Nguyên lại có nhiều chi tiết thiếu chính xác khiến các nghệ sĩ và phóng viên bên dưới phải nhắc nhở.
Dù quá nửa thời gian cuộc họp dành để tranh luận, cãi vã về chế độ lương của các nghệ sĩ, thế nhưng cuối cùng 2 bên vẫn không thể thống nhất được.
"Chúng tôi kinh doanh nhiều lĩnh vực, phim ảnh chỉ là một phần"
Về vấn đề định hướng làm phim - điều mà các nghệ sĩ quan tâm nhất cũng "không có hồi kết" trong cuộc họp nóng nực và căng thẳng này.
Trước những câu hỏi được đặt ra, ông Nguyên nói: "Chúng tôi kinh doanh nhiều lĩnh vực, phim ảnh chỉ là một phần. Hôm nay điện ảnh có thể ăn khách và trở thành chiến lược, ngày mai chỉ là ngành phụ".
Đồng thời đưa ra những con số thể hiện sự thua lỗ trong suốt những năm qua, điển hình là bộ phim "Sống cùng lịch sử" (2014) lên đến 21 tỷ.
Bởi thế, trong cuộc họp ông đề đạt vấn đề các nghệ sĩ cùng chia sẻ khó khăn với công ty bằng cách chủ động đi tìm việc làm. Ví dụ như nhận quay các chương trình cho xã, cho cá nhân nhỏ lẻ để kiếm tiền trong lúc chưa có các dự án làm phim lớn.
Trước câu trả lời của ông Nguyên, diễn viên Quốc Tuấn cho rằng: kể cả khi không trả đủ lương, nghệ sĩ vẫn sống được, cái mà mọi người cần là công việc để làm.
"Chúng tôi muốn làm việc nhưng không có việc trong khi lãnh đạo hãng lại bảo là chúng tôi phải tự đi kiếm việc", nam nghệ sĩ nói.
Nguyễn Thủy Nguyên - chủ tịch công ty Vận tải thủy Vivaso (đơn vị mua lại Hãng) gay gắt trả lời các câu hỏi của nghệ sĩ.
Đạo diễn Quốc Tuấn không cảm thấy thỏa đáng với những câu trả lời từ phía công ty
Cũng trong cuộc họp, ông Nguyên thừa nhận Vivaso là công ty đường thủy, không có kinh nghiệm làm phim: "Chúng tôi vẫn chưa có giám đốc, rất cần một lãnh đạo biết nghề, có kiến thức để phát triển. Chúng tôi mới tiếp quản có hai tháng thì chưa có định hướng lẫn lộ trình phát triển rõ ràng".
Ông Nguyên bày tỏ những khó chịu về việc các nghệ sĩ "qua mặt" mình, tự tổ chức hội đồng bàn về kịch bản và quyết định luôn.
Trong bầu không khí nóng nực, cuộc đối thoại của công ty và các nghệ sĩ diễn ra căng thẳng từ đầu tới cuối và gần như không tìm được tiếng nói chung.
Tình trạng ngắt lời, đổ lỗi và chỉ trích từ cả 2 bên đã khiến buổi đối thoại trở thành cuộc tranh cãi không khoan nhượng.
Kết thúc buổi đối thoại, phía nghệ sĩ vẫn cảm thấy "không thu được kết quả gì" còn phía công ty khẳng định đã trả lời thẳng thắn mọi vấn đề. Được biết chiều mai (21/9), các nghệ sĩ sẽ tiếp tục có buổi làm việc với Hội Điện ảnh.