Theo đài CNN, ông Tillerson tổ chức họp báo với người đồng cấp Ả Rập Saudi Adel bin Ahmed Al-Jubeir. Không thấy bóng dáng của các phóng viên Mỹ mà chỉ có báo chí nước ngoài.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ R.C. Hammond sau đó gửi lời xin lỗi vì "không thể thông báo kịp hoặc sắp xếp để truyền thông Mỹ tham gia". "Dù sao thì các cơ quan báo chí Mỹ cũng nên có quyền tham dự họp báo và đặt câu hỏi" – ông Hammond thừa nhận.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tham dự một cuộc họp báo tại Ả Rập Saudi ngày 20-5. Ảnh: AOL
Nhà Trắng cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về thông tin trên, trong khi cánh phóng viên đang tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra.
Họ tìm thấy một bản ghi dữ liệu trong đó bao gồm nhận xét của ông Tillerson. Vị này đề cập tới bài phát biểu về cộng đồng Hồi giáo của Tổng thống Donald Trump tại Ả Rập Saudi ngày 21-5: "Tôi nghĩ rằng tổng thống đang mở rộng vòng tay và hiểu rằng chỉ có đoàn kết lại, chúng ta mới giải quyết được mối đe dọa khủng bố đang hiện hữu".
Trước đó, trả lời phỏng vấn đài Fox News, ông Tillerson cho biết chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Trump nhằm giải quyết mối đe dọa khủng bố, cải thiện nhân quyền dựa trên củng cố an ninh và ổn định khu vực.
Hồi tháng 3, các phóng viên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã phản đối khi ông Tillerson sang Nhật Bản mà chỉ có một phóng viên đi kèm. Điều này được xem là bất thường vì các ngoại trưởng Mỹ trong quá khứ thường để một nhóm phóng viên đi theo tác nghiệp. Chi phí đi lại do các cơ quan báo chí tự túc.
Sau chuyến thăm Ả Rập Saudi, Tổng thống Trump bay tới Israel và Palestine, dự kiến ở lại 2 ngày. Dù kêu gọi xúc tiến thỏa thuận hòa bình cho hai nước nhưng nhà lãnh đạo Mỹ không công bố kế hoạch chi tiết. Trong bài phát biểu tại thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi cuối tuần qua, ông Trump tin rằng người Do Thái và người Palestine có thể đạt được thỏa thuận hòa bình.
So với người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump ủng hộ Israel nhiều hơn cũng như thể hiện lập trường mềm mỏng đối với các khu định cư gây tranh cãi của nước này ở Bờ Tây. Hơn 600.000 người Do Thái sinh sống tại 140 khu định cư ra đời từ năm 1967 khi Israel chiếm đóng Bờ Tây và Đông Jerusalem. Các khu định cư được xem là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Ông Trump dự kiến tham dự cuộc họp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại TP Jerusalem ngày 22-5 (giờ địa phương) và gặp nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas ở TP Bethlehem vào hôm sau.
Cảnh sát tuần tra trung tâm TP Jerusalem hôm 18-5. Ảnh: FLASH90
Thủ tướng Netanyahu đã yêu cầu tất cả bộ trưởng chính phủ phải tới đón nhà lãnh đạo Mỹ khi ông hạ cánh tại sân bay ở Israel. Đài CNN dẫn nguồn tin cho biết một số bộ trưởng không muốn đến sân bay Ben Gurion ở thủ đô Tel Aviv nên Thủ tướng Netanyahu phải "bắt ép".
Phía Israel đã triển khai hơn 10.000 nhân viên an ninh để đảm bảo chuyến thăm của ông Trump diễn ra suôn sẻ. Theo người phát ngôn cảnh sát Israel Micky Rosenfeld, an ninh hai nước Mỹ và Israel sẽ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ. Phái đoàn Mỹ trong chuyến công du lần này được khoảng 1.000 nhân viên an ninh hộ tống.