Đáp trả thông tin trên NYT, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 22/5 đặt nghi vấn về mức độ tin cậy của nguồn tin.
Nếu mạng lưới điệp viên của CIA bị Trung Quốc phá thì Mỹ không có gì đáng tự hào cả, nhưng Hoàn Cầu cho rằng các lực lượng an ninh của Trung Quốc đã bị mô tả như những kẻ tàn nhẫn, trong khi các gián điệp Mỹ vô tội.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường hoạt động phản gián, đặc biệt từ sau khi Luật chống gián điệp được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 11/2014.
Theo NYT, chiến dịch của Bắc Kinh đã làm tê liệt hoạt động gián điệp của Mỹ ở Trung Quốc.
Các quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu của Mỹ mô tả đây là một trong những vụ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, đặt các cơ quan tình báo và hành pháp của Mỹ vào tình thế chật vật để ngăn chặn hậu quả.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama vào thời điểm đó cũng phải thắc mắc rằng tại sao hoạt động tình báo bị đình trệ.
Các nhà điều tra cũng bất đồng về nguyên nhân của vụ thất bại tình báo. Một số cho là đã có nội gián trong Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), số khác tin là người Trung Quốc đã tấn công mạng vào hệ thống bí mật mà CIA sử dụng để liên lạc với các nguồn tin của họ ở nước ngoài.
Hiện chưa có một kết luận thống nhất về thiệt hại đối với ngành tình báo Mỹ. Theo các cựu quan chức nước này, trong khoảng cuối năm 2010 đến cuối năm 2012, Trung Quốc "đã giết ít nhất hơn một chục nguồn tin của CIA".
Theo 3 quan chức mô tả, một điệp viên "đã bị bắn trước mặt các đồng nghiệp của ông ta trong sân một tòa nhà của chính phủ - nhằm gửi thông điệp đến những người có thể đang làm việc cho CIA".
Theo Hoàn Cầu, nếu những thông tin được NYT cung cấp là chính xác thì "cần phải vỗ tay khen ngợi hoạt động phản gián của Trung Quốc", bởi bên cạnh mạng lưới gián điệp bị gián đoạn, chính Washington cũng chưa phát hiện được lỗ hổng trong hệ thống của mình.
Đây có thể xem là 'một cuộc dọn dẹp' thắng lợi. Thậm chí nếu CIA nỗ lực tái thiết các cơ sở gián điệp ở Trung Quốc, họ có thể đi vào vết xe đổ, Hoàn Cầu cho hay.
Tờ này cho rằng câu chuyện "điệp viên CIA bị bắn trong tòa nhà chính phủ Trung Quốc" là thông tin hoàn toàn thêu dệt, dựa trên trí tưởng tượng kiểu Mỹ đối với Trung Quốc.
Cả chính phủ Trung Quốc và Mỹ đều chưa lên tiếng về vụ việc.
Các nhà điều tra Mỹ thấy rất khó khăn trong nỗ lực điều tra cáo buộc Trung Quốc "thanh trừng" điệp viên Mỹ. (Ảnh minh họa: Carolyn Kaster/Associated Press)
Rạn nứt mới trong quan hệ Mỹ-Trung?
Báo cáo của NYT được tung ra trong thời điểm rất đáng chú ý, khi quan hệ Mỹ-Trung đang tiến triển tương đối suôn sẻ dù còn một số bất đồng.
Vòng đối thoại đầu tiên về ngoại giao và an ninh giữa hai nước sẽ được tổ chức trong tháng 6 tới.
Nhiều thành phần tinh hoa trong chính giới Mỹ vẫn muốn hướng đến sự cứng rắn và "dằn mặt" Bắc Kinh. Thông tin của NYT sẽ cho họ một đòn bẩy mới để khơi dậy sự bất tín nhiệm giữa Mỹ-Trung trong vấn đề gián điệp.
Cộng đồng tình báo Mỹ hiện quy tụ các cơ quan thu thập lượng tình báo lớn nhất thế giới. Theo phía Trung Quốc, Mỹ không chỉ đặt ra các tiêu chuẩn đạo đức cho giới điệp viên dựa trên lợi ích quốc gia của riêng mình, mà đang áp đặt các tiểu chuẩn đó ở phạm vi toàn cầu.
"Báo của NYT giống như đoạn mở đầu cho một phiên bản mới của bộ phim 'Nhiệm vụ bất khả thi'," Hoàn Cầu viết, mỉa mai các nhà báo Mỹ bị ám ảnh bởi loạt phim ăn khách này. "Các điệp viên Mỹ hoạt động ở Trung Quốc bị mất tích, và một số chết thảm nhưng không ai biết được nguyên nhân".
CIA bị cáo buộc đã gia tăng đáng kể hoạt động tình báo ở Trung Quốc, dẫn đến Bắc Kinh "hiển nhiên" phải củng cố các biện pháp phản gián. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần khẳng định những chiến dịch của họ tuân thủ luật pháp quốc tế, trong khi Mỹ hành động trái luật.
"Trong khi báo chí Mỹ rất giỏi leo thang trong các vụ 'bắt gián điệp Trung Quốc', họ lại bỏ qua đạo đức khi đưa tin về gián điệp CIA tại Trung Quốc," Hoàn Cầu chỉ trích. "Thật vô lý khi qua sự diễn giải của họ, nước Mỹ luôn có mục đích cao cả khi bắt hay cử điệp viên."