‘Hồ whisky’
Nhà máy chưng cất rượu Port Ellen, thuộc sở hữu của gã khổng lồ đồ uống quốc tế Diageo, đã đóng cửa vào năm 1983 do suy thoái kinh tế toàn cầu và sản xuất quá mức. Lượng rượu dư thừa đến độ mà người ta còn dùng cụm từ “Hồ whisky” để chỉ giai đoạn này, tức là số rượu không ai mua có thể đủ để lấp đầy một cái hồ.
Giờ đây, Port Ellen đang được hồi sinh. Đây là một trong số các nhà máy chưng cất “ma”, vốn bị đóng cửa lâu năm nhưng giờ đây lại hưng thịnh trở lại do nhu cầu bùng nổ.
Trong bốn thập kỷ kể từ khi đóng cửa đến khi mở cửa trở lại, Port Ellen đã thu hút một lượng lớn tín đồ rượu whisky. Những người tới đây có nhu cầu tìm hiểu những điều thú vị với rượu mạnh, nhất là ở những thùng có độ mạnh cao bất thường.
Roy Duff, biên tập viên của Dramface.com, một trang web và podcast đánh giá rượu whisky độc lập, cho biết: “Đó đơn thuần là sự tình cờ. Điều kỳ diệu đã xảy ra vì rượu whisky đã bị lãng quên và bỏ lại trong nhiều năm. Việc bị bỏ quên như vậy đồng nghĩa với việc rượu có thể tỏa sáng. Ủ càng lâu trong khí hậu Scotland thì rượu càng ngon”.
Là một nhà máy chưng cất được thành lập vào năm 1825 ở ven biển vùng Islay, nơi hành hương của những người “nghiện rượu mạch nha” trên toàn thế giới, Port Ellen là một nhà máy nổi tiếng trong số những nhà máy chưng cất bị lãng quên.
Nhiều nhà máy khác cũng đã hồi sinh, bao gồm nhà máy chưng cất Highland ở Brora - cũng là một phần của hãng Diageo - và Rosebank, gần Falkirk ở vành đai trung tâm Scotland.
Một huyền thoại rượu whisky khác của Islay, Ardbeg, đã bị bỏ quên trong hầu hết những năm 1980 và đã hồi sinh một cách ngoạn mục kể từ khi nó được nhà máy chưng cất Glenmorangie mua lại vào năm 1997. Năm 2022, một thùng Ardbeg năm 1975 đã được bán cho một đại gia ở Hồng Kông với giá 16 triệu bảng Anh (20 triệu USD), nhiều hơn gấp đôi số tiền Glenmorangie trả cho nhà máy chưng cất và cổ phiếu của nó.
Dù mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ như vậy nhưng cần nguồn vốn đầu tư khổng lồ đối với các nhà máy rượu. Mặc cho kế hoạch hồi sinh được công bố lần đầu tiên vào năm 2017, Port Ellen phải chờ hơn ba năm cho tới khi đại dịch Covid-19 đi qua, chờ xử lí các vấn đề hậu Brexit về chi phí và nguồn cung cấp vật liệu xây dựng cũng như tình trạng thiếu năng lực vận tải.
Các nỗ lực đã được đền đáp thích đáng.
Các tòa nhà cũ và mới, sau này được trang trí với phong cách nghệ thuật đương đại theo chủ đề rượu whisky, đã hoạt động trở lại với tư cách là nhà máy chưng cất hoạt động thứ 10 của Islay.
Những dịch vụ sang trọng
Port Ellen đang hy vọng sẽ thu hút những người hâm mộ rượu whisky cao cấp đến nếm thử những hương vị chỉ dành cho người đặt hẹn trước.
Ví dụ, nhà máy cung cấp một trải nghiệm được thiết kế cho các nhóm tối đa tám người, đi kèm với một mức giá khổng lồ - dù không được tiết lộ, nhưng được cho là vào khoảng 1.120 USD - bao gồm bữa trưa có nguồn gốc địa phương và nếm thử Port Ellen Gemini, hai loại whisky Port Ellens 44 năm tuổi được ủ trong hai thùng khác nhau, mỗi thùng đều có những câu chuyện đặc biệt riêng để chia sẻ với du khách.
Chỉ có 274 cặp rượu loại Gemini được tạo ra để đánh dấu việc mở cửa trở lại của nhà máy chưng cất. Các cặp này được bán lẻ ở mức 45.000 bảng Anh (khoảng 57.000 USD) mỗi bộ.
Mức giá đầy tham vọng như vậy có thể được coi là chuẩn mực cho sự thành công đáng kinh ngạc của nhà máy rượu mạch nha. Nhưng một số người trong cộng đồng rượu whisky lo ngại rằng nó sẽ được coi là một lời cảnh báo về một “bong bóng rượu” sắp vỡ.
Giá cổ phiếu của công ty đa quốc gia Diageo đã giảm 1/4 kể từ đầu năm 2022. Sau cảnh báo lợi nhuận vào tháng 11, do doanh số bán hàng ở Châu Mỹ Latinh chậm lại, kết quả mới nhất của công ty cho thấy doanh số bán mạch nha đơn sang Mỹ đã giảm 27% trong nửa năm sau 2023.
Emily Burnham, chủ nhà máy chưng cất tại Port Ellen, cho biết công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng về ưu đãi dành cho du khách, bao gồm trải nghiệm ngắn hơn khoảng 250 USD cho nhóm tối đa 12 người (có thể đặt trước từ tháng 6), cũng như miễn phí một lần- ngày mở cửa trong tháng.
Bà nói: “Chúng tôi cần phải cẩn thận để không định giá quá cao cho những người yêu thích rượu whisky thông thường. Đồng thời, vẫn có nhu cầu về những trải nghiệm xa xỉ hơn”.
“Hiện tại, rượu Port Ellen đắt đỏ vì nó quá cũ và quá hiếm. Điều đó sẽ không xảy ra khi chúng tôi bắt đầu tung ra thị trường (loại rượu mới được sản xuất trong vài năm nữa) - không phải lúc nào nó cũng có giá hàng chục nghìn bảng Anh cho một chai”.