Cuộc gặp Nga - Mỹ phơi bày hàng loạt bất đồng

Thu Loan |

Hai ngoại trưởng Mỹ và Nga hôm qua có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên ở địa điểm mang ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước, trong bối cảnh quan hệ song phương xấu đi rõ rệt trong những tháng gần đây.

Cuộc gặp diễn ra bên lề hội nghị của Hội đồng Bắc cực tại thủ đô Reykjavik của Iceland, thành phố có ý nghĩa lịch sử sâu sắc trong quan hệ Mỹ - Nga. Địa điểm này đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh nổi tiếng vào năm 1986 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hồi đó và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã có cuộc nói chuyện về sự khác biệt giữa hai bên, theo AP. “Chúng tôi tìm kiếm một quan hệ ổn định và có thể đoán trước với Nga”, ông Blinken nói với ông Lavrov, nhắc lại phát biểu trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng tới. “Chúng tôi nghĩ rằng điều đó tốt cho người dân của chúng tôi, tốt cho người Nga và tốt cho thế giới”, ông Blinken nói.

“Việc chúng ta có những khác biệt là không có gì bí mật và khi nói đến những khác biệt đó, như Tổng thống Biden đã chia sẻ với Tổng thống Putin, rằng nếu Nga hành động gây hấn với chúng tôi, với các đối tác và đồng minh của chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả. Tổng thống Biden đã thể hiện bằng cả lời nói và hành động, không phải vì mục đích leo thang căng thẳng hay muốn xung đột, mà để bảo vệ các lợi ích của chúng tôi”, ông Blinken nói.

Cuộc gặp diễn ra khi chính quyền Tổng thống Biden vừa thông báo lên Quốc hội Mỹ một số biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì đường ống dẫn dầu gây tranh cãi của châu Âu. Chính quyền Mỹ trừng phạt 8 công ty và các tàu của Nga vì tham gia dự án đường ống dẫn Nord Stream 2, nhưng không trừng phạt 2 công ty của Đức có vai trò tương tự.

“Chúng ta có những khác biệt nghiêm trọng trong đánh giá tình hình quốc tế, chúng ta có những khác biệt nghiêm trọng về cách thực hiện những nhiệm vụ để tiến tới bình thường hoá. Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản: Chúng tôi sẵn sàng thảo luận tất cả các vấn đề mà không có ngoại lệ nào, nhưng với nhận thức rằng thảo luận cần diễn ra trung thực, dựa trên thực tế và tất nhiên là phải tôn trọng nhau”, ông Lavrov nói với ông Blinken.

Cạnh tranh ở Bắc cực

Sau cuộc gặp kéo dài 1 tiếng 45 phút, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ông Blinken đã kêu gọi Nga thả 2 người Mỹ là Paul Whelan và Trevor Reed đang bị giam giữ. Ông Blinken cũng nêu “quan ngại sâu sắc” về việc Nga tăng cường lực lượng ở biên giới Ukraine và có hành động với các đài của Mỹ.

Còn ông Lavrov nói với các phóng viên Nga rằng cuộc gặp “mang tính xây dựng” và Nga đã đề xuất khởi đầu đối thoại chiến lược mới. “Có rất nhiều đống đổ nát và không dễ để đào xới lên, nhưng tôi cảm thấy Antony Blinken và nhóm của ông ấy quyết tâm làm điều này”, hãng tin Tass dẫn lời ông Lavrov.

Cả hai bên đều không đưa ra thông tin cập nhật nào về cuộc gặp thượng đỉnh Biden - Putin, chỉ nói rằng hai bên tiếp tục bàn bạc về hậu cần.

Ông Blinken nhấn mạnh rằng bất chấp những chỉ trích, Mỹ và Nga đạt được đồng thuận ban đầu về gia hạn 5 năm đối với Hiệp ước Kiểm soát vũ khí mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối gia hạn trước khi ông rời Nhà Trắng. Ông Trump để lại một di sản lẫn lộn trong quan hệ với Nga, trong đó có quan hệ cá nhân thân thiện với ông Putin nhưng chính quyền của ông vẫn thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga.

Một khác biệt khác là vấn đề Bắc cực, nơi Nga đang mở rộng hiện diện quân sự và tăng cường ảnh hưởng, khiến Mỹ cảm thấy báo động. Ông Blinken nhấn mạnh rằng Mỹ và Nga trước đây đã hợp tác với nhau trong các vấn đề Bắc Cực, nhưng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc Nga mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực này và phản đối đề xuất của Mátxcơva về việc nối lại đối thoại quân sự với Hội đồng Bắc Cực bị đình chỉ từ lâu.

Ngày 19/5, trong hàng loạt cuộc gặp với ngoại trưởng các nước thuộc Hội đồng Bắc cực (gồm 8 thành viên), ông Blinken nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của việc “duy trì hợp tác hoà bình ở khu vực này”. “Chúng tôi quan ngại về một số hoạt động quân sự gần đây ở Bắc cực. Điều đó làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố và tính toán sai lầm, làm suy yếu mục tiêu chung là đạt được một tương lai hoà bình và bền vững ở khu vực”, ông Blinken nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại