Vắc-xin Covid-19 của Công ty Moderna. Ảnh: AP
Liên minh quốc tế Oxfam (chuyên về tìm giải pháp cho nghèo đói và bất công) hôm 20-5 cho biết thông tin trên do Liên minh vắc-xin nhân dân (PVA) tiết lộ tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Toàn cầu của các nhà lãnh đạo G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn).
Theo đó, 9 tỉ phú mới có tổng tài sản ròng là 19,3 tỉ USD, đủ để tiêm phòng vắc-xin Covid-19 đầy đủ cho tất cả người dân ở các nước thu nhập thấp. Trong khi đó, các nước này chỉ nhận được 0,2% lượng vắc-xin Covid-19 cung cấp trên toàn cầu do tình trạng thiếu hụt dù chiếm tới 10% dân số thế giới.
Ngoài 9 tỉ phú mới kể trên, có 8 tỉ phú "cũ" tăng thêm tài sản nhờ có vốn đầu tư trong các tập đoàn dược phẩm sản xuất vắc-xin Covid-19. Khối tài sản của họ tăng thêm 32,2 tỉ USD, đủ để tiêm phòng cho tất cả người dân Ấn Độ.
Đứng đầu danh sách tỉ phú mới là 2 giám đốc điều hành của 2 công ty Moderna (ông Stephane Bancel) và BioNTech (ông Ugur Sahin), mỗi người đều có tài sản hơn 4 tỉ USD.
Danh sách còn bao gồm 2 trong số các nhà đầu tư sáng lập của Moderna, chủ tịch công ty này cũng như giám đốc điều hành của một công ty có thỏa thuận sản xuất và đóng gói vắc-xin của Moderna. Ba tỉ phú cuối cùng trong danh sách là đồng sáng lập Công ty vắc-xin CanSino Biologics (Trung Quốc).
"Tỉ phú vắc-xin" ra đời sau khi giá trị cổ phiếu của các tập đoàn dược phẩm gia tăng nhanh chóng nhờ vào lợi nhuận khổng lồ từ vắc-xin Covid-19 mà họ kiểm soát độc quyền. Liên minh PVA cảnh báo sự độc quyền đó cho phép các tập đoàn dược phẩm kiểm soát hoàn toàn nguồn cung và giá vắc-xin, đẩy lợi nhuận lên cao trong khi khiến các nước nghèo khó đảm bảo nguồn dự trữ cần thiết.
Đầu tháng này, Mỹ ủng hộ đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc tạm thời dỡ bỏ thế độc quyền vắc-xin Covid-19 và các bằng sáng chế về vắc-xin Covid-19. Động thái này nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, các nước phát triển, bao gồm cả Anh và Đức, đang ngăn cản đề xuất này.
Campuchia tiếp tục giới nghiêm thủ đô. Ảnh: Khmer Times
Giữa thời điểm này, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nước.
Báo Khmer Times hôm 20-5 cho biết thủ đô Phnom Penh - Campuchia đã mở rộng lệnh giới nghiêm thêm 1 tuần nữa (đến ngày 27-5) để kiềm chế dịch Covid-19 lây lan.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này hôm 20-5 báo cáo thêm 25 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 703 ca tử vong cùng 2.636 ca mắc mới, nâng tổng số lên 119.585 ca mắc trên cả nước. Cũng ở Đông Nam Á, Malaysia hôm 20-5 ghi nhận 6.806 ca nhiễm mới, mức tăng hàng ngày kỷ lục.
Trong khi đó, Đối thoại Shangri La - hội nghị về an ninh khu vực dự kiến diễn ra trong ngày 4 và 5-6 tại Singapore - đã bị hủy. Đây là năm thứ hai liên tiếp Đối thoại Shangri La bị hủy vì Covid-19.
Ấn Độ hôm 20-5 ghi nhận 3.874 ca tử vong và 276.000 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua. Cách đó 1 ngày, Ấn Độ phá kỷ lục thế giới về số ca tử vong do Covid-19 với 4.529 ca.