Theo Bloomberg, khi dân số trong nước ngày càng già đi, chính phủ và những công ty Nhật Bản đã phải tìm đến những thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc với sáng kiến Một vành đai, một con đường đã đẩy mạnh cuộc cạnh tranh đầu tư.
Christian Zhang, nhà phân tích cơ sở hạ tầng của BMI tại Singapore, đánh giá trong khi doanh nghiệp và cơ quan thuộc chính phủ Nhật đã có thời gian (đầu tư) lâu dài, thì các công ty Trung Quốc có vài lợi thế quan trọng để vượt qua Nhật trong một số lĩnh vực cụ thể, ví dụ như đầu tư vào dự án nhiệt điện.
Cơ sở hạ tầng đang dần trở thành động lực tăng trưởng chính của Đông Nam Á. Các nước trong khu vực đang tích cực xây sân bay, đường cao tốc, và phương tiện vận tải công suất lớn để thu hút đầu tư và tạo việc làm. Indonesia có hơn 250 dự án, Philippines dự kiến chi 180 tỉ USD cho đường sắt, đường bộ lẫn sân bay, còn Singapore cũng đang tăng gấp đôi hệ thống phương tiện vận tải công suất lớn của mình.
Để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, các quốc gia Đông Nam Á quay sang thu hút những người hàng xóm giàu có luôn sẵn sàng giành được thỏa thuận đầu tư. Đây là cơ hội cho Trung Quốc và Nhật, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, mở rộng ảnh hưởng của mình.
Số liệu của BMI cho thấy trong cuộc cạnh tranh đầu tư, Tokyo vẫn đang dẫn trước Bắc Kinh. Tổng số tiền đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhật từ những năm 2000 (tính cả những khoản đang đầu tư và đã hoàn thành) là khoảng 230 tỉ USD, trong khi của Trung Quốc là khoảng 155 tỉ USD.
Số tiền đầu tư tại một số nước trong khu vực - Ảnh: BMI
So về số dự án, Nhật Bản đầu tư cho tổng cộng 237 dự án ở khu vực, còn Trung Quốc tài trợ cho 191 dự án, theo BMI.
Phân tích theo từng nước, đầu tư của Tokyo tại Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines và Indonesia đều vượt trội hơn so với đầu tư của Trung Quốc, cả về tiền đầu tư lẫn số dự án đầu tư. Trong bốn nước trên, Việt Nam và Philippines là hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Bắc Kinh chiếm ưu thế trong đầu tư ở các nước còn lại, gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Đông Timor.
Theo công ty cung cấp dịch vụ tài chính HSBC, trong bối cảnh nguồn tài chính từ chính phủ của các nước Đông Nam Á không thể chi cho tất cả mọi dự án, thì cuộc đua Trung- Nhật sẽ vẫn chưa kết thúc, và Bắc Kinh có thể bắt kịp. HSBC đánh giá việc các công ty Trung Quốc giành được hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Một vành đai, một con đường chỉ trong vòng 2 năm qua là dấu hiệu cho thực lực của nước này.