Xuất thân cao quý nhưng không được vua cha yêu thích
Tấn Văn Công, tên thật là Cơ Trùng Nhĩ, là con trai của Tấn Hiến Công của nước Tấn thời Xuân Thu - Chiến Quốc.
Ông không phải là con trưởng mà chỉ là con thứ do mẹ ông, Hồ Cơ hạ sinh. Năm Trùng Nhĩ 19 tuổi, cha ông mới được lập làm Thái tử và đến năm ông 21 tuổi thì mới lên ngôi trở thành Tấn Hiến Công.
Lúc đó, một người anh em khác của Trùng Nhĩ là Thân Sinh được lập làm thế tử. Sau này, cha ông lại sủng ái một vị phu nhân khác nên tìm cách đưa con trai của bà ta là Hề Tề lên vị trí kế thừa.
Nhưng do Hề Tề còn nhỏ mà các con trai khác, trong đó có cả Trùng Nhĩ đều đã trưởng thành nên Hiến Công tìm cách sai họ đi trấn thủ ở những vùng đất xa xôi. Về phần Trùng Nhĩ, ông được lệnh đến trấn thủ thành Bồ ở phía Bắc.
Cơ Trùng Nhĩ phải trốn sang đất Địch do bị chính vua cha truy sát (Ảnh minh họa)
Thế rồi sau này Hiến Công lại nghe lời gièm pha của sủng thiếp Ly Cơ mà giết thế tử Thân Sinh. Lúc đó Trùng Nhĩ cũng bị liên lụy mà phải sợ hãi bỏ chạy về nơi đang trấn thủ.
Sau đó, Tấn Hiến Công tức giận vì con trai tự ý bỏ về nên đã điều quân đánh đất Bồ và đất Khuất. Trùng Nhĩ bị ép tự sát nhưng đã kịp vượt tường bỏ trốn, tìm đường sang quê mẹ ở đất Địch.
Đặc biệt, trong lần trốn thoát này, Trùng Nhĩ cũng được rất nhiều nhân tài của nước Tấn, những kẻ đã mến mộ tài đức và trí tuệ của ông đi theo phò trợ.
Trong đó phải kể đến những thủ hạ như Triệu Thôi (tổ tiên nước Triệu), Hồ Uyển, Cổ Đà, Tiên Chẩn hay Ngụy Vũ tử (tổ tiên nước Ngụy).
Tuổi trẻ lưu vong
Rời đất Địch. Cơ Trùng Nhĩ tìm đường sang Tề (Ảnh minh họa)
Dù đã lưu vong ở đất Địch nhưng Cơ Trùng Nhĩ vẫn không thoát khỏi sự truy đuổi của vua cha. Tấn Hiến Công đã đem quân đánh nước Địch nhằm bảo vệ ngôi vị thái tử cho con trai là Hề Tề.
Vì thế mà Trùng Nhĩ bắt buộc phải chạy sang một nước khác lớn hơn và đang phát triển mạnh mẽ, đó là nước Tề.
Khi tới nước Tề, Trùng Nhĩ cùng những người đi theo được Tề Hoàn Công đối xử rất tốt và trọng dụng. Thế nhưng sau đó 2 năm, Tề Hoàn Công qua đời và kéo theo đó là cuộc đua tranh quyền lực từ rất nhiều thế lực khác nhau nổ ra.
Đến lúc này, các thuộc hạ của Trùng Nhĩ cho rằng nếu cứ ở lại nước Tề thì sẽ không có tương lai nên thương lượng với nhau tìm cách rời Tề để tìm một thế lực khác.
Trùng Nhĩ rời nước Tề để tìm đến một nơi khác (Ảnh minh họa)
Trùng Nhĩ tiếp tục đến nước Tào thế nhưng ở đây ông lại không được quân chủ Tào Cung công coi trọng, thậm chí còn vì tò mò mà đường đột thất lễ với ông.
Trong khi đó, đại phu nước Tào là Hi Phu Kỵ lại lấy lễ mà hậu đãi Trùng Nhĩ, lấy cớ mang thực phẩm cho Trùng Nhĩ mà giấu vàng bạc ở bên dưới. Trùng Nhĩ nhận thực phẩm còn trả lại vàng bạc rồi rời khỏi nước Tào, đến nước Tống.
Đến nước Tào, Trùng Nhĩ vấp phải sự lạnh nhạt từ Tào Cung công (Ảnh minh họa)
Ở đất Tống, đoàn người của Trùng Nhĩ rất được Tống Tương công coi trọng; mặc dù đất nước vừa mới bại trận dưới tay nước Sở, tình hình còn khó khăn nhưng Tống Tương công vẫn đối đãi với Trùng Nhĩ rất mực hậu hĩnh.
Hiềm nỗi Tống chỉ là một nước nhỏ, thế lực yếu nên khó có thể giúp được Trùng Nhĩ. Thế là ông lại lên đường tìm đến nước Trịnh.
Cũng giống như khi ở đất Tào, Trùng Nhĩ cũng không hề được Trịnh Văn Công đối đãi tử tế mà rất thờ ơ, qua loa. Thế rồi ông lại phải đến nước Sở.
May mắn thay, lần này ông được Sở Thành Vương vô cùng hậu đãi, trọng dụng; hai người còn cùng nhau đàm đạo, đưa ra những thỏa ước mà sau này đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Tấn và Sở.
Sở Thành Vương đã vô cùng hậu đãi Tấn Văn Công lúc còn lưu lạc (Ảnh minh họa)
Sau khi ở nước Sở được vài tháng thì Trùng Nhĩ nhận tin Tấn Huệ Công qua đời, thế tử Ngữ đang làm con tin tại Tần lại bỏ trốn về nên Tần Mục Công vô cùng tức giận, mới cho đón Trùng Nhĩ về và ủng hộ ông lên ngôi vua.
Lúc này, sau gần 20 năm lưu lạc từ khi 43 tuổi đến khi đã 60 thì Trùng Nhĩ mới nhìn thấy cơ hội trở về cố hương.
Sau đó, Trùng Nhĩ về lại đất Tấn, lên ngôi vua và trở thành Tấn Văn Công - vị vua thứ 24 của nước Tấn và cai trị trong 8 năm, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Người đời sau nhận xét Tấn Văn Công có một sự nghiệp hết sức đáng chú ý, các thủ hạ của ông sau này đều dần có thế lực mà tạo nên 3 quốc gia Tam Tấn nổi tiếng thời Chiến quốc. Ông được xếp vào trong Ngũ Bá thời Xuân Thu.
Sau gần 20 năm lưu lạc, Trùng Nhĩ mới có cơ hội về lại nước Tấn (Ảnh minh họa)
Lấy cháu gái làm vợ
Trong cuộc đời bôn ba lưu lạc của mình, Tấn Văn Công đã từng lấy rất nhiều vợ. Có người là do chính bản thân ông lấy về, mà cũng có người do vua của nước đó vì quý mến ông mà gả.
Khi ông ở nước Tần, Tần Mục Công vừa thấy đã hài lòng nên đem 5 người con gái trong họ của mình gả cho ông.
Trong số họ có nàng Hoài Doanh là con gái của chính Tần Mục Công, đồng thời cũng là vợ thế tử Ngữ trước đây. Nay thế tử Ngữ chạy về Tấn nên đã bỏ nàng Hoài Doanh ở lại.
Hoài Doanh vốn là vợ của thế tử Ngữ, bị bỏ lại khi trượng phu quay về nước Tấn (Ảnh minh họa)
Đối với Trùng Nhĩ thì việc tiếp nhận người vợ mới này vô cùng khó khăn do tính về vai vế thì thế tử Ngữ chính là cháu trai của ông, do đó Hoài Doanh là cháu dâu.
Hơn nữa phu nhân của Tần Mục Công mà sinh ra Hoài Doanh còn là chị gái cùng cha khác mẹ với Trùng Nhĩ nên nhìn thế nào thì Hoài Doanh cũng là thế hệ con cháu của ông, mà lại thêm tuổi của ông lúc này đã xấp xỉ 60 nên hai người lại càng không xứng đôi vừa lứa.
Ngoài ra, Hoài Doanh vốn là vợ của một kẻ đã bỏ trốn về nước Tấn, chẳng thèm đoái hoài tới mà nay Trùng Nhĩ lại đi lấy Hoài Doanh nên trong thâm tâm ông cũng cảm thấy không thoải mái.
Tính về bối phận thì Hoài Doanh vừa là cháu gái lại là cháu dâu của Trùng Nhĩ (Ảnh minh họa)
Sau đó, Tần Mục Công có cho mời ông đến mà nói rằng, Hoài Doanh là người con gái được ông ta yêu thương nhất, muốn đem gả cho Trùng Nhĩ nhưng sợ Trùng Nhĩ mang tiếng xấu nên mới cho cùng 4 cô gái khác trong họ theo hầu, cũng chỉ muốn tìm cho con gái một đấng phu quân tốt đẹp sau cuộc hôn nhân thất bại lần trước.
Chẳng thể từ chối được nên Trùng Nhĩ đành nhận lời, nhưng trong hôn lễ ông tỏ ra rất thờ ơ, hờ hững với người vợ mới này và khiến nàng chịu ấm ức.
Thế nhưng khi ông đem chuyện này ra bàn với các thuộc hạ thì họ đều khuyên ông chấp nhận cuộc hôn nhân với Hoài Doanh, trăm lợi mà không hại.
Trùng Nhĩ cảm thấy không thoải mái với cuộc hôn nhân này (Ảnh minh họa)
Như Tư Không Lý Tử nói rằng, dù Trùng Nhĩ và thế tử Ngữ có chung họ nhưng không cùng chí hướng, tâm tráng, tài đức. Giờ đây, nếu lấy người mà hắn ta bỏ lại để hoàn thành đại nghiệp thì vừa có lợi, vừa có mỹ danh.
Trùng Nhĩ hỏi Hồ Yển thì Hồ Yển tâu rằng: "Sắp cướp nước của y (thế tử Ngữ) thì vợ của y sao không thể lấy được" rồi bảo bản thân Yển chủ trương tuân theo chủ ý của Tần vương.
Vẫn chưa bị thuyết phục, Trùng Nhĩ tới tìm tới gặp Triệu Suy thì Suy khuyên nhủ ông rằng, muốn người khác yêu mình thì phải yêu người ta trước.
Không làm điều gì cho người ta mà lại muốn người ta phục vụ thì đó chính là một điều trái với luân lẽ, đạo lý thông thường, là tội ác.
Giờ nếu Trùng Nhĩ thành thân với công chúa nước Tần, nhận được sự ủng hộ và cảm kích từ quân chủ nước Tần, chính là việc rất có lợi.
Các mưu sĩ đều thuyết phục Trùng Nhĩ thành thân với nàng Hoài Doanh (Ảnh minh họa).
Cuối cùng, Trùng Nhĩ quyết định chính thức lấy Hoài Doanh làm vợ, thậm chí còn dùng lễ chính thức để đón nàng vào cửa thay vì lén lút như lời đề nghị của Tần vương.
Điều này vượt quá kỳ vọng của Tần Mục Công nên khiến ông ta vui mừng khôn tả, lại rất khoản đãi Trùng Nhĩ và bảo đảm rằng sẽ ủng hộ Trùng Nhĩ lên ngôi ở nước Tấn.
Sau này, nàng Hoài Doanh trở thành phu nhân của nước Tấn, hay còn được biết đến dưới cái tên Văn Doanh.
Cuối cùng, nghe theo lời các mưu sĩ, ông bèn mang lễ chính thức cưới nàng (Ảnh minh họa)
Người khởi xướng tập tục ăn tết Hàn thực
Trong những ngày lưu lạc của Tấn Văn Công, ông có thu nạp một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi. Trên đường lánh nạn, đoàn người của Trùng Nhĩ gặp phải nạn đói, lương thực cạn kiệt đã qua nhiều ngày.
Thấy Trùng Nhĩ sắp ngất đi vì đói, Giới Tử Thôi bèn lặng lẽ cắt thịt ở đùi mình và nấu một bát cháo nóng dâng cho chủ nhân. Sau này Trùng Nhĩ biết việc đó và vô cùng cảm kích.
Giới Tử Thôi là một hiền sĩ đi theo phò tá Tấn Văn Công (Ảnh minh họa)
Giới Tử Thôi phò trợ Trùng Nhĩ trong 19 năm trời, nếm trải biết bao gian khổ, bao phen vào sinh ra tử, thoát chết trong gang tấc.
Về sau Trùng Nhĩ lên ngôi, trở thành Tấn Văn Công và đã phong thưởng rất hậu hĩnh cho những người có công khi lưu vong, thế nhưng không hiểu vì lý do gì ông lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán hận chúa công mà quay về quê nhà, đưa mẫu thân vào núi Điền Sơn mai danh ẩn tích.
Về sau, vào một ngày xuân nọ, Tấn Văn Công nhớ ra một công thần có tên Giới Tử Thôi bèn cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời núi để quay về triều đình, cực chẳng đã Tấn Văn Công bèn hạ lệnh đốt 3 mặt rừng nhằm ép Giới Tử Thôi phải chạy ra.
Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng nhằm mong Giới Tử Thôi sẽ xuất hiện (Ảnh minh họa)
Thế nhưng sau nhiều ngày mà vẫn không thấy bóng dáng của Giới Tử Thôi xuất hiện. Tấn Văn Công trở nên lo lắng mà cho quân đi tìm thì phát hiện ra ông đã cõng mẹ mà chết cháy trong khi đang chạy.
Bánh trôi, bánh chay dùng để ăn trong lễ Hàn thực
Tấn Văn Công vô cùng hối hận, cho lập miếu thờ Giới Tử Thôi trên núi và đổi tên núi này thành Giới Sơn.
Ông còn hạ lệnh cho bách tính trăm họ kiêng đốt lửa trong 3 ngày, từ ngày mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch. Vì thế, trong những ngày này, người dân chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn và dần dần tên gọi Tết Hàn thực ra đời.
Tổng hợp từ nhiều nguồn