Cuộc đời người đàn ông mù có bằng Nhạc viện TP.HCM

Viết Dũng |

Anh Tuấn Anh bị mù bẩm sinh nhưng có bằng ĐH Nhạc viện TP.HCM. Hơn 4 năm qua, anh hát rong ở Sài Gòn nuôi con trai sau khi ly hôn vợ.

Tự học đàn piano thi đậu Nhạc viện TP.HCM

Như thường lệ, 18h tối mỗi ngày, một người đàn ông bị mù đẩy chiếc loa thùng di động tiến về góc phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) để bắt đầu mưu sinh.

Người đàn ông ấy nhanh nhẹn chỉnh âm lượng loa rồi cất lên giọng hát đầy tình cảm khiến bao người chú ý. Đó là anh Nguyễn Tuấn Anh, 33 tuổi, quê Hà Nội.

Sau khi hát 3 bài hát liên tục, anh Tuấn Anh dò dẫm tiến từng bước mời mọi người mua giúp kẹo cao su. Nhiều người thấy thương cảm đã mua cho anh hai, ba thanh kẹo, đáp lại là nụ cười của anh Tuấn Anh khi biết được ai đó giúp mình.

Cuộc đời người đàn ông mù có bằng Nhạc viện TP.HCM - Ảnh 1.

18h tối mỗi ngày anh Tuấn Anh lại chuẩn bị đồ nghề để bắt đầu mưu sinh.

Anh bảo mình bị mù bẩm sinh, vì điều kiện gia đình khó khăn, đông anh em nên không được đi khám, chữa trị. Lên 5 tuổi, anh hỏi mẹ sao con không nhìn thấy gì, mẹ anh chỉ khóc, vỗ về.

"Đứng tuổi hơn tôi mới biết mình bị mù. Không được học tập, vui chơi như bao bạn bè cùng trang lứa khiến tôi trầm tính, ít nói, chỉ làm bạn với bốn bức tường trong ngôi nhà. Tôi thật sự tìm thấy "ánh sáng" của cuộc đời mình khi một lần được nghe giọng piano vang lên trong xóm. Khi đó, tôi cảm nhận lòng mình cởi mở nhờ âm nhạc…", anh Tuấn Anh trải lòng.

Cuộc đời người đàn ông mù có bằng Nhạc viện TP.HCM - Ảnh 2.

Mỗi khi đi làm Tuấn Anh đều phải thuê xe ôm

Thời gian sau, Tuấn Anh nói với mẹ: "Mua cho con cái đánh ra nhạc gì đó đi!". Những tưởng lời đứa con trai đòi hỏi là quá mức so với điều kiện gia đình còn khó khăn, tuy nhiên mẹ Tuấn Anh đã đem về cho anh một chiếc đàn piano thật.

"Tôi không biết sao mẹ có tiền mua cho tôi thật. Khi đó, giá cây đàn là hơn 2 triệu đồng, bằng 1 tấn thóc!", anh cho hay.

Hàng ngày, Tuấn Anh mò mẫm bấm từng nốt nhạc trên chiếc đàn piano. Không ai dạy anh học bài bản, chỉ đơn giản là anh cảm thụ thế nào thì gõ như vậy. Hơn 10 năm mò mẫm như thế, Tuấn Anh biết đàn nhuần nhuyễn khiến người khác trầm trồ.

Cuộc đời người đàn ông mù có bằng Nhạc viện TP.HCM - Ảnh 3.

Tuấn Anh đẩy chiếc loa thùng di động tiến về góc phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) chuẩn bị hát bán kẹo cao su.

Năm 2002, Tuấn Anh vào TP.HCM với nhen nhóm trong đầu sẽ thi vào Nhạc viện TP.HCM. Hi vọng việc được đào tạo bài bản hơn sẽ giúp anh có một công việc ổn định, tự chăm lo cho bản thân.

Sau khi vượt qua nhiều vòng thi tuyển, Tuấn Anh cũng đậu vào khoa piano của Nhạc viện TP.HCM trong sự vui mừng. Cũng chính từ đây, gánh nặng việc học phí đè lên vai chàng trai.

Cuộc đời người đàn ông mù có bằng Nhạc viện TP.HCM - Ảnh 4.

Mỗi ngày đi hát trừ hết chi phí anh có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng.

Ngoài thời gian đến trường, Tuấn Anh làm đủ nghề để có tiền trang trải việc học, ăn uống, đi lại.

"6 năm học ở Nhạc viện là quãng thời gian tôi thấy mình đầy động lực để hướng về tương lai. Tất cả vì cha mẹ, vì muốn thoát cái nghèo đeo bám…", Tuấn Anh nghẹn lòng nói.

"Ai biết trước điều gì mà chọn lựa..."

Chàng trai này cho hay, sau khi có bằng ở Nhạc viện, anh xin việc đàn hát ở các phòng trà và đi dạy ở quận 1. Thu nhập của anh lúc đó là hơn 1 triệu đồng/ngày.

"Khi đó tôi thấy mình quá may mắn, tiền kiếm được từ việc làm cho tôi có khoản dư dả khá. Tiết kiệm được vài năm, tôi quyết định nghỉ việc về quê mở một cơ sở massage rồi lấy vợ. Hi vọng sẽ giúp nhiều người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, tôi được gần gia đình, có thu nhập ổn định", anh Tuấn Anh nói.

Theo anh Tuấn Anh, việc kinh doanh ban đầu rất thuận lợi nhưng lại rơi vào cảnh ế ẩm sau vài tháng. Bao nhiêu tiền tiết kiệm đều trôi theo sông, theo biển.

Cuộc đời người đàn ông mù có bằng Nhạc viện TP.HCM - Ảnh 5.

Khi Tuấn Anh cất lên giọng hát nhiều người liền dừng lại lắng nghe, ủng hộ.

Không có công việc làm ra tiền, mâu thuẫn trong chuyện vợ chồng khiến Tuấn Anh và vợ ly dị. Anh khăn gói đưa con trai duy nhất vào lại TP.HCM kiếm sống bằng nghề hát rong.

Quay trở lại nơi từng giúp mình có cuộc sống đủ đầy, anh Tuấn Anh bắt đầu công việc hát rong bán kẹo mưu sinh. Hàng ngày, cứ khoảng 18h tối, Tuấn Anh thuê xe ôm chở đến các tuyến đường trung tâm quận 1 để hát, bán kẹo đến 11h khuya mới về.

"Giờ đường phố đông đúc, thay đổi, sợ nguy hiểm nên tôi thuê xê ôm. Lúc đi hát ở phố đi bộ có một số người nói tôi giả vờ mù, làm mất mỹ quan đô thị khiến tôi rất buồn. Thế nhưng nghĩ đến con trai nên tôi cố gắng, bây giờ tôi chỉ vì con thôi!", anh giãi bày.

Cuộc đời người đàn ông mù có bằng Nhạc viện TP.HCM - Ảnh 6.

Đối với Tuấn Anh, cậu con trai Nguyễn Anh Quân luôn là động lực để anh hướng về phía trước

Anh Tuấn Anh cho biết, con trai anh tên Nguyễn Anh Quân, 9 tuổi bị mù giống anh ngay từ lúc chào đời. Chính vì thương con, không muốn con cực khổ nên anh cố gắng bù đắp mọi thứ.

Khi được hỏi suy nghĩ về ngày rời TP.HCM để lập nghiệp ở quê rồi đánh mất đi cuộc sống đủ đầy, anh Tuấn Anh bảo: "Cái gì đến mình ôm lấy, cái gì đi mình chấp nhận! Cuộc sống luôn thay đổi, hướng về tương lai chứ không nuối tiếc quá khứ, bởi lẽ ai biết trước điều gì mà chọn lựa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại