Thuở thiếu thời bình lặng ở nước Anh và biến cố bất ngờ trên nước Pháp
Cora Pearl tên thật là Emma Elizabeth Crouch, sinh tại Portsmouth, Anh vào năm 1835. Mặc dù vậy trong hồi kí, cô khẳng định mình sinh năm 1842. Cha cô, Frederick Nicholas Crouch, là một nhạc sĩ nổi danh, đã từ bỏ gia đình và chuyển đến Hoa Kỳ.
Trong khi đó, mẹ của Emma cũng qua lại với một người đàn ông khác. Vì không hợp với người tình của mẹ, Emma và các anh chị em chuyển đến một trường nội trú của Pháp, nơi cô được học ngôn ngữ và văn hóa của đất nước này.
Emma là một giai nhân với nhan sắc không hề tầm thường
Sau khi rời trường, Emma chuyển đến sống với bà ngoại ở London và làm nhân viên xay xát tại một nhà máy. Công việc này khiến cô hết sức chán nản.
Cũng tại đây, một biến cố xảy đến đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tưởng chừng bình lặng của cô.
Một buổi tan ca, cô gặp một người đàn ông ngỏ ý muốn mua bánh. Hắn tán tỉnh, dụ dỗ rồi đưa cô đến một tòa nhà.
Tại đây, cô gái trẻ bị chuốc say và lôi kéo vào một cuộc vui tình ái. Sáng hôm sau tỉnh dậy, Emma thấy một tờ 5 pound để lại trên bàn, còn gã đàn ông kia đã biệt tăm biệt tích.
Theo một số nguồn tin không xác thực, người đàn ông đó không ai khác chính là tình nhân của mẹ Emma.
Sau ngày định mệnh ấy, Emma cảm thấy quá xấu hổ và ê chề. Cô không dám trở về nhà bà ngoại. Cô quyết định đến Covent Garden thuê phòng trọ. Từ đây, cô gái trẻ với vẻ ngoài khả ái bắt đầu làm công việc mua vui cho đàn ông.
Trong số những "khách hàng" quen thuộc của Emma có Robert Bignell - chủ một nhà thổ khét tiếng tên là Argyll Rooms.
Cô chuyển tới làm tại Argyll, và được Bignell đưa đến Paris vài lần. Cô đã phải lòng sự hào nhoáng của "kinh đô ánh sáng" và quyết định ở lại thành phố này, đổi tên thành Cora Pearl.
Nàng kĩ nữ danh tiếng nhất Paris
Paris thời Đệ nhị đế chế giữa thế kỷ 19 là một kinh đô văn hóa, nơi hội ngộ của vô số nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ thời đại mới.
Cora Pearl đã nhanh chóng trở thành kỹ nữ nổi tiếng nhất trong thời gian này vì những màn trình diễn táo bạo mà thời bấy giờ không ai dám nghĩ đến.
Cô nhảy múa hoàn toàn khỏa thân trước mặt khách, tắm mình trong rượu champagne. Cô nằm trên đĩa bạc, tự biến mình thành một "món ăn" xa xỉ để phục vụ khách hàng.
Mọi người đàn ông ở Paris đều nghe danh cô và muốn tìm tới cô kỹ nữ có thân hình nóng bỏng và nhan sắc quý phái hơn người này.
Sắc đẹp trời ban khiến Cora Pearl trở thành niềm ao ước của các đấng mày râu
Không biết bao nhiêu đàn ông khao khát có được cô, tình nguyện chở che, bao bọc cô, trong đó có cả những nhân vật đình đám như Victor Massena - Công tước xứ Rivoli.
Ông dâng tặng Cora Pearl tiền và quà không đếm xuể, sắm ngựa và đưa cô đến những cuộc vui cờ bạc xa xỉ.
Ngoài ra, trong "danh sách" người tình của nàng kỹ nữ khét tiếng Paris còn có Thái tử Hà Lan – người sẽ thừa kế ngai vàng, Công tước Morny – em trai vua Napoléon III, và em họ ông - Hoàng tử Jerome Napoleon...
Cora Pearl là "nàng thơ" của nhiều quý ông giàu có và quyền lực bấy giờ
Cora nổi tiếng là người phụ nữ sở hữu nhiều ngựa nhất lúc bấy giờ - khoảng 60 con ngựa và cả một đội xe ngựa. Cô được xem là nguồn cảm hứng cho những bộ quần áo thời trang phong cách của những kị sĩ chuyên nghiệp.
Ở đỉnh cao "sự nghiệp" của mình, Cora có hai căn nhà ở Paris và một căn biệt thự ở vùng ngoại ô. Trang phục của cô được thiết kế bởi những thợ may nổi tiếng nhất nước. Trang sức và nước hoa cô dùng cũng là loại hết sức đắt tiền.
Từ đỉnh cao đến lúc lụi tàn
Nhưng rồi thời hoàng kim nào cũng đến hồi kết thúc. Chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra, Cora quay trở lại Anh một thời gian ngắn với Hoàng tử Jerome Napoleon.
Nhưng sau đó, Cora rời bỏ Hoàng tử và trở về Pháp vì tiếc nuối danh tiếng của mình tại Paris. Khi trở về, cô mới bàng hoàng nhận ra Paris không còn phồn hoa như trước, cũng không còn ai đủ hoang phí để đổ tiền vào các cuộc vui và kỹ nữ.
Cora Pearl sau đó cặp kè với Alexandre Duval, một thanh niên giàu có trẻ hơn cô 10 tuổi, nhưng bỏ anh ta không lâu sau đó.
Quá đau khổ, Duval đem súng đến nhà Cora, và không hiểu do vô tình hay cố ý, đã tự bắn vào đầu mình.
Có người nói, Cora đã đem Duval vào nhà và cứu chữa vết thương, cũng có người đồn rằng, cô bỏ mặc anh chàng bê bết máu ngoài cửa. May mắn là Duval vẫn bình an vô sự sau chấn thương, nhưng danh tiếng của Cora đã hoàn toàn sụp đổ.
Tiếc thay, dù có là biểu tượng sắc đẹp cũng không thể sống trong nhung lụa mãi mãi
Đến tuổi 40, nhan sắc của Cora dần dần chạm đáy. Hoàng tử Jerome Napoléon, người vẫn luôn đứng sau thanh toán các hóa đơn cao ngất của Cora, đột ngột cắt tiền viện trợ.
Những năm tiếp theo của cuộc đời, Cora từ từ bán hết tài sản, từ nhà cửa, ngựa, xe, đến đồ trang sức. Đến năm 1885 thì bà chẳng còn gì trong tay và sống trong một căn nhà trọ tồi tàn.
Năm 1886, bà xuất bản cuốn hồi kí của mình. Nhưng vì tên những "khách hàng" đình đám đã bị thay đổi, những tiết mục khiêu gợi đã bị giảm nhẹ nên độc giả không ai còn hào hứng.
Ngày 8 tháng 7 năm 1886, bà qua đời vì bệnh ung thư đường ruột ở tuổi 51. Một người tình cũ giấu tên đã lo tang lễ và chôn cất bà tại nghĩa trang Batignolles, Paris (Pháp).
Nguồn: The Vintage news