Cuộc đời 'cha đẻ' của bom nguyên tử

Kim Dung |

Mặc dù được mệnh danh 'cha đẻ' của bom nguyên tử, nhưng Julius Robert Oppenheimer lại dành nửa sau cuộc đời để phản đối vũ khí hạt nhân.

Thông minh vượt bậc từ nhỏ

J. Robert Oppenheimer sinh ra tại New York (Mỹ) vào ngày 22/4/1904. Ông là con trai của một cặp đôi người di cư gốc Do Thái đời đầu. Mẹ của ông - Ella, là một họa sĩ. Trong khi đó, cha ông - Julius Seligmann Oppenheimer, là một nhà nhập khẩu hàng dệt may khá giàu có.

J. Robert Oppenheimer tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Đại học Harvard chỉ sau 3 năm học. Sau đó, ông nghiên cứu vật lý lý thuyết ở cả Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Göttingen (Đức), nơi ông lấy bằng Tiến sĩ ở tuổi 23. Nhà vật lý trẻ tuổi nhanh chóng thân thiết với những nhà khoa học vĩ đại nhất thời đó.

Công trình học thuật của ông thúc đẩy lý thuyết lượng tử và dự đoán mọi thứ từ neutron tới hố đen. Ông còn là người ham học hỏi ngoài các lĩnh vực khoa học, như học tiếng Phạn hay nghiên cứu tôn giáo.

Ngay từ khi còn nhỏ, Oppenheimer đã chứng tỏ mình sở hữu trí thông minh vượt bật. Khi mới 9 tuổi, Oppenheimer đã thông thạo triết học cũng như tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Năm 12 tuổi, ông đã được mời thuyết trình tại Câu lạc bộ Khoáng vật học New York.

Trong quá trình phát triển và nghiên cứu, nhà vật lý lý thuyết này luôn sẵn sàng chinh phục các thử thách trí tuệ, Oppenheimer có thể nói sáu thứ tiếng, bao gồm: Tiếng Phạn, Hy Lạp, Latinh, Pháp, Đức, Hà Lan (ngôn ngữ mà ông chỉ học trong 6 tuần đã có thể thuyết trình về lượng tử tại hội nghị).

Sau khi Mỹ gia nhập quân Đồng minh năm 1941, Oppenheimer được mời tham gia dự án tuyệt mật Manhattan nhằm phát triển vũ khí hạt nhân. Nhà nghiên cứu đã nỗ lực tìm hiểu những gì cần thiết để kích hoạt và duy trì phản ứng chuỗi neutron để tạo ra vụ nổ hạt nhân.

Khi đó, cấp trên của Oppenheimer vô cùng ấn tượng với vốn kiến thức rộng, tham vọng, khả năng làm việc và truyền cảm hứng cho những nhà khoa học khác của ông. Năm 1942, quân đội Mỹ bổ nhiệm Oppenheimer làm người đứng đầu phòng thí nghiệm bí mật thử nghiệm bom.

Trong lúc nhà chức trách quân đội tìm kiếm địa điểm phù hợp cho phòng thí nghiệm, Oppenheimer đề xuất vị trí Trường Los Alamos Ranch. Đây là trường học tư thục cho nam sinh gần Santa Fe. Không lâu sau, ông trở thành người lãnh đạo hàng trăm, rồi hàng nghìn nhân viên ở Phòng thí nghiệm Los Alamos.

Oppenheimer đã tập hợp đội ngũ những bộ óc xuất sắc nhất ở thời đại đó. Ông còn truyền cảm hứng, thúc đẩy, tổ chức và khích lệ họ thể hiện năng lực. Ngày 16/7/1945, Oppenheimer và cộng sự tập trung tại bãi Thử nghiệm Trinity ở phía Nam Los Alamos cho vụ nổ hạt nhân đầu tiên trên thế giới.

Đó là thời khắc vô cùng căng thẳng. Các nhà khoa học biết rõ quả bom có biệt danh “Gadget” sẽ định hình tương lai thế giới. Song, họ cũng tin rằng, nó có thể kết thúc Thế chiến II.

Dù chiến tranh ở châu Âu đã kết thúc, nhưng nhà chức trách Mỹ lo sợ giai đoạn đẫm máu nhất của chiến tranh vẫn còn ở phía trước. Họ hy vọng có thể buộc Nhật Bản đầu hàng thay vì đe dọa sử dụng vũ khí mới. Thử nghiệm tiến hành bí mật đã thành công.

Cuộc đời cha đẻ của bom nguyên tử - Ảnh 1.

Oppenheimer được cựu Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson trao giải thưởng Enrico Fermi vào ngày 2/12/1963.

Ngày 6/8 và 9/8/1945, Mỹ lần lượt thả hai quả bom mà Oppenheimer tham gia phát triển xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản). Ít nhất 110.000 người thiệt mạng trong các vụ nổ xóa sổ cả hai thành phố ở quy mô chưa từng thấy trước đây hoặc sau này.

Oppenheimer từng tham gia hội đồng khoa học khuyến nghị Bộ Chiến tranh triển khai thả bom xuống Nhật Bản sớm hết mức có thể. Các cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn về việc liệu chính phủ có nghe theo thỉnh cầu của những nhà khoa học để chỉ thả bom nhằm vào mục tiêu quân sự, hay thậm chí thử nghiệm công khai trước nỗ lực buộc Nhật Bản đầu hàng.

Đêm trước vụ thả bom Hiroshima, Oppenheimer được các nhà khoa học cộng sự tại Los Alamos cổ vũ. Ông cho biết, điều hối tiếc duy nhất là không kịp hoàn thành quả bom để chống lại quân đội Đức. Mặc dù phấn khởi với thành tựu, nhưng các nhà khoa học vẫn kinh hãi bởi thiệt hại về sinh mạng trong vụ tấn công.

Họ lo sợ rằng, vũ khí hạt nhân có thể là “ngòi lửa”, thay vì ngăn cản chiến tranh trong tương lai. Vài tuần sau vụ thả bom, Oppenheimer viết một lá thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Chiến tranh với nội dung: “Sự an toàn của quốc gia này không thể nằm hoàn toàn hoặc chủ yếu ở sức mạnh khoa học hoặc công nghệ. Nó chỉ có thể khiến các cuộc chiến tranh tương lai trở nên bất khả thi”.

“Chạy trốn” thế giới

Nhờ góp công vào nỗ lực kết thúc cuộc chiến, Oppenheimer đã được Chính phủ Mỹ trao Huân chương Công trạng vào năm 1946. Mặc dù vậy, sức tàn phá khủng khiếp của hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã gây ra nỗi ám ảnh lớn đối với ông.

Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Harry Truman tháng 10/1945, hai tháng sau vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật, Oppenheimer nói rằng bản thân cảm thấy “tay mình đã nhuốm máu”. Thái độ của nhà vật lý đã khiến Tổng thống Truman không hài lòng.

Song, Oppenheimer cũng bênh vực dự án Manhattan và quả bom mà ông được giao chế tạo. Nhà khoa học này cho rằng, đó là điều cần thiết để hiểu rõ những khả năng của khoa học hạt nhân.

Tuy nhiên, Oppenheimer dành phần lớn cuộc đời để kêu gọi ngăn chặn vũ khí hạt nhân, phản đối Mỹ phát triển bom nhiệt hạch mạnh hơn. Theo ông, Mỹ nên cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật và theo đuổi những ứng dụng khác của công nghệ hạt nhân như sản xuất năng lượng.

Oppenheimer quyết định không quay lại làm việc cho chính phủ. Ông thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thế giới, tham gia giảng dạy khoa học cho tới khi qua đời năm 1967.

Nổi tiếng là người nghiện thuốc lá, Robert Oppenheimer sau này đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng do hút quá nhiều thuốc và qua đời tại nhà riêng ở New Jersey vào năm 1967, hưởng thọ 62 tuổi.

Cái chết của Oppenheimer đánh dấu sự kết thúc của một cuộc đời đáng chú ý với đầy những thành tựu khoa học, đóng góp trí tuệ và tác động đáng kể đến ngành vật lý và nghiên cứu hạt nhân.

Tuy nhiên, có một điều không ai có thể làm được đó là đến viếng mộ J. Robert Oppenheimer. Mười năm sau khi Thử nghiệm Trinity diễn ra, J. Robert Oppenheimer quyết định trốn tránh phần còn lại của thế giới.

Cuộc đời cha đẻ của bom nguyên tử - Ảnh 2.

Ông qua đời năm 1967, hưởng thọ 62 tuổi.

Năm 1955, ông chuyển đến Quần đảo Virgin cùng vợ, con gái và con trai. Gia đình nhà khoa học này sống trên một khu đất rộng hai mẫu Anh ở Vịnh Hawksnest, St. John. Đây là khu vực hầu như không có người ở của quần đảo. Thậm chí, khu vực này còn không xuất hiện trên hầu hết các bản đồ.

Có nhiều lý do giải thích tại sao Oppenheimer quyết định tách mình ra khỏi xã hội. Lý do đầu tiên là do nhà khoa học này dính líu sâu tới bí mật quân sự của Mỹ, khiến chính phủ phải liên tục theo dõi ông. Việc chuyển đến St. John giúp FBI tránh xa cuộc sống của Oppenheimer - nơi ông có thể chèo thuyền và viết thơ theo ý mình mà không bị theo dõi.

Một lý do khác là ông ngày càng lo ngại về chiến tranh hạt nhân sau khi chứng kiến sự tàn phá mà bom nguyên tử có thể gây ra. Lập trường chống hạt nhân của ông dẫn đến việc ông chọn Quần đảo Virgin.

Bởi, nhà khoa học này tin rằng, chúng sẽ là “một trong những nơi cuối cùng bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ hạt nhân”. Oppenheimer sống ở đó cùng gia đình cho đến năm 1967. Kể từ đó, một bãi biển được đặt theo tên ông.

Lý do không ai có thể đến thăm mộ của J. Robert Oppenheimer là vì ông không được chôn cất. Ông là một người có những niềm tin phức tạp. Trong đó, có một điều mà nhà vật lý lý thuyết không tin đó là sự tồn tại của linh hồn bất tử. Ông tin rằng, cái chết là sự kết thúc hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc sống.

Vì vậy, khi qua đời vì bệnh ung thư vòm họng vào ngày 18/2/1967, Oppenheimer đã chọn cách được hỏa táng. Mặc dù thực tế, người dân không thể đến thăm mộ nhà khoa học này, nhưng có thể đi đến Quần đảo Virgin và tới Bãi biển Oppenheimer.

Tại đây, vợ Oppenheimer đã rải tro của ông xuống đại dương tại địa điểm mà nhà khoa học này yêu thích.

Đáng buồn thay, gia đình ông vẫn gặp nhiều rắc rối sau sự ra đi của nhà khoa học này. 5 năm sau, vợ của Oppenheimer qua đời. 5 năm sau đó, con gái ông đã tự kết liễu đời mình. Ngôi nhà gỗ của Oppenheimer vẫn tồn tại sau cái chết của Oppenheimer.

Tuy nhiên, trước khi qua đời, con gái ông - Katherine đã viết một bức thư để lại tài sản này cho “người dân St. John”.

Mặc dù, ngôi nhà ban đầu không còn tồn tại do trở thành nạn nhân của một cơn bão, nhưng, chính quyền Quần đảo Virgin vẫn vận hành và duy trì một trung tâm cộng đồng gần đó.

Theo War history online; CNN; National Geographic

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại