Cung “an dưỡng” của quan nhiếp chính quyền uy
Cung Unhyun là một trong các di tích lịch sử quan trọng liên quan đến giai đoạn cuối triều đại Joseon. Vua Cao Tông lên ngôi khi tuổi đời còn quá trẻ, nên trong suốt 10 năm đầu tiên trị vì, từ năm 1863 đến 1873, mọi công việc triều chính đều do thân phụ là Hưng Tuyên Đại Viện Quân nhiếp chính.
Ông nổi tiếng cứng rắn và nhiều mưu mô trong việc đàn áp các thế lực chính trị đối đầu, cương quyết thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng để ngăn chặn và tiêu trừ mọi luồng ảnh hưởng từ phương Tây như tư tưởng dân chủ, đạo Thiên chúa hay phong trào Tây học…
Vì Cao Tông lên ngôi khi chỉ mới 12 tuổi, nên Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã thay con nhiếp chính công việc triều đình. Tại cung Unhyun, ông đã cho thực hiện rất nhiều chính sách quan trọng của quốc gia.
Nơi này không ít lần chứng kiến việc ông dùng quyền uy để gây ảnh hưởng lên việc cải cách chính trị. Kể từ sau khi được thăng chức từ Hưng Tuyên Quân lên thành Hưng Tuyên Đại Viện Quân, dinh thự của ông cũng được mở rộng và nâng cấp hoành tráng cho tương xứng với quy mô cung điện đồng thời được đổi tên thành cung Unhyun.
Vào thời điểm rộng nhất, cung Unhyun có diện tích khoảng 33.000m², kéo dài từ Viện văn hóa Nhật Bản đến tận sân vận động Trường tiểu học Gyodong và từ Viện văn hóa Nhật Bản đến tòa nhà Công ty Samwhan ngày nay. Theo sử sách ghi chép, tường rào của cung kéo dài đến hàng trăm mét, với 4 cửa, trông không thua kém gì các cung điện của bậc vua chúa.
“Nơi an dưỡng” của nhiếp chính Hưng Tuyên lúc ấy đã “cáo lão về vườn” là nơi khởi phát cuộc binh biến năm 1882, theo lệnh ông, các đạo quân chủ lực hoàng gia đã tấn công và thanh trừng nhiều thân hữu và đồng minh của Vương phi Myeong Seong.
Một công trình quan trọng trong cung Unhyun có tên gọi là “Lão An Đường”- nơi an dưỡng khi về già - Ngôi nhà này có chiều ngang 6 gian và chiều rộng 3 gian.
Có lẽ Hưng Tuyên Đại Viện Quân đặt tên cung như vậy nhằm tránh miệng lưỡi thế gian gán cho mình là người tham quyền cố vị, nhưng thực chất “Lão An đường” lại là nơi giải quyết các công việc triều chính trọng đại và che giấu hoạt động chính trị của ông.
Trước tình thế rối ren bởi thù trong giặc ngoài, hai vợ chồng nhà vua buộc phải chạy trốn khỏi hoàng cung, Hưng Tuyên Đại Viện Quân tiếp quản hoàng cung, nhanh chóng ban bố lệnh thủ tiêu tất cả các chương trình hiện đại hóa, khôi phục lại các chính sách bế quan tỏa cảng.
Nhận sự cầu viện từ vua Cao Tông, nhà Thanh đã phái binh lính đến dẹp loạn. Quan nhiếp chính bị bắt giữ, nhưng vì là thân phụ của vua nên không bị khép tội phản nghịch, từ đây bị tước bỏ mọi quyền hành và không được giữ bên mình cho dù một tên lính thị vệ có vũ trang. Ông sống hết quãng đời còn lại của mình tại nơi này cho đến khi qua đời vào năm 1898.
Bên cạnh “Lão An đường “ là “Lão Lạc Đường”, theo lời người xưa truyền lại, nhân tài nào được Hưng Tuyên Đại Viện Quân trọng dụng đều phải bước qua chiếc cổng này để lên nhậm chức. Vì vậy, chiếc cổng này có tên là “Đăng Long Môn”, tức là cửa rồng bay lên.
“Lão Lạc Đường” thênh thang với 9 căn phòng nằm ở trung tâm cung Unhyun, với chiều ngang 10 gian và chiều rộng 3 gian. Đây cũng chính nơi diễn ra hôn lễ của vua Cao Tông và Vương phi Myeong Seong vào ngày 21-1-1866. Một tháng trước khi cử hành hôn lễ, Myeong Seong đã được nhập cung học các nghi lễ Hoàng gia.
Để cử hành hôn lễ, hoàng gia đã phải huy động 1.641 người và 700 con tuấn mã, và tất cả đều phải đi xuyên qua cung Unhyun. Sau hôn lễ, nếu Vua Cao Tông ở phòng to nhất, hoàng hậu ở phòng to thứ hai thì sẽ không còn nơi nào đủ rộng để vợ chồng Hưng Tuyên Đại Viện Quân nghỉ ngơi.
Nghĩ vậy Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã cho xây dựng Nhị Lão Đường. Như vậy ngoài Lão Lạc Đường là nhà chính thì vợ chồng Hưng Tuyên Đại Viện Quân còn có một không gian riêng biệt khác là “Nhị Lão Đường”.
Đây từng là nơi nghỉ ngơi của thân mẫu vua Cao Tông, tức phu nhân của Hưng Tuyên Đại Viện Quân.
Ngôi nhà này có 7 gian chiều ngang và 7 gian chiều rộng, được làm theo cấu trúc hình vuông để ngăn chặn nam giới xâm nhập, ngoại trừ Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Chữ “Nhị” có nghĩa là hai, còn chữ “Lão” có nghĩa là già, như vậy “Nhị Lão Đường” có nghĩa là nơi sống của hai người cao tuổi đáng kính nhất trong cung, ý chỉ hai vợ chồng Hưng Tuyên Đại Viện Quân.
Đối diện Nhị Lão Đường giờ là tòa Bảo tàng di sản; được chia thành 18 khu, bao gồm khu hiện vật liên quan đến cung Unhyun, khu di vật của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, khu trưng bày y phục cưới của vua Cao Tông và vương phi Myeong Seong.
Xưa kia, để diện kiến Vua Cao Tông, Hưng Tuyên Đại Viện Quân thường xuyên đi từ cung Unhyun đến chỗ vua thiết triều là cung Gyeongbuk (Cảnh Phúc cung, nơi các thích khách Nhật Bản đột nhập giết hại nhiều người và Vương phi Myeong Seong năm 1895).
Ngày nay, vào mỗi chiều chủ nhật của tháng 4, tháng 5, tháng 9 và tháng 10 hàng năm, ban quản lý khu di tích lại cho tái hiện hành trình vào cung “vấn an” nhà vua của vị nhiếp chính một thời quyền uy nghiêng trời lệch đất, để du khách trong và ngoài nước có dịp cùng xem và hiểu rõ hơn về cuộc sống của ông lúc bấy giờ.
Những buổi biểu diễn tái hiện hoạt cảnh Hưng Tuyên Đại Viện Quân vào cung chỉ được tiến hành 2 lần vào ngày chủ nhật. Một người đàn ông mặc trang phục đại quan triều đình, ngồi trong một chiếc kiệu lớn và được khoảng 20 người trong vai lính tráng hộ tống qua các con đường trong tiếng nhã nhạc vang lừng.
Cung Unhyun bây giờ chỉ rộng ước chừng 7.100m2, tức chỉ bằng một phần tư kích thước ban đầu, tọa lạc tại phường Unni, quận Jongno, thủ đô Seoul. Hiện vẫn còn một hậu duệ của Hưng Tuyên Đại Viện Quân là nhà nghiên cứu Lee Cheong, năm nay đã 75 tuổi, đang sinh sống trong cung.
Vào năm 1993, ông nhượng quyền sở hữu di tích này cho chính quyền thành phố Seoul với giá khoảng 7,5 triệu USD. Sau đó, chính quyền đã chi thêm khoảng 1,2 triệu USD để tiến hành tu sửa, tân trang và bảo quản. Bắt đầu từ năm 1997 cho đến nay, cung Unhyun đã trở thành một tài sản lịch sư ã- văn hóa của thủ đô Seoul.
Đâu là dung mạo Vương phi liệt nữ?
Ngày 15-8-2010, một nhóm nghiên cứu về văn hóa của Trường Đại học Chonnam Hàn Quốc đã công bố một bức ảnh chân dung hoàng hậu Myeong Seong đăng trên tờ nhật báo Novaya Vremia của thành phố St. Petersburg, Nga vào ngày 21-10-1895.
Một vương phi của một vương quốc vùng viễn đông xuất hiện trên nhật báo Nga vì sau cuộc chiến tranh Giáp Ngọ năm 1894, Nhật Bản tuy là “đồng văn đồng chủng” với Trung Quốc nhưng bắt đầu vươn lên bành trướng.
Vì thua trận, Thanh triều phải ký hòa ước Mã Quan (1895) mà Phương Tây gọi là hòa ước Shimonoseki, lấy tên địa điểm ký kết tại thành phố phía Nam Nhật Bản và sau đó lần lượt diễn ra các đợt nhượng bộ lãnh thổ ở phía Bắc với Nhật, Nga và các nước khác, trong đó Bắc Kinh phải bồi thường chiến phí cho Nhật và rút quân khỏi Triều Tiên.
Vương triều Triều Tiên mất sạch niềm tin dựa vào đế chế nhà Thanh nên Vương phi Myeong Seong phải quay sang cầu cạnh nước Nga, những mong nước này hợp tác giúp bà chống Nhật.
Việc bà bị nhóm thích khách Nhật Bản mù quáng sát hại vào ngày 8-10-1895 để lại dấu ấn về những gì xấu xa và tàn bạo trong lịch sử:
Xác của bà bị thiêu rụi và những tổ chức tuyên truyền cho Chính phủ Nhật Bản đã miêu tả cuộc ám sát như là hệ quả của cuộc tranh giành quyền lực giữa lực lượng cấp tiến do vua Cao Tông và bà đứng đầu và phe thủ cựu đối lập là cha chồng bà - nhiếp chính Hưng Tuyên Đại Viện Quân.
Trong giới sử học lưu truyền hai giả thuyết lý giải vì sao đường đường là một quốc mẫu nhưng Myeong Seong không hề lưu lại một bức chân dung nào cho hậu thế chiêm ngưỡng.
Phần còn lại của Cung Unhyun ngày nay vẫn được giữ nguyên trạng.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng, những người thân cận vì lo sợ bà sẽ bị ám sát trong cuộc đối đầu quyết liệt này nên đã khuyên bà hết sức hạn chế việc lộ diện. Tạp chí Three miles của Hàn Quốc trong số ra tháng 9-1933, từng viết: "Không một ai thấy được dung nhan của hoàng hậu Myeong ngoài Vua Cao Tông và những người trong vương thất".
Quan điểm thứ hai là, sau khi giết hại vương phi, quân Nhật đã đốt sạch toàn bộ ảnh chụp của bà.
Bức ảnh Vương phi Myeong Seong đăng trên nhật báo Novaya Vremia của Nga chiều cao 8cm, ngang 5cm, bên dưới có dòng chú thích:
"Người con gái hoàng gia Triều Tiên bị sát hại”. Trang phục và kiểu tóc của người phụ nữ quý tộc trong bức chân dung này giống hệt các phu nhân triều đại nhà Thanh của Trung Quốc, nhưng khuôn mặt lại có nét hao hao giống phụ nữ Tây Âu ở điểm mắt 2 mí và sống mũi cao!
Theo suy đoán của nhóm nghiên cứu văn hóa, bức ảnh này đã được vẽ bởi người họa sĩ theo hầu phu nhân đại sứ Nga đến tiếp kiến Vương phi Myeong Seong. Một giáo sư trong nhóm nghiên cứu cho biết:
"Căn cứ theo quy tắc của hoàng cung thời bấy giờ, họa sĩ người nước ngoài không được phép vào cung vì vậy, đây có thể là bức chân dung được vẽ lại dựa trên lời mô tả về ngoại hình và cách ăn mặc của người đã được thấy tận mắt dung mạo của vương phi".
"Vì chỉ vẽ theo lời mô tả nên đến phần trang phục, ông ta lấy kiểu trang phục của nữ nhân quyền quý Thanh triều… đắp vào".
Một số nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Vương phi Myeong Seong có khuôn mặt giống người phương Tây vì chịu ảnh hưởng bởi suy nghĩ của chính phủ Nga khi đó. Một thành viên của đoàn nghiên cứu lịch sử Đông Bắc Á còn chỉ ra rằng: "Bức chân dung này được vẽ dựa trên lời mô tả của một phụ nữ Anh, từng sống tại Triều Tiên, có tên Isabela".
Nhưng hầu hết người Hàn Quốc cho rằng, bức vẽ này khác xa hình ảnh phụ nữ Triều Tiên thời kỳ đó, và tuyệt đối không thể là hình ảnh chân thực về vị vương phi mà họ yêu kính.
Sau này, tờ báo Tin tức độc lập được thành lập ở Los Angeles vào năm 1910 bởi vị tổng thống Hàn Quốc đầu tiên, Syng Man Rhee (Lý Thừa Vãn) từng đăng một bức ảnh chú thích “Hoàng hậu Myeong Seong”. Nhưng ngay sau đó, lập tức có ý kiến hoài nghi cho rằng Hoàng hậu không thể chụp ảnh với phục trang của một thường dân như thế.
Năm 1935, Nhật báo Triều Tiên cho đăng một bức ảnh toàn thân của hoàng hậu Myeong Seong. Khi ấy, có nhà sử học đã đích thân đi tìm vị cung nữ từng hầu hạ Hoàng hậu để xác nhận, nhưng người đó đã phủ nhận ngay khi nhìn bức ảnh.
Ngoài ra, còn có bức ảnh được tìm thấy trong tập ảnh của một doanh nhân người Đức có dịp đến Triều Tiên trong khoảng thời gian từ năm 1894-1895. Trong tập ảnh này có ảnh Hoàng đế Cao Tông và con trai, và đáng chú ý là một bức ảnh được cho là của hoàng hậu Myeong Seong bởi dòng chú thích phía dưới bức ảnh ghi: "Vương phi bị sát hại".
Một bức ảnh khác về Hoàng hậu Myeong Seong cũng được lưu truyền rất rộng rãi và đã được sử dụng trong giáo trình lịch sử xuất bản năm 1990 của Hàn Quốc.
Nhưng đến năm 1906, trong cuốn sách “Ghi chép về những điều mắt thấy tai nghe tại Hàn Quốc” của tác giả Hummel Herbert, người từng công bố bức ảnh trên, khi giới thiệu về bức ảnh này, ông lại nói đó là ảnh một cung nữ! Đến năm 2004, bức ảnh đã được giới học thuật xác nhận là ảnh của cung nữ và xóa khỏi giáo trình lịch sử.
Năm 2005, một học giả người Hàn Quốc đã công bố một bức vẽ minh họa ông mua tại Nhật Bản mô tả khung cảnh một công sứ người Nhật cùng phiên dịch của ông đến tiếp kiến hoàng đế Cao Tông và Hoàng hậu Myeong vào ngày 8-12-1894.
Bức ảnh minh họa này được đăng trên tạp chí Họa báo phong tục số 84, phát hành lần đầu vào ngày 25-1-1895 tại Nhật Bản. Nội dung bức ảnh tuy rất đáng chú ý nhưng suy cho cùng thì vẫn là một… bức minh họa.
Hơn 120 năm đã trôi qua kể từ ngày Hoàng hậu Myeong Seong kết thúc cuộc đời bi tráng, vì không để lại bức ảnh nào nên hậu thế vẫn không ngừng tìm kiếm trong nhiều thư tịch không những trong nước mà còn ở nước ngoài và tùy nghi phác họa chân dung bà theo những cách riêng của mình, nhưng các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đều cho rằng, đến nay, vẫn chưa có bức ảnh nào của bà được xem là chân xác nhất.