Cuộc đời bi tráng của Vương hậu Triều Tiên cuối cùng (bài 2)

Mạnh Quân |

Năm 1925, khi lên 13 tuổi, công chúa Đức Huệ bị người Nhật đưa sang Tokyo tiếng là để nhận sự giáo dục dành cho con cháu vương thất. Ít lâu sau, mẹ đẻ của cô bị bạo bệnh qua đời. Cô công chúa bé bỏng liên tục chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu nhất, muốn chở che bảo vệ cô nhất nên cô dần trở nên xa lánh tất cả người lạ rồi lâm chứng tự kỷ, thiểu năng trí tuệ...

Lời bẩm báo với phụ mẫu tiên hoàng qua… đường dây điện thoại

Trong lịch sử của triều đại Joseon, Hoàng đế Cao Tông (Gojong) là vị vua làm hao tốn khá nhiều bút mực của các nhà sử học và giới nghiên cứu với các luận điểm chỉ trích, bênh vực đan xen nhau. Vương quốc Đại Triều Tiên vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX bị các cường quốc Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây nhăm nhe xâm chiếm hoặc chi phối quyền lực.

Triều đình ký các hiệp ước với Pháp và Mỹ lần lượt trong các năm 1866 và 1871, tiếp theo là cuộc cách mạng của nông dân do phái Đông học lãnh đạo nổ ra và bao trùm lên cả nước vào năm 1894.

Năm 1895 xảy ra vụ Nhật Bản giết hại dã man quốc mẫu Myeongseong… Đứng trước hàng loạt những biến cố lịch sử như vậy nên năng lực lãnh đạo và quyền lực chính trị của Cao Tông trở nên mờ nhạt do bị cuốn vào dòng xoáy của lịch sử.

Tuy nhiên Cao Tông cũng là vị vua đã nỗ lực rất nhiều trong việc đưa Joseon tiến tới một quốc gia cận đại. Ông đã dành tâm sức vào việc mở mang tri thức cho người dân như vào năm 1884 đã cho mở cửa trường học công lập đầu tiên chiêu sinh cả những người xuất thân không phải hàng danh gia vọng tộc.

Sau thời gian hơn 1 năm ẩn thân ở dinh Công sứ Nga, năm 1897 ông quay về cung Deoksu và xưng hoàng đế, đổi quốc hiệu từ Joseon thành Đại Hàn đế quốc với tinh thần sẽ phát triển thành quốc gia độc lập tự chủ thoát ra khỏi sự can thiệp của ngoại bang.

Tháng 4-1907, Cao Tông bí mật trao nhiệm vụ cho ba người là Lee-jun, Lee Sang-seol, Lee Wy-jong tới Hội nghị hòa bình thế giới diễn ra ở Hague của Hà Lan vào ngày 15-6 để công bố bức thư của Cao Tông cho cộng đồng quốc tế và kêu gọi độc lập cho Đại Hàn cũng như vô hiệu hóa Hiệp ước Eulsa.

Nhiệm vụ này bị gián điệp trong cung Deoksu báo cho Toàn quyền Ito.Chiến tranh Nga - Nhật kết thúc năm 1905 mà Nhật Bản là bên thắng cuộc nên đế quốc này buộc Đại Hàn ký Điều ước bảo hộ năm Ất Tỵ (còn được gọi là Hiệp ước Eulsa-Triều Tiên chịu sự bảo hộ của Nhật).

Sau đó, Nhật còn thiết lập Phủ Thống đốc giám trực tiếp thống trị Hàn Quốc, Ito Hakubun đảm nhiệm chức vụ toàn quyền Nhật Bản đầu tiên tại Đại Hàn đế quốc.

Khi 3 đặc sứ đến nơi, đại diện chính phủ Hà Lan là nước chủ nhà của Hội nghị do đã được Nhật Bản thông báo lấy lý do Đại Hàn đế quốc không có chủ quyền ngoại giao nên đã không cho phép họ vào tham dự cùng đại biểu đại diện cho 45 quốc gia, việc này khiến đặc sứ Lee Jun vì không chịu nổi uất ức mà chết.

Vua Cao Tông nổi giận lên án âm mưu thâm độc của Nhật. Toàn quyền Ito Hakubunnhân dịp này buộc Cao Tông thoái vị vào ngày 19-7-1907 và phải nhường ngôi cho Thái tử Lý Thạch, tức Thuần Tông.

Những năm cuối đời, thái đế Cao Tông sống trong u uất sầu não rồi băng hà vào rạng sáng ngày 21-1-1919. Một ngày trước khi qua đời, ông còn rất mạnh khỏe nên cái chết của ông làm dấy lên lời đồn rằng, Phủ thống đốc Nhật đã cho người bỏ thuốc độc vào trong trà dâng lên cho ông.

Dù mang quốc hiệu là đế quốc nhưng Đại Hàn đã không có năng lực tự vệ để giữ quyền tự chủ và chỉ dẫn đến sự can thiệp vào nội bộ của nhiều cường quốc, rồi trở thành thuộc địa của Nhật, nhưng không thể phủ nhận rằng lịch sử 13 năm của Đại Hàn đế quốc là xuất phát điểm của Hàn Quốc cận đại.

Trong nỗ lực ứng dụng văn minh phương Tây theo phương châm bảo tồn cái cũ và tiếp thu cái mới thì những khía cạnh ưu việt của phương Tây như chế độ sở hữu, giáo dục, y tế, bưu điện, kiến trúc, đường sắt đã được du nhập và đặt gốc rễ vào bán đảo Triều Tiên trong thời kỳ này.

Bị mang tiếng là ông hoàng vong quốc nhưng Cao Tông vẫn ấp ủ mơ ước và quyết tâm xây dựng một quốc gia cận đại cường thịnh, vì thế ông đã được giới học thuật đánh giá lại theo chiều hướng tích cực.

Nhắc lại việc hoàng tử đầu tiên của Cao Tông và Vương phi Myeong Seong chết trẻ trong nhiều nghi vấn, thừa dịp này, Nhiếp chính Hưng tuyên Đại Viện quân đã tấu với Cao Tông rằng, Vương phi không có khả năng để sinh tiếp cho nhà vua một hoàng nam.

Bị sức ép của triều thần, Hoàng đế Gojong bất đắc dĩ phải lập thêm một quý phi, người này sau đó đã hạ sinh cho nhà vua một người con (về người này có nhiều ghi chép mâu thuẫn nhau nên không rõ số phận). Khi Hoàng đế Cao Tông được 22 tuổi, theo điều luật truyền đời của vương thất, quan nhiếp chính Hưng tuyên Đại Viện quân buộc phải cáo lão về hưu.

Thoát khỏi vòng kiểm soát của người cha chồng đầy mưu mô và cực kỳ thủ cựu, cả nhà vua và hoàng hậu lại quay về với nhau, không lâu sau đó Vương phi Myeong Seong thụ thai và sinh hạ một hoàng tử.

Lý Thạch là con đẻ của Hoàng hậu Myeong Seong, tuổi trẻ trải qua những biến cố sóng gió như việc mẹ đẻ bị quân Nhật sát hại, đã cùng cha tị nạn trong tòa công sứ Nga và tận mắt chứng kiến cuộc tranh giành khốc liệt giữa hai phái thân Nga và thân Nhật trong cộng đồng người Triều Tiên vong quốc.

Một ngày tháng 9-1898, Thái tử Lý Thạch sau khi uống một tách cà phê bất thần lăn ra đất bất tỉnh nhân sự. Được ngự y cấp cứu kịp thời và phát hiện trong tách cà phê có ai đó đã cố tình bỏ vào một lượng lớn nha phiến, Lý Thạch tuy thoát chết nhưng về sau thể chất càng suy nhược và mắc chứng vô sinh suốt đời.

Năm 1907, ngồi vào ngai vàng thay cha mới được mấy ngày, Toàn quyền Nhật Bản chìa ngay ra Hiệp ước Đinh Mùi gồm bảy điều nhấn mạnh: Toàn quyền Nhật Bản có quyền lực tối cao, triều đình nô thuộc phải thực hiện cải cách quan chế, bổ nhiệm người Nhật Bản vào hàng ngũ quan lại; quân đội của Đại hàn đế quốc phải giải tán, Thuần Tông Lý Thạch lúc này đúng nghĩa là một ông vua bù nhìn.

Tháng 10-1910, Điều ước sáp nhập Nhật-Hàn được thông qua, toàn bán đảo Triều Tiên chính thức bị Nhật Bản thôn tính. Hoàng gia Đại Hàn biến thành một chi trực thuộc sự giám sát và bảo hộ của Hoàng gia Nhật Bản.

Xưng hiệu của Lý Thạch từ Thuần Tông hoàng đế bị hạ xuống chỉ còn là Lý vương. Mỗi năm, hoàng tộc nhận được “ân huệ” từ Toàn quyền Nhật Bản một khoản tiền gọi là sinh hoạt phí.

Thuần Tông lực bất tòng tâm, chỉ biết âm thầm nuốt hận. Ông thường một mình lặng lẽ tới tẩm cung hoặc lăng mộ vua cha khóc lóc giãi bày thế sự và cảnh tình vong nô ô nhục. Khi trong cung được mắc điện thoại, ông đã sai người nối dây bắc máy thông tới tẩm cung và lăng mộ phụ hoàng Cao Tông.

Cứ mỗi dịp lễ tết, lễ vọng hoặc ngày rằm, ông lại mặc áo đại tang, lập hương án bày linh vị phụ mẫu tiên hoàng rồi sai thị vệ bắc máy nối dây, cầm ống nghe quỳ gập mình bẩm báo mọi việc trên đời với vong linh những người đã khuất, vừa lầm rầm khấn tấu vừa không ngớt đưa tay gạt dòng nước mắt.

Ngày 25-4-1926, Thuần Tông trút hơi thở cuối cùng bởi những vết thương tinh thần trầm trọng.

Những cái tên cuối cùng trong gia phả hoàng thất triều đại Joseon

Các phi tần của Hoàng đế Cao Tông từng sinh cho ông hơn chục người con gồm cả trai gái, đa phần đều yểu mạng. Ngoài Lý Thạch con của hoàng hậu Myeong Seong, những người còn lại đều là con cái của các quý phi, quý nhân. Thuần Tông Lý Thạch không người nối dõi nên em trai là Lý Ngần được lập vương.

Cuộc đời bi tráng của Vương hậu Triều Tiên cuối cùng (bài 2) - Ảnh 1.

Nữ diễn viên Park Soo Ae trong vai Hoàng hậu Myeong Seong, phim "Thanh kiếm vô danh".


Tháng 12-1907, Lý Ngần mới 10 tuổi, được toàn quyền Ita đưa sang Nhật du học thực chất là nằm trong âm mưu bắt cậu để dùng làm con tin trong những cuộc mặc cả chính trị sau này. Lý Ngần được đưa vào học Trường sĩ quan lục quân Thiên Hoàng, sau đó tham gia quân đội Nhật.

Năm 1920, lại cũng chính người Nhật sắp đặt cho Lý Ngần kết hôn với công nương Hoshi dòng dõi hoàng tộc Nhật Bản. Hoshi nhan sắc nghiêng thành, từng được tiến cử làm thái tử phi Nhật Bản, nhưng vì ngự y chẩn đoán rằng cô không có khả năng sinh con nên được “đẩy lên” bàn cờ hôn phối với hậu duệ Lý Ngần của vương thất Đại Hàn.

Nhưng vương phi Hoshi lại một lòng yêu kính và coi đất nước chồng như tổ quốc mình, hai người sống bên nhau trong hạnh phúc và tin nhau tuyệt đối. Mưu thâm làm cho vương thất Đại Hàn tuyệt tự bị “phá bĩnh” vì bỗng dưng vương phi Hoshi lưu giữ được giọt máu của Lý Ngần và sinh hạ con trai Lý Tấn.

Khi Lý Tấn mới 7 tháng tuổi, chưa kịp hoàn thành dự định đưa con về Triều Tiên, cậu bé bất ngờ tắt thở. Tháng 12-1931, vợ chồng Lý Ngần - Hoshi lại sinh con trai thứ - hoàng thế tôn cuối cùng của vương triều Joseon ngay trên đất Nhật Bản - đặt tên là Lý Cửu.

Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, lực lượng quân phiệt Nhật đại bại, Thiên hoàng Nhật Bản phải đích thân đọc tuyên cáo đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. Từ đây, cuộc sống của cả “gia đình con tin” Lý Ngần mới chấm dứt, đồng thời cũng bị bãi bỏ nguồn kinh phí từ hoàng gia Nhật Bản nhằm duy trì cuộc sống.

Chính phủ Nhật Bản không thừa nhận họ là công dân Nhật Bản, chính phủ Hàn Quốc mới thành lập cũng không công nhận họ là người Hàn Quốc!

Mãi tới năm 1963, Lý Ngần mới được phép dẫn theo mọi người trong gia đình về định cư tại Hàn Quốc.

Được quay về cố quốc, vợ chồng Lý Ngần dùng danh nghĩa là bào đệ của Thuần Tông Lý Thạch kêu gọi những tổ chức tư nhân và các nhà tài phiệt mang tư tưởng bảo hoàng đóng góp tài chính cho các hoạt động trùng tu lăng tẩm, đền đài của vương triều xưa và làm từ thiện.

Năm 1970, Lý Ngần qua đời, thọ 73 tuổi, người vợ gốc hoàng gia Nhật Bản trọn đời tình nghĩa 19 năm sau mới nối gót theo ông.

Ngược về quá khứ, tháng 5-1912, có một phi tần sinh cho Cao Tông một cô công chúa được đặt tên là Đức Huệ. Cao Tông lúc đó đã 60 tuổi. Ngoài mặt vui mừng bao nhiêu thì trong lòng lo lắng bấy nhiêu vì ông rất sợ công chúa Đức Huệ cũng sẽ bị người Nhật bắt đi mất. Vì vậy, khi Đức Huệ còn nhỏ, ông đã ngầm đánh tiếng tuyển phò mã với hy vọng giữ lại được con gái.

Không lâu sau, Cao Tông băng hà. Năm 1925, khi lên 13 tuổi, công chúa Đức Huệ bị người Nhật đưa sang Tokyo tiếng là để nhận sự giáo dục dành cho con cháu vương thất. Ít lâu sau, mẹ đẻ của cô bị bạo bệnh qua đời.

Cô công chúa bé bỏng liên tục chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu nhất, muốn chở che bảo vệ cô nhất nên cô dần trở nên xa lánh tất cả người lạ rồi lâm chứng tự kỷ, thiểu năng trí tuệ.

Lúc này, cũng lại hoàng gia Nhật Bản tìm cách sắp xếp hôn nhân cho Đức Huệ, gả cô cho một công tử dòng dõi quyền quý tên là Syubushi. Lý Ngần kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân này, nhưng ông cuối cùng cũng không thể làm gì hơn cho cô em gái đáng thương.

Sau khi lấy chồng, bệnh tình của công chúa Đức Huệ trở nên thất thường, đôi lúc nhớ và kể rành mạch mọi chuyện và nhiều khi nói cười như người vô thức, hay biểu hiện nỗi sợ hãi kỳ quặc nên người ta phải đưa cô vào bệnh viện tâm thần. Năm 1953, trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, công chúa Đức Huệ ký vào giấy ly hôn được người khác thảo sẵn.

Năm 1962, công chúa Đức Huệ được đưa về nước, vào điều trị tại bệnh viện thủ đô Seoul. Khi bệnh tình tạm thuyên giảm, bà được xuất viện và chính phủ bố trí cho bà sống trong một căn phòng thuộc hoàng cung ngày xưa. Năm 1989, công chúa Đức Huệ qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.

Lý Cửu, con trai của Lý Ngần và phu nhân Hoshi khi lớn lên cũng sang Nhật du học và sau là Mỹ. Năm 1958, Lý Cửu yêu và kết hôn cùng một cô gái Mỹ tên Julia Molock. Năm 1982, do Julia không thể sinh cho chồng một người nối dõi tông đường nên hai người chia tay nhau.

Năm 2005, Lý Cửu qua đời tại Tokyo, khép lại trang gia phả cuối cùng của hoàng gia triều đại Joseon.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại