Cuộc đời bi đát của người hùng trong bức ảnh gây chấn động thế giới

Boho |

"Anh là người đàn ông da trắng nước Úc đứng giữa hai người da màu nước Mỹ trong giây phút vinh quang, tất cả đều nhân danh một điều - Nhân quyền."

Đó chính là Peter Norman (15/6/1942 - 3/10/2006), vận động viên điền kinh của nước Úc tham gia thế vận hội Olympic 1968 ở Mexico.

Peter cùng hai vận động viên da màu của Mỹ là Tommie Smith và John Carlos đã dẫn đầu trong vòng cuối cùng của giải chạy 200m.

Trong đó, Tommie đạt huy chương vàng, Peter đạt huy chương bạc và John giành huy chương đồng.

Cuộc đời bi đát của người hùng trong bức ảnh gây chấn động thế giới - Ảnh 1.

Ảnh: Wikipedia

Khoảnh khắc ba vận động viên đứng trên bục vinh quanh nhận giải vào buổi sáng 16/10/1968 đã đi vào lịch sử nhân loại như một tuyên ngôn nhân quyền và bức hình chụp họ trở thành một trong những bức ảnh tuyệt vời nhất của thế vận hội Olympic.

Bức ảnh này không chỉ gây chấn động nước Mỹ thời bấy giờ mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia Âu Mỹ khi nạn phân biệt chủng tộc ngày càng gia tăng.

Nó đã thay đổi hoàn toàn số phận ba con người: trong khi 2 vận động viên nước Mỹ được tạc tượng tôn vinh tại đại học San Jose State thì Peter Norman bị cả nước Úc quay lưng lại cho tới lúc chết.

Lời chào sức mạnh của người da màu

Đó là tên gọi mà người ta đặt cho bức ảnh lịch sử này.

Khoảnh khắc Tommie Smith và John Carlos giơ một cánh tay lên trong khi nhận huy chương là cách thể hiện nhân quyền của họ trước toàn thế giới, khi mà tại xứ sở cờ hoa những quốc dân da màu như họ đang phải hứng chịu nạn phân biệt chủng tộc.

Và đứng bên cạnh hai người là một vận động viên da trắng với hai cánh tay buông thõng nghiêm trang.

Cuộc đời bi đát của người hùng trong bức ảnh gây chấn động thế giới - Ảnh 2.

Khoảnh khắc đi vào lịch sử Olympic 1968 ở Mexico

Chính lời tuyên ngôn hùng hồn này đã gây chấn động dư luận, khiến họ ngay lập tức bị đội tuyển Olympic Mỹ trục xuất khỏi khỏi Olympic Village.

Trở về quê nhà, họ cũng liên tiếp phải đối mặt với những lời đe dọa, sự kỳ thị, chỉ trích từ cộng đồng Mỹ.

Về sau, khi nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ không còn gay gắt như trước, hai người được tôn vinh như những anh hùng và được vinh dự tạc tượng tại đại học San Jose State.

Cuộc đời bi đát của người hùng trong bức ảnh gây chấn động thế giới - Ảnh 3.

Tượng tạc Tommie Smith và John Carlostrong giây phút lịch sử năm 1968

Kế hoạch được dàn dựng phía sau bức ảnh

Trước khi lên bục vinh quang nhận giải thưởng, Tommie và John đã chia sẻ ý định của họ cho nhiều vận động viên khác. Peter là người đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch của họ.

"Tôi tin vào nhân quyền", Peter trả lời khi được hai vận động viên người Mỹ hỏi. Anh còn khẳng định rõ ràng "Tôi đứng về phía các anh!". John Carlos cho hay "Tôi nhìn thấy tình yêu thương ánh lên trong đôi mắt của Peter."

Không chỉ giơ cánh tay lên trong lúc đăng quang, hai vận động viên Mỹ còn đeo chiếc huy hiệu nhân quyền OPHR (Olympic Project for Human Rights) trên ngực, đi tất đen và mang bao tay đen.

Theo kế hoạch, họ sẽ giơ cánh tay phải nhưng John đã quên mang theo.

Khi hai người còn đang bế tắc không biết xử lý ra sao thì Peter đã gợi ý cho John đeo bao tay bên trái của John. Đó là lý do tại sao hai vận động viên Mỹ lại giơ hai cánh tay khác nhau.

Điều đáng nói là Peter không chỉ ủng hộ kế hoạch của họ bằng lời nói, mà anh còn mượn chiếc huy hiệu nhân quyền của một vận động viên khác để đeo.

Vậy là ba người đàn ông đến từ hai quốc gia khác nhau với hai màu da: đen và trắng đứng trên bục vinh quang của Olympic Mexico 1968 cùng khẳng định nhân quyền: dù là da trắng hay da màu, tất cả đều là con người.

Khoảnh khắc ấy đã để lại vệt sáng chói trong lịch sử Olympic và lịch sử nhân loại.

Anh hùng bị cả đất nước quay lưng

"Nếu như chúng tôi chỉ bị đánh đập, thì Peter lại phải đối mặt với cả quốc gia và chịu đựng một mình", John - vận động viên đạt huy chương đồng chia sẻ với báo giới.

Peter Norman, người hùng trong lòng hai vận động viên Mỹ nói riêng và cộng đồng người da màu tại Mỹ nói chung trở thành kẻ ngoại bang bị cả nước Úc quay lưng khi trở về quê nhà từ Mexico.

Liên đoàn thể thao Úc tham dự Olympic 1968 lên tiếng khiển trách còn truyền thông quay lưng lại với anh.

Thậm chí, Ủy ban Olympic Úc còn ra yêu sách buộc Peter phải lên án hành động của hai vận động viên da màu của Mỹ để nhận được sự tha thứ và có được một công việc ổn định thông qua sự giới thiệu của họ, cũng như trở thành một thành viên của tổ chức Olympic Sydney năm 2000.

Nhưng Peter đã từ chối. Anh chấp nhận bị hắt hủi và chưa bao giờ hối hận vì hành động của mình: "Tại sao người da đen lại không thể uống cùng một dòng nước từ đài phun, lên cùng một chiếc xe buýt, hay học chung một trường với người da trắng?

Tôi căm ghét sự bất công trong xã hội mà tôi không thể làm gì từ chính nơi tôi đang sống."

Cuộc đời bi đát của người hùng trong bức ảnh gây chấn động thế giới - Ảnh 4.

Peter Norman trên đường đua trong thế vận hội Olympic 1968

Từ thế vận hội thể thao năm 1968, khi ấy Peter mới chỉ 26 tuổi cho đến cuối đời, ông không còn được tham dự bất cứ thế vận hội quốc tế nào nữa.

Chiếc huy chương bạc ông đạt được tại Olympic năm đó là danh hiệu danh giá duy nhất trong sự nghiệp thể thao của mình.

Còn thành tích mà Peter đạt được (20,6 giây cho 200 m) vẫn là kỳ lục lớn nhất trong phần thi chạy 200m của đoàn thể thao Úc. Những năm sau đó, Peter rơi vào khủng hoảng tâm lý và nghiện rượu nặng.

Cuộc đời bi đát của người hùng trong bức ảnh gây chấn động thế giới - Ảnh 5.

Peter và chiếc huy chương bạc ông giành được năm 26 tuổi

Năm 2006, Peter Norman qua đời ở tuổi 64. Hai vận động viên Mỹ khi ấy đã trở thành bạn bè thân thiết của ông, chính là Tommie Smith và John Carlos đã được vinh dự khiêng quan tài của Peter.

Tại lễ tang, họ đã có những câu phát biểu đầy xúc động.

John ngậm ngùi "Các bạn hãy đi kể cho con cháu mình nghe câu chuyện về Peter Norman. Anh ấy là một người hùng đơn độc. Anh ấy không bao giờ quay đầu lại.

Anh ấy chọn làm con cừu hy sinh cho nhân quyền. Đất nước Úc nên kính trọng và công nhận Peter là một người hùng. Các bạn vừa mất đi một chiến sĩ vĩ đại".

Còn Tommie thì nói "Anh là người đàn ông da trắng nước Úc đứng giữa hai người da màu nước Mỹ trong giây phút vinh quang, tất cả đều nhân danh một điều - Nhân quyền."

Cuộc đời bi đát của người hùng trong bức ảnh gây chấn động thế giới - Ảnh 6.

Tommie và John khiêng quan tài của Peter trong đám tang

Cho đến khi qua đời, danh dự của Peter vẫn chưa được khôi phục, thậm chí một lời xin lỗi từ liên đoàn thể thao Olympic Úc ông vẫn không nhận được.

Mãi cho đến năm 2012, 6 năm sau ngày ông mất, quốc hội Úc mới thảo luận về hành động của Peter.

Tháng 8/2012, Peter Norman không chỉ được công nhận là vận động viên xuất sắc của nước nhà, mà quốc gia Úc còn gửi tới vị anh hùng quá cố này lời xin lỗi chân thành.

Họ thừa nhận sự dũng cảm và tôn vinh hành động dám đấu tranh cho nhân quyền của ông.

Để tưởng nhớ tới người ông quá cố, cháu trai ông, đạo diễn Matt Norman đã phát hành bộ phim tài liệu có tựa đề "Salute" năm 2008.

Bộ phim đã tái hiện chân thực câu chuyện về người hùng thầm lặng Peter Norman và khoảnh khắc lịch sử, mang tới cho khán giả cái nhìn sâu sắc về cuộc đời người hùng thầm lặng bị cả đất nước quay lưng.

Trong hai năm kể từ khi ra mắt, bộ phim liên tiếp nhận được 5 nhiều giải thưởng cho hạng mục "Bộ phim tài liệu xuất sắc nhất" tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại