Cuộc đấu pháo binh Nga – Ukraine
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với The Economist, Tướng Zaluzhny, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine đã nói về những thách thức mà quân đội nước này phải đối mặt, dẫn đến tình thế bế tắc với Nga hiện nay. Ông nhấn mạnh, nhiều vấn đề có liên quan đến pháo, đồng thời nhận đinh quân đội Nga hiện nắm giữ lợi thế chiến thuật trên chiến trường.
Nga đã đạt được lợi thế này bằng cách triển khai các công nghệ mới cho phép họ tấn công chính xác các mục tiêu của Ukraine trong khi hạn chế hiệu quả của các hệ thống pháo của Kiev. Ông cho rằng, Ukraine cần phát triển và triển khai các công nghệ tiên tiến của riêng mình để đạt được lợi thế trong xung đột.
Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành CAESAR về phía Nga. Ảnh: AFP
Pháo – loại vũ khí từng được Hoàng đế Napoleon gọi là "vua của chiến trường", vẫn là thứ vũ khí đóng vai trò quan trọng với cả quân đội Nga và Ukraine trong cuộc chiến hiện nay. Trong khi đó, bộ binh và xe bọc thép bảo vệ các đơn vị pháo binh cũng như định hình chiến trường để các hệ thống pháo có thể tấn công mục tiêu dễ dàng hơn.
Phối hợp với pháo binh là các đơn vị phản pháo, xác định nguồn gốc của loại pháo đang bay tới để các hệ thống pháo có thể nhắm trúng mục tiêu và phá hủy pháo của đối phương. Bên cạnh đó, ngày nay, các hệ thống pháo hiện đại bao gồm cả đạn chính xác có thể điều chỉnh đường bay để tấn công mục tiêu và UAV cảm tử.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã chứng kiến sự xuất hiện của các công nghệ mới và nhiều công nghệ trong số đó đã tác động trực tiếp đến các cuộc pháo kích. Tướng Zaluzhny cho rằng, một số tiến bộ công nghệ của Nga đã trở thành nguồn cơn gây nên các vấn đề cho lực lượng Ukraine. Đặc biệt, Nga đã thành công trong việc sử dụng UAV cảm tử Lancet. Loại UAV với độ chính xác cao này khó có thể phát hiện và hoạt động với đường bay khó đoán, cản trở các nỗ lực phản pháo của Ukraine. Ngoài ra, hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 của Nga đã gây nhiễu các tín hiệu GPS cần thiết cho đạn pháo Excalibur của Ukraine hoạt động.
Ukraine đã bắt đầu điều chỉnh chiến thuật pháo binh để tích hợp các công nghệ có thể đối phó với các phương tiện mà Nga sử dụng. Chẳng hạn, Kiev đã sử dụng vũ khí cảm tử lưu động để tấn công Nga, trong đó có Switchblade do Mỹ cung cấp và Warmates do Ba Lan sản xuất, cả hai đều có khả năng tương đương với UAV Lancet của Nga. Bên cạnh đó, Ukraine đã nhận được một số hệ thống tác chiến điện tử trong gói hỗ trợ nước ngoài, có thể bao gồm các thiết bị gây nhiễu nhằm làm gián đoạn hoạt động của UAV cũng như vũ khí chính xác của Nga.
Cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ của cả hai bên với việc Nga đang phát triển các biện pháp đối phó chống lại các hệ thống tác chiến điện tử và vũ khí cảm tử lưu động mà Ukraine sử dụng.
Để phá vỡ tình thế bế tắc hiện nay, theo Tướng Zaluzhny, Ukraine cần phát triển và triển khai các công nghệ mới. Ukraine đang nỗ lực cải tiến các hệ thống pháo. Giới quan sát cho rằng, Ukraine có tiềm năng lớn hơn về công nghệ thương mại so với Nga nhưng Kiev lại chỉ đạt được những thành công hạn chế trong việc biến các hệ thống thương mại thành các phương tiện quân sự, điều có thể thấy được khi các phương tiện tác chiến điện tử của Nga bắn hạ số lượng lớn UAV thương mại của Ukraine.
Dù vậy, Ukraine vẫn có cả nguồn vốn và khả năng để chuyển đổi các công nghệ thương mại thành quân sự, đặc biệt các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự phát triển đáng kể của việc ứng dụng AI – công nghệ cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp do khả năng nâng cao hiệu quả và quá trình ra quyết định của nó.
Chìa khóa phá thế bế tắc chiến trường
Trong một cuộc đấu pháo binh, AI có tiềm năng trở thành công cụ hữu ích, giảm thời gian nhắm mục tiêu trong khi khiến đạn pháo trở nên chính xác và linh hoạt hơn. Ngoài ra, việc sử dụng AI có thể tăng cường tính tự động của UAV, cho phép thực hiện các nhiệm vụ thậm chí cả khi tín hiệu kiểm soát bị gây nhiễu. Nó cũng có thể cho phép UAV và đạn chính xác ít phụ thuộc vào GPS.
Một khía cạnh quan trọng của AI trong các hệ thống pháo tương lai là thị giác máy tính, điều khiến cho máy móc có thể diễn giải và hiểu thông tin thị giác. Thị giác máy tính liên quan đến việc dạy máy tính xử lý hình ảnh và video, giúp chúng có thể nhận diện các kiểu hình, vật thể và quyết định dựa trên dữ liệu hình ảnh. Tích hợp thị giác máy tính vào pháo có thể mang đến cho các lực lượng Ukraine lợi thế đáng kể, đặc biệt nhờ các chữ Z dễ phân biệt trên các phương tiện quân sự của Nga.
Bằng cách tích hợp thị giác máy tính vào chiến lược pháo binh, quân đội Ukraine có tiềm năng vượt qua nhiều thách thức mà Tướng Zaluzhny đã vạch ra. Các UAV được đơn giản hóa. có khả năng bay mà không cần GPS và có thể tự động phát hiện các thiết bị của Nga rồi truyền hình ảnh cũng như vị trí của họ về cho trạm kiểm soát. Các lực lượng của Ukraine sau đó sẽ phóng vũ khí cảm tử lưu động - phương tiện sẽ nhận dạng mục tiêu, lao vào nó và kích nổ. Hướng tiếp cận bỏ qua sự phụ thuộc vào GPS và giảm sự liên lạc giữa người điều khiển và UAV có thể làm giảm tác động từ các thiết bị tác chiến điện tử của Nga.
Cuộc xung đột hiện nay chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang về công nghệ với việc cả hai bên đều khao khát giành lợi thế, đặc biệt trong lĩnh vực pháo binh. Điều đó đã dẫn đến tình thế bế tắc hiện nay. Nga đang có lợi thế về công nghệ tiên tiến. Để giành lợi thế, Ukraine cần cải tiến các hệ thống pháo và chiến thuật, có thể là thông qua việc sử dụng các công nghệ thương mại. Vào thời điểm đó, Ukraine sẽ tiến gần hơn một bước để phá vỡ tình thế bế tắc.