Một nhà máy điện hạt nhân hiện đại ở Pháp.
Theo kênh truyền hình France 24, công ty Orano của Pháp, vốn đã tham gia khai thác urani trong nhiều năm ở phía tây bắc của Niger, khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ quốc gia châu Phi này và vẫn đang theo sát tình hình an ninh của các mỏ khai thác, cũng như các nhân viên đang làm việc tại đó.
Một số phương tiện truyền thông đưa tin chính quyền quân sự Niger có thể đình chỉ cung cấp urani cho Pháp, nơi 70% sản lượng điện được sản xuất từ các nhà máy điện hạt nhân.
Mặc dù vậy, hiện chỉ có một trong ba mỏ urani của công ty Orano còn đang hoạt động. Một trong số những mỏ quặng trên đã bị đóng cửa vào năm 2021 do trữ lượng cạn kiệt sau khi đã sản xuất 75.000 tấn urani, trong khi giấy phép khai thác của mỏ thứ hai sắp hết hạn. "Mỏ này có thể sản xuất khoảng 1.950 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, do đã bị khai thác quá lâu, nên các vỉa quặng mới có hàm lượng urani thấp và do vậy chi phí sản xuất cao hơn", ông Emmanuel Grégoire thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp cho biết.
Trong khi đó, việc khai thác mỏ thứ ba, nằm ở thị trấn Imouraren, vẫn chưa bắt đầu. Mặc dù đây được coi là một trong những mỏ có trữ lượng lớn nhất thế giới, việc khởi động các hoạt động khai thác đã bị đình chỉ vào năm 2014 sau khi thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản khiến giá urani lao dốc và dự kiến công ty của Pháp sẽ đợi cho giá của loại khoáng sản đặc biệt quan trọng này tăng lên trước khi tiếp tục dự án.
Kênh France 24 cho biết từ năm 2005 đến năm 2020, Niger đã cung cấp cho Pháp khoảng 18% lượng urani để phục vụ cho hoạt động của 56 lò phản ứng hạt nhân. Các nhà cung cấp lớn nhất loại khoáng sản này cho Pháp là Kazakhstan và Australia, trong khi thị phần của Uzbekistan cũng tăng lên trong những năm gần đây. Tập đoàn điện lực nhà nước Électricité de France (EDF) đã áp dụng chiến lược đa dạng hóa, trong nỗ lực tránh những rủi ro như cuộc đảo chính ở Niger.
Một quan chức chính phủ Pháp giấu tên chia sẻ với tờ Politico rằng Paris "không phụ thuộc vào bất kỳ địa điểm, công ty hay quốc gia nào để đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy điện của mình", đồng thời khẳng định tình hình ở Niger không gây ra bất kỳ rủi ro nào đối với an ninh nguồn cung urani.
Theo dữ liệu từ cơ quan nguyên tử của EU (Euratom), Niger là nhà cung cấp urani lớn thứ hai cho EU với 25,38% vào năm 2022, chỉ sau Kazakhstan. Mặc dù vậy, tổ chức này cho biết họ không lo lắng về những tác động có thể xảy ra sau cuộc đảo chính ở quốc gia châu Phi này.
Niger là nhà sản xuất urani lớn thứ 7 trên thế giới, mặc dù trong những năm gần đây, nước này sản xuất ngày càng ít. Năm 2013, sản lượng tại các mỏ ở Niger đạt 4.518 tấn, trong khi năm 2019 giảm xuống còn 2.983 tấn và năm 2022 là 2.020 tấn.
"Nếu nhập khẩu từ Niger bị cắt giảm, trong ngắn hạn không có rủi ro ngay lập tức đối với sự an toàn của sản xuất điện hạt nhân", thông báo của Euratom nhấn mạnh. Ủy ban châu Âu cũng cho biết khối này có "đủ trữ lượng urani để giảm thiểu bất kỳ rủi ro ngắn hạn nào”.
Tờ Politico nhận định, tình hình hiện tại ở Niger "có thể đặt ra thách thức" đối với việc cung cấp urani cho châu Âu trong dài hạn, vào thời điểm mà Brussels cố gắng tách dần khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, cũng là một trong những nhà cung cấp urani hàng đầu thế giới.