“Cuộc đảo chính tại Niger dường như không hoàn toàn thành công và vẫn còn cơ hội hẹp để phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum và chính quyền dân sự ở quốc gia Tây Phi này”. Đó là nhận định của một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 31/7. Có lẽ chính vì vậy, lực lượng đảo chính tại Niger đang phải chịu một áp lực trừng phạt rất lớn từ quốc tế, khác nhiều so các nước khác trong khu vực từng tiến hành đảo chính trước đó.
Những người ủng hộ lực lượng phòng thủ và an ninh Niger tấn công trụ sở Đảng Dân chủ và Xã hội chủ nghĩa Niger ở Niamey, Niger. Ảnh: AFP
Phát biểu trên truyền hình Pháp, Thủ tướng Niger Ouhoumoudou Mahamadou cho biết, Tổng thống nước này - Mohamed Bazoum sẽ không từ chức sau gần 1 tuần bị lực lượng đảo chức giam giữ:
“Đây là một sự chiếm đoạt quyền lực bằng vũ lực. Nó không phải là sự từ chức tự nguyện của Tổng thống, nên không có lý do gì để nói về vấn đề từ chức này. Tổng thống Bazoum cũng đang rất phấn chấn. Bạn biết đấy, ông ấy là một chiến binh vĩ đại, ông ấy là một đoàn viên công đoàn dày dạn kinh nghiệm và là một người chính trực. Vì vậy, nếu ông ấy lạc quan về tình hình, tốt hơn bạn nên tin vào điều đó. Ông ấy thực sự hy vọng rằng mọi thứ sẽ diễn ra theo chiều hướng tốt nhất”.
Theo đại diện quân đội Niger, nhiều quan chức thuộc chính quyền bị lật đổ Niger, bao gồm Ngoại trưởng tự xưng Quyền Thủ tướng và Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Niger, đã ký các văn bản để yêu cầu sự giúp đỡ của Pháp tấn công Phủ Tổng thống đang bị lực lượng đảo chính kiểm soát để giải cứu Tổng thống Mohamed Bazoum.
Tất cả điều này cho thấy, dường như cuộc đảo chính tại Niger đã “không thành công hoàn toàn”, bất chấp việc người đứng sau cuộc đảo chính – Tướng Abdourahamane Tchiani đã tuyên bố là nguyên thủ của Niger.
Chính vì vậy, một quan chức ngoại giao Mỹ hôm qua nhận định, vẫn còn cơ hội dù hẹp để đảo ngược tình hình tại Niger và Mỹ đang cố gắng cùng Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) thực hiện điều này trong những ngày tới và tuần tới.
Trước đó, ngày 30/7, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi ra tối hậu thư cho lực lượng đảo chính Niger 1 tuần để phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum hoặc sẽ phải chịu trừng phạt và khả năng sử dụng vũ lực từ Khối các quốc gia Tây Phi. ECOWAS đã ngừng mọi giao dịch thương mại với Niger, đóng băng mọi tài sản của Niger tại các ngân hàng trong khu vực.
Cả Liên minh châu Âu, đặc biệt là Pháp đều ủng hộ phản ứng của Khối các quốc gia Tây Phi, đồng thời cũng ngừng hỗ trợ tài chính cho Niger ngay lập tức. Đức hôm qua cũng có hành động tương tự, đồng thời cảnh báo có thể thực hiện các biện pháp bổ sung. Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình trước khi có hành động cụ thể.
Trước những “áp lực” từ trong và ngoài nước, lực lượng đảo chính tại Niger đã tăng cường các vụ bắt giữ các chính trị gia cấp cao chống đối. Một loạt các quan chức cấp Bộ trưởng trong chính quyền bị lật đổ đã bị bắt giữ trong những giờ qua. Lực lượng đảo chính tại Niger cũng cảnh báo, mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình Niger sẽ bị đáp trả và hậu quả sẽ là sự hỗn loạn.
Hôm qua, Nga cũng đưa ra phản ứng quan ngại về tình hình Niger. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi rất sát tình hình ở Niger, đặc biệt là trong bối cảnh, tuần qua, chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Phi. Tất nhiên, những gì đang diễn ra ở Niger là đáng quan ngại. Chúng tôi ủng hộ pháp quyền tại Niger phải được khôi phục càng sớm càng tốt. Chúng tôi ủng hộ việc kiềm chế từ tất cả các bên để không dẫn đến những thương vong về người”.
Là một trong số ít quốc gia ủng hộ chính quyền quân sự ở Niger; Mali và Burkina Faso tuyên bố bất kỳ sự can dự quân sự từ bên ngoài nào vào Niger cũng là lời tuyên chiến chống lại 2 quốc gia này.
Cuối tuần qua, nhiều người Niger cũng xuống đường ủng hộ cuộc đảo chính, do bất mãn về sự quản lý yếu kém về an ninh và kinh tế từ chính quyền bị lật đổ. Họ cũng không ủng hộ sự can dự quá nhiều của Pháp tại quốc gia này trước đó.