Khi Steve Jobs tạo ra cuộc cách mạng cuối cùng trong cuộc đời mình là iPad , đối thủ lớn nhất của ông đã nhanh chóng nhận ra một sự thật quan trọng: Bên trong iPad có thể là chìa khóa để hồi sinh PC. Chỉ 2 năm sau, năm 2012, Microsoft vén màn những chiếc Surface đầu tiên, chính thức mở ra khái niệm "tablet lai laptop" cho người dùng.
Một cuộc chiến mới nổ ra, chứng kiến những nỗ lực vượt bậc từ cả Microsoft và Apple . Kể từ ngày ra mắt Surface RT và Surface Pro, Microsoft đến nay đã vén màn thêm nhiều ý tưởng "table lai laptop" (hoặc laptop cảm ứng) mới. Apple, từng lớn tiếng ví von Surface là "tủ lạnh lai lò vi sóng", cũng đã ra mắt iPad Pro với khẩu hiệu "tablet có thể thay thế PC làm việc".
Trong con mắt của Apple, iPad Pro là cỗ máy làm việc thay laptop.
Dĩ nhiên, ông chủ của thị trường smartphone không thể đứng ngoài. Sau những nỗ lực với Nexus tablet, năm 2015 Google đem thương hiệu Pixel của mình lên một mẫu tablet Android có tên gọi Pixel C.
3 kẻ thua cuộc
3 gã khổng lồ đứng đầu thị trường công nghệ đang hướng đến cùng 1 mục tiêu: chế tạo ra 1 loại thiết bị có thể sử dụng thay thế cho cả tablet lẫn laptop. Đáng tiếc rằng, cả 3 đều đang thất bại.
Hãy nói về Apple trước tiên. Dù Apple là công ty đầu tiên có thể biến ý tưởng tablet thành những nguồn doanh thu tỷ đô, dấu ấn của iPad Pro hiện tại vẫn rất mờ nhạt.
Apple chưa bao giờ dám công bố cụ thể số lượng iPad Pro đạt bao nhiêu triệu chiếc và cũng chưa bao giờ so sánh dòng sản phẩm này với iPad thường hay iPad Mini. Rõ rệt nhất, kể từ khi vén màn iPad Pro cho tới khi "phá giá" iPad 9.7 inch, doanh số tablet của Apple vẫn liên tục suy thoái.
Dù "thành công" nhưng doanh thu Surface vẫn quá thấp so với iPad.
Microsoft đi theo hướng ngược lại: thành công của Windows vốn là từ môi trường PC trước tiên, do đó Microsoft cố gắng "chắp" thêm tính năng tablet vào laptop để người dùng không cần mua iPad nữa. Đến giờ, ý tưởng này đang đem về cho Microsoft trên dưới 1 tỷ USD mỗi quý. Nhưng Microsoft cũng chưa bao giờ hé lộ đã bán được bao nhiêu đơn vị Surface.
Và nếu 11,55 triệu chiếc iPad bán ra trong quý vừa qua đều là iPad 9.7 inch (sản phẩm giá rẻ nhất của Táo), Apple đã dễ dàng bỏ túi gần 4 tỷ USD, tức là cao gấp 4 lần Microsoft. Không ai mua Surface để thay iPad cả.
Nhưng chí ít thì Microsoft cũng đã thúc đẩy được nhiều nhà sản xuất khác ra mắt tablet lai laptop chạy Windows. Google không thể làm được điều tương tự cho Android: rất nhiều nhà sản xuất Android chỉ tạo ra smartphone chứ không thèm động đến tablet.
Chính bản thân Google cũng đã tỏ rõ sự... hờ hững với hệ điều hành "con cưng" khi không ra mắt bất kỳ sản phẩm kế nhiệm nào cho Pixel C.
Một ý tưởng dở tệ: Tablet lai laptop chạy... Chrome OS.
Hiện tại, nỗ lực "tablet lai" của Google là Pixelbook, một sản phẩm chạy Chrome OS có giá khởi điểm 1000 USD và thậm chí còn phải chạy nhờ ứng dụng Android. Nếu kho ứng dụng Android đã không thể giúp tablet Android thành công, liệu chúng có thể giúp ích cho một cỗ máy đắt đỏ chạy một hệ điều hành... què quặt hơn Android?
Nghịch lý từ khai sinh
Nếu xét về doanh số và doanh thu của máy tính bảng nói chung, Apple là kẻ chiến thắng. Song, đó không phải là chiến thắng của iPad Pro, cũng chẳng phải là chiến thắng của máy tính bảng "biến hình".
Sức hút mạnh mẽ của iPad 9.7 inch (hay những phản hồi thiếu tích cực dành cho MacBook Pro có cảm ứng hoặc sự trở lại của start menu trên Windows 10) cho thấy, đến cuối cùng, người dùng vẫn muốn dùng những thiết bị riêng rẽ, không biến hình.
Đó hẳn nhiên phải là một nghịch lý. Laptop và tablet vốn là 2 hình thái thiết bị rất gần nhau. Một chiếc tablet gắn thêm bàn phím có thể sử dụng ở chế độ laptop lẽ ra phải bán chạy như tôm tươi, tại sao đến giờ vẫn chưa thể khởi sắc?
Là kẻ đi đầu, có lẽ Microsoft hiểu rõ nghịch lý ấy nhất. Cách đây gần 2 thập kỷ, chính Microsoft đã nỗ lực đi trước trong cuộc chiến tablet bằng cách ra mắt Tablet PC Edition cho Windows XP. Khi Microsoft hồi sinh ý tưởng "lai" trên Surface, người dùng cũng dành cho Windows 8 những lời chửi mắng thậm tệ nhất.
Và 2 thất bại này đến từ 2 thái cực đối nghịch nhau: XP Tablet PC thất bại vì cố ép người dùng máy tính bảng sử dụng giao diện chuột/phím, còn Windows 8/RT thất bại vì cố ép người dùng chuột/phím phải sử dụng giao diện máy tính bảng.
Không một lời giải
Ép người dùng cảm ứng phải sử dụng giao diện chuột/phím là cực kỳ sai lầm.
Sự mâu thuẫn kịch liệt giữa chuột/phím và cảm ứng vẫn đang tồn tại trên Windows 10. Hiện tại, các tùy chỉnh cần sử dụng nhiều nhất đều đã được Microsoft chuyển đổi sang ứng dụng Settings. Nhưng để tìm đến các tùy chỉnh sâu hơn, chi tiết hơn, người dùng lại phải sử dụng Control Panel.
Một bên là ứng dụng cảm ứng với các chi tiết to, rõ ràng. Một bên là ứng dụng desktop thuần túy với vô số dòng chữ nhỏ. Microsoft hiện tại chưa thể đồng nhất giữa 2 ứng dụng vốn thực hiện cùng một tính năng.
Sự mâu thuẫn này cũng thể hiện vì sao iPad Pro, với tất cả sức mạnh xử lý vượt trội của mình, cũng không thể trở thành một cỗ máy làm việc thực thụ: iOS hiện tại không thể sử dụng với chuột thông thường.
Cho dù Apple có thay đổi quyết định này trong tương lai, về bản chất iOS vẫn là một hệ điều hành tối ưu cho cảm ứng trước tiên, và bởi thế sử dụng cùng chuột sẽ là vô cùng bất tiện khi người dùng phải "kéo" tay qua các yếu tố đồ họa có kích cỡ lớn.
Một công ty vốn nổi tiếng là cầu toàn cũng sẽ buộc phải hỗ trợ chuột trên toàn bộ iOS, và như thế là tạo ra một khối lượng công việc khổng lồ cho các kỹ sư hệ điều hành. Hiện tại, có thể thấy Apple đang nỗ lực đẩy mạnh tính năng cho bút Pencil, song rõ ràng là một cây bút chẳng thể nào thay thế cho một con chuột với 3 nút bấm và 1 thanh cuộn.
Người dùng cần cả chuột/bàn phím lẫn cảm ứng, và 2 loại giao diện đó khó có thể dung hòa trong 1 thiết bị.
Còn Android ư? Trong khi hệ điều hành của Google có hỗ trợ chuột, phần đông các nhà phát triển ứng dụng lại chẳng thèm đoái hoài đến tablet Android. Trải nghiệm máy tính bảng Android nhìn chung chỉ là giao diện điện thoại được phóng to, số ít có giao diện tablet "thực thụ" thì lại đầy những khoảng trống xấu xí.
Tương tự, hàng triệu người dùng vẫn mua iPad thường cho dù Windows đã có cảm ứng: chẳng có ai làm ứng dụng cảm ứng "chuẩn" cho tablet Windows cả. Khi ngay cả Microsoft còn ưu tiên Office cho iPad hơn cả Office cảm ứng cho Windows, các nhà phát triển bên thứ 3 có lý do gì để ưu ái Windows 10 cảm ứng lên trên iOS?
Không kẻ chiến thắng
Theo báo cáo mới nhất của IDC, trong quý 3 vừa qua doanh số tablet "lai" đã tiếp tục sụt giảm ở mức 13,1%, cao gấp rưỡi mức suy giảm của tablet thường (7,9%). Rõ ràng, lời hứa của Microsoft, của Apple và của Google rằng tablet và laptop có thể hòa quyện làm 1 đã không thể trở thành hiện thực.
Mãi chỉ là "tiềm năng".
Bởi tính đến nay, Surface đã có 6 năm tuổi đời, iPad Pro đã có 3 thế hệ và chiếc tablet Android cuối cùng từ Google cũng đã "yên nghỉ" được hơn 1 năm. Hơn một nửa thập kỷ trải nghiệm "tablet có thể thay thế laptop", người tiêu dùng đã hiểu quá rõ ràng rằng tablet và laptop không thể dung hòa được.
2 loại thiết bị rất gần nhau ấy lại đòi hỏi 2 loại giao diện hoàn toàn khác biệt nhau; cho đến nay, cả 3 ông lớn Apple, Microsoft và Google đều chưa thể tự mình dung hòa sự khác biệt quá lớn ấy.