Với những kế hoạch này, tại Hà Nội và TP.HCM sẽ hình thành hàng loạt dự án tỷ đô. Đáng chú ý là siêu kế hoạch thành phố thông minh 37,3 tỷ USD nằm dọc trục đường Võ Nguyên Giáp nằm ở phía Bắc Hà Nội (khu vực từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài).
Thông tin này mới đây được tiết lộ trên tờ Nikkei của Nhật Bản. Kế hoạch này được cho là có sự tham gia của 20 công ty Nhật, trong đó có những tập đoàn hàng đầu như Sumitomo, Mitsubishi, công ty tàu điện ngầm Tokyo Metro,…
Trước đó, kế hoạch phát triển thành phố thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài trị giá khoảng 4,2 tỷ USD đã được ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND Tp Hà Nội, tập đoàn BRG và tập đoàn Sumitomo.
Đây là dự án được phát triển theo Đồ án quy hoạch do BRG làm chủ đầu tư trải dọc trục đường Võ Nguyên Giáp với tổng chiều dài 11,1km được chia thành 3 giai đoạn, quy mô 2080ha đất hai bên đường.
Theo tiết lộ của bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch tập đoàn BRG, giai đoạn đầu BRG và Sumitomo sẽ triển khai dự án Thành phố thông minh gần 4,2 tỷ USD trên diện tích 272ha, gồm có 5 phân đoạn đầu tư. Phân đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, quy mô khoảng 73ha. Giai đoạn này dự án được đầu tư đồng bộ về hạ tầng hiện đại, kết nối với tuyến đường sắt số 2, từ đường Trần Hưng Đạo.
Không chỉ có siêu kế hoạch phát triển đô thị thông minh ở phía Bắc Hà Nội mà đại gia Nhật còn đang toan tính tham gia đầu tư vào nhiều dự án hàng tỷ đô tại Tp.HCM.
Theo kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị của TP.HCM trong những năm tới, những dự án chỉnh trang và phát triển đô thị ven kênh rạch tại một số quận, huyện cần một nguồn vốn rất lớn, ước tính lên hàng tỷ đô la.
Điều đáng chú ý đó là các nhà đầu tư Nhật Bản như Obayashi, Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction, Hankyu, Mitsubishi Corporation, Creed Group…cũng đang đặc biệt quan tâm đến chương trình này của TP.HCM.
Thông tin này vừa được ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) tiết lộ tại hội thảo chỉnh trang và phát triển đô thị do HoREA và Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái (J-CODE) vừa tổ chức tại Tp.HCM mới đây.
Theo HoREA, hàng loạt dự án trong chương trình chỉnh trang tại TP.HCM, quy mô trên 30.000 tỷ đang trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Các dự án này nằm ở khu vực quận 8, quận 7 và quận 4. Hiện nay còn khoảng 21.850 căn nhà trên và ven kênh rạch cần di dời.
Có 3 nhóm dự án gồm: nhóm chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách (53 dự án, kinh phí hỗ trợ tái định cư khoảng 21.518 tỷ đồng), nhóm dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị (3 tuyến kênh rạch, chi phí bồi thường khoảng 2.700 tỷ đồng) và nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công ty PPP (6 dự án, kinh phí bồi thường khoảng 19.024 tỷ đồng).
Đại gia Nhật quan tâm đến lĩnh vực phát triển đô thị ven kênh rạch tại Tp.HCM
Trong đó, đáng chú ý là dự án di dời và tái định cư dọc bờ Nam Kênh Đôi (quận 8) có chi phí lên tới 12.800 tỷ đồng. Dự án này đang thu hút các nhà đầu tư quan tâm, và TP.HCM sẽ công bố dự án và mời gọi các nhà đầu tư thực hiện chỉnh trang đô thị.
Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất dọc tuyến kênh rạch để kinh doanh thu hồi vốn theo hợp đồng BT. Ở dự án này, thành phố dành khoảng 23 ha để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT.
Cũng tại hội thảo về chỉnh trang đô thị, ông Keiji Kimura, Chủ tịch J-CODE cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm đến lĩnh vực quy hoạch phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.
Trước đó, theo tờ Nikkei, việc phát triển hạ tầng đô thị tại Việt Nam là một phần của nỗ lực triển khai chính sách của Chính phủ Nhật Bản và Thủ tướng Shinzo Abe về việc thúc đẩy "đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao" ở các nước đang phát triển.