Cuộc chiến tranh kỳ quái nhất lịch sử TQ: Xuất hơn 10 vạn lính, chỉ để cướp 1 hòa thượng

Diệp Anh |

Đây được ghi nhận là một trong những cuộc chiến tranh lạ lùng bậc nhất lịch sử Trung Quốc.

Nhân tài xuất hiện trên đất nhà Đông Tấn

Những cuộc chiến từ lớn đến nhỏ, xảy ra trong lịch sử Trung Quốc trong suốt hơn 5000 năm qua nhiều vô kể và trong số này, có một cuộc chiến khá kỳ dị, bởi mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến ấy, không phải là đất đai, lãnh thổ hay tài nguyên… mà là một hòa thượng.

Nhà Đông Tấn, năm Hưng Ninh thứ 3, ( năm 365), cao tăng đã đắc đạo Thích Đạo An vì muốn tránh chiến tranh nên đã cùng hơn 400 đồ đệ từ Lục Hỗn (nay là huyện Sùng, tỉnh Hà Nam) xuôi về phương nam đến Tương Dương và xây dựng chùa Đàn Khê.

Tại ngôi chùa này, cao tăng Thích Đạo An đã dùng văn hóa nho gia để chú thích kinh phật, tạo ra bộ kinh phật đầu tiên tại Trung Quốc có tên "Tông lý chúng kinh mục lục". Song song với đó, ông giảng kinh thuyết pháp, chỉnh lí kinh điển, biên soạn mục lục, chế định tăng qui…

Ông cũng là người đầu tiên lập ra họ Thích cho những tăng ni trên toàn Trung Quốc, phát huy tinh thần tứ hải là nhà.

Nhờ những công lao to lớn đó, Thích Đạo An có thể nói là người sáng lập tông phái, được vua Đông Tấn Hiếu Vũ Đễ hết mực kính nể, được ban bổng lộc như vương công đại thần trong triều.

Cuộc chiến tranh kỳ quái nhất lịch sử TQ: Xuất hơn 10 vạn lính, chỉ để cướp 1 hòa thượng - Ảnh 1.

Tượng cao tăng Thích Đạo An tại Trung Quốc.

Khi đó, hoàng đế nhà Tiền Tần là Phù Kiên cũng đã nghe danh cao tăng Thích Đạo An và tỏ ra vô cùng buồn bã khi không có được ông dưới trướng của mình.

Phù Kiên không chỉ một lần nói với các đại thần của mình rằng: "Tương Dương có vị pháp sư Thích Đạo An, đó dường như không phải người thường mà là một thần khí! Có cách nào để khiến ông ấy về với ta?"

Tuy nhiên, chẳng ai có thể đưa ra một giải pháp tốt, có thể đáp ứng mong mỏi của hoàng đế.

Cuối cùng, Phù Kiên tự đưa ra quyết định, dùng vũ lực để cướp vị cao tăng về nước mình. Và như thế, 100.000 binh lính của Tiền Tần nhanh chóng được tổ chức công kích Tương Dương, dưới sự chỉ huy của đại tướng Phù Phi.

Xuất quân gây chiến vì ngưỡng mộ nhân tài

Đại quân xuất kích chỉ để cướp một nhân tài, so với việc giành giật, chiếm cứ một địa bàn nào đó còn hơn nhiều. Vì thế, trước khi hành quân, Phù Kiên dặn dò Phù Phi rất kỹ: 

Trận chiến lần này, trên danh nghĩa là giành các mảnh đất màu mỡ như thành Phiền, sông Miện nhưng trên thực tế, chỉ cần đưa Thích Đạo An về là được.

Phù Phi dẫn theo đại quân, hỏa tốc đến Tương Dương. Khi vượt sông Hoàng Hà, tiến sát Tân Dã, thái thú Tương Dương là Chu Tự mới biết tin Phù Phi công kích đất của mình. Khi đó, Chu Tự lập tức ý thức được việc bảo vệ sự an toàn cho cao tăng Thích Đạo An.

Một mặt, ông chuẩn bị nghênh đón địch, một mắt phái người đến chùa Đàn Khê báo với Thích Đạo An mau chóng rời Tương Dương. 

Cuộc chiến tranh kỳ quái nhất lịch sử TQ: Xuất hơn 10 vạn lính, chỉ để cướp 1 hòa thượng - Ảnh 2.

Hơn 100.000 binh sĩ được điều động từ Tần Triều sang Đông Tấn chỉ để cướp cho được một hòa thượng.

Nghe xong tin này, ông liền nghĩ ra cách mượn thời cơ này lùi để tiến, đưa các học trò của mình đến lưu vực sông Trường Giang để có thể truyền bá phật pháp ra xa hơn, rộng hơn.

Vị cao tăng đáng kính liền gọi các đệ tử của mình lại, phân thành từng nhóm và bảo họ đến từng ngôi chùa khác nhau, bản thân ông cũng chọn biện pháp rời đi. 

Tuy nhiên khi Thích Đạo An đang lên kế hoạch vượt sông Trường Giang cùng cao tăng Huệ Viễn, Chu Tự đã phái quân đến khống chế chùa Đàn Khê.

Thì ra, Chu Tự đã thám thính được mục đích thực sự của Phù Phi khi kéo quân đến Tương Dương. Thuộc hạ của Chu Tự hiến kế: "Lạt sử (ý chỉ Chu Tự) và An pháp sư có quan hệ rất tốt, quân Tiền Tần không dám hại An pháp sư, có ông ấy, quân Tiền Tần sẽ không hại lạt sử."

Nghe có lý, Chu Tự liền phái một đội quân đến chùa Đàn Khê, quyết không cho Thích Đạo An dời đi.

Đại quân của Phù Phi vượt sông ở thượng du, áp sát ngoài thành Phiền. Cảm thấy tình hình nguy cập, Chu Tự nhanh chóng áp chế Thích Đạo An đến nha môn thái thú trong thành Tương Dương.

Cũng vào thời điểm đó, có người vội vã chạy đến chùa Đàn Khê cấp báo: "Quân Tiền Tần đã ập đến, chúng sẽ lập tức đến chùa Đàn Khê cướp cao tăng Thích Đạo An."

Cao tăng Huệ Viên nghe vậy, vội vã sắp xếp hành lý rời chùa. Đến khi quân Tiền Tần kéo đến, chùa Đàn Khê đã ở trong trạng thái không một bóng người.

Trước tình huống đó, Phù Kiên nhanh chóng ý thức được việc cao tăng Thích Đạo An bị Chu Tự giấu trong nha môn thái thú trong thành Tương Dương, lập tức, ông ta cho quân vây kín thành, kín đến mức tưởng như mưa, gió cũng khó có thể lọt qua.

Về phía Chu Tự, ông cũng điều động toàn bộ binh sĩ dốc sức giữ thành đến cùng. Thậm chí, mẫu thân của Chu Tự là Hàn Thị cũng đích thân lên tường thành quan sát tình hình.

Trong lúc tuần tra, Hàn Thị phát hiện quân Tiền Tần có thể dễ dàng công phá thành từ góc Tây Bắc nên đã "cầm đầu hàng trăm phụ nữ củng cố thành ở góc đó".

Trong khi đó, Chu Tự cho quân lính gác thành suốt ngày đêm. Tuy nhiên, biện pháp này đã khiến cho binh sĩ vì mệt mỏi nên thiếu cảnh giác, tinh thần mất tập trung đi rất nhiều.

Cùng lúc ấy, trong nha môn thái thú Tương Dương lại xuất hiện nội gian. 

Theo đó, Lý Bá Hộ - một viên quan trong phủ đã nội ứng, tiếp tay cho Phù Phi vào trong, nhanh chóng phá vỡ thành Tương Dương, bắt được cao tăng Thích Đạo An, danh sĩ Tập Tạc Xỉ, Chu Tự, đại thắng rút quân về nước.

Cuộc chiến tranh kỳ quái nhất lịch sử TQ: Xuất hơn 10 vạn lính, chỉ để cướp 1 hòa thượng - Ảnh 3.

Thành Tương Dương thất thủ trước đội quân hùng mạnh của Tiền Tần. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, về việc Lý Bá Hộ phản chủ giúp Phù Phi vào hạ thành Tương Dương, Phù Kiên lại không hề cảm kích mà cho rằng đây là một người bất trung, đến Trường An liền sai người loại bỏ.

Chu Tự kiên quyết giữ thành, ngoan cường chống trả, thậm chí giết không ít quân Tiền Tần không ngờ lại được Phù Kiên đánh giá cao, cho rằng đây là một con người luôn tận tâm với nhiệm vụ, liền ủy nhiệm giữ chức thượng thư.

Riêng với Thích Đạo An, Phù Kiên chỉ có thể nói là một lòng kính nể. 

Khi Phù Phi đưa Thích Đạo An và danh sĩ Tập Tạc Xỉ đến gặp Phù Kiên, vị hoàng đế này lập tức xuống điện, tự mình nâng cao tăng dậy như cách để bày tỏ sự thất lễ của mình, đồng thời bố trí cho ông ở trong chùa Ngũ Trọng, tùy ý thu nạp môn đồ.

Không lâu sau đó, trên đất Tiền Tần, cao tăng Thích Đạo An đã thu nạp được vài nghìn đệ tử, quy nạp về cửa chùa.

Trước sự tu dưỡng cũng như học vấn uyên thâm của cao tăng Đạo An, vua Phù Kiên vô cùng kính phục. Ông ta thậm chí còn hạ chiếu thư, lệnh cho tất cả quan văn võ, nếu có việc gì không hiểu, đều phải thỉnh giáo Thích Đạo An.

Bản thân Phù Kiên mỗi lần ra ngoài du ngoạn đều mời Đạo An ngồi cùng xe. Ông ta thường nói với quần thần của mình rằng: "Ta dùng 100.000 quân công hạ thành Tương Dương, kết quả đạt được chỉ là một người rưỡi. Cao tăng Thích Đạo An tính là một người, danh sĩ Tập Tạc Xỉ tính là một nửa người."

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại