Cuộc chiến drone ở Ukraine

DUY LINH |

Cả Nga lẫn Ukraine đều đang tung vào chiến trường những chiếc máy bay không người lái (drone) đủ chủng loại, kích thước. Chưa bao giờ drone được sử dụng nhiều như thế trong một cuộc chiến thời hiện đại.

Cuộc chiến drone ở Ukraine - Ảnh 1.

Các loại drone Nga và Ukraine dùng nhiều nhất - Nguồn: Washington Post, Defense Express, AeroVironment, DJI, Baykar Tech. Dữ liệu: DUY LINH - Đồ họa: N.KH.

Mỹ đã sử dụng drone ở Iraq và Afghanistan trong các hoạt động giám sát và chống khủng bố. Những khí tài này cũng đã góp mặt trong các cuộc xung đột ở Libya, Syria, Ethiopia hay khu vực Nagorno-Karabakh khi giao tranh bùng nổ giữa Azerbaijan với Armenia năm 2020.

Tuy nhiên chưa ở đâu đạt đến quy mô như trong xung đột Nga - Ukraine hiện nay, điều mà tờ Financial Times gọi là "cuộc chiến drone" lớn nhất và rõ ràng nhất mà thế giới từng chứng kiến.

Lựa chọn rẻ tiền

Ồn ào nhưng hiệu quả, những chiếc drone cảm tử mà quân đội Nga đang sử dụng tại Ukraine đã được đặt cho biệt danh "máy cắt cỏ biết bay của thần chết". Đối với Nga, những chiếc drone này là lựa chọn rẻ tiền thay cho các tên lửa hành trình có độ chính xác cao.

Nga cũng dùng drone Orlan-10 thay cho những máy bay trinh sát hay vệ tinh do thám vốn có độ trễ về thời gian cùng độ phân giải. Loại drone này giống như con mắt của pháo binh Nga, giúp xác định tọa độ dẫn bắn và đeo bám mục tiêu nhờ khả năng hoạt động nhiều giờ liên tục.

Orlan-10 bay đủ cao để tránh hệ thống phòng không tầm thấp nhưng đủ thấp để đối phương cân nhắc sử dụng các vũ khí tầm cao đắt tiền tiêu diệt. Dù vậy nhiều chiếc Orlan-10 được cho là đã bị bắn hạ ở Ukraine và hiện chưa rõ Nga còn bao nhiêu chiếc này.

Ở chiều ngược lại, từ khoảng cách hàng ngàn cây số, các binh sĩ Ukraine đã điều khiển những chiếc drone nhắm tới các mục tiêu trên bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ năm 2014.

Theo các nguồn tin giấu tên của báo Washington Post, Kiev đã sử dụng drone để tấn công cả các mục tiêu trên đất Nga, như tại khu vực Belgorod giáp biên giới Ukraine. Quân đội Ukraine đã thành lập một đơn vị sử dụng drone trinh sát với tên gọi "Ochi", nghĩa là "Đôi mắt".

Các đội bốn người thuộc đơn vị này đang triển khai khắp mặt trận miền đông và hoạt động mỗi ngày, trừ trời mưa. Nhờ vào hệ thống Internet Starlink được tài trợ, mọi hình ảnh từ "Đôi mắt" đều được truyền tới các lữ đoàn Ukraine gần đó.

Loại drone đơn vị "Đôi mắt" sử dụng là Matrice 300, một drone thương mại chỉ nặng chưa tới 0,5kg. Tính cả chi phí cho màn hình quan sát khi điều khiển và các thiết bị thì mỗi chiếc Matrice 300 có giá khoảng 40.000 USD, khiến nó trở thành một trong những công cụ chiến tranh rẻ tiền nhất trong cuộc chiến.

Dễ lắp ghép và tìm mua

Drone rất đa dạng, từ loại nhỏ chỉ bay được vài chục cây số và thả một thiết bị nổ vài trăm gram - như drone Punisher được lực lượng đặc biệt của Ukraine ưa chuộng - cho đến loại lớn, với sải cánh dài hàng mét có thể bắn tên lửa dẫn đường như TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Số lượng drone và cách sử dụng chúng trong xung đột tại Ukraine phản ánh một sự thay đổi trong công nghiệp quốc phòng thế giới. Trước đây, những tiến bộ quân sự có xu hướng xuất hiện từ các tổ hợp công nghiệp - quân sự của các cường quốc hàng đầu như Mỹ, Nga...

Nhưng ngày nay, trong số các thiết bị quân sự tinh vi có thể có sản phẩm của các công ty khởi nghiệp tư nhân hay các quốc gia mới nổi, như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không phải là các nhà xuất khẩu vũ khí lớn trong lịch sử.

Drone sử dụng trong quân sự cũng có thể là sản phẩm tự lắp ghép từ các sản phẩm thương mại. Theo Financial Times, một chiếc drone từng trôi dạt vào Crimea hồi tháng 9 có hình dáng tương tự những chiếc sau này được dùng để tấn công hạm đội biển Đen của Nga ở Sevastopol. Chúng được trang bị động cơ trượt tuyết phản lực của Canada và một thiết bị nổ từ thời Liên Xô.

Để tránh rắc rối, Hãng DJI của Trung Quốc đã ngừng bán hàng ở Nga và Ukraine nhưng điều này cũng không ngăn được họ "dính líu" đến cuộc chiến. Một số tổ chức ủng hộ Ukraine đã tìm mua các drone thương mại rẻ tiền của DJI và chuyển cho Ukraine. Với sự khuyến khích của chính quyền, các công ty và tổ chức dân sự Ukraine cũng nhảy vào cuộc đua chế tạo drone thương mại nhưng có thể dùng cho quân sự.

Tiềm ẩn nỗi lo drone + AI

Cuộc chiến tại Ukraine cho thấy thời đại của những trận chiến xe tăng vẫn chưa kết thúc nhưng cũng là minh chứng cho sự thay đổi nhanh chóng của loại hình chiến tranh hiện nay.

Giới chuyên gia quân sự từ lâu đã cảnh báo về việc sử dụng drone với số lượng lớn để cùng tập kích vào một mục tiêu, hay còn gọi là chiến thuật "bầy drone". Tuy nhiên, sự nguy hiểm của drone không chỉ là vậy. Đáng sợ hơn khi tới một lúc nào đó những cỗ máy chiến tranh biết bay này sẽ được kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI).

Cho đến thời điểm hiện tại, viễn cảnh drone tự bay và xác định mục tiêu rồi tấn công mà không cần con người điều khiển vẫn chưa xảy ra ở Ukraine. Mặc dù thương vong của cả hai phía phần lớn vẫn do pháo binh, tên lửa, nhưng đã có những lời kêu gọi hạn chế hoặc quy định về cách sử dụng drone trong xung đột.

Theo Washington Post, số lượng các drone thương mại trong xung đột Ukraine nhiều đến nỗi các binh sĩ đôi khi không phân biệt được đó là drone của mình hay đối thủ. Và họ đã nghĩ ra một cách để phân biệt: nếu là phe ta, chiếc drone sẽ bay sượt ngang và rời đi nhưng nếu nó lơ lửng trên đầu quá lâu, các binh sĩ có lý do để nổ súng bắn hạ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại