Mùa xuân năm 2009, H1N1 bùng phát ở Mexico nhanh chóng trở thành đại dịch chỉ sau 2 tháng. Quốc gia láng giềng của Mỹ phải quay cuồng để ngăn chặn H1N1 tấn công đất nước.
Hơn 10 năm sau, Washington tiếp tục phải đối mặt với một thử thách mới khi một chủng virus tinh vi xuất hiện, với mức độ lây nhiêm nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Hồi cuối tháng 1, Mỹ ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Chưa đầy 2 tháng sau đó, số ca nhiễm lên tới 400 người, ở trên 33 bang, 21 người đã thiệt mạng.
Hàng loạt khu vực đã ban bố trình trạng khẩn cấp, trong đó có các bang đông dân như New York, California, San Francisco vì lo ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chưa chuẩn bị cho đại dịch Covid-19
Theo quyền Giám đốc Trung tâm kiểm soát và dịch bệnh Mỹ Richard Besser, cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay cho thấy, khả năng bảo vệ bản thân và gia đình của người Mỹ phần lớn phụ thuộc vào thu nhập, mức độ tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe và tình trạnh lưu trú.
Ông Besser cho rằng những thất bại của chính sách công và nhập cư khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng bất cập: các bậc phụ huynh không được trả lương nghỉ ốm, phí chăm sóc trẻ em bị bệnh ở mức cao.
Ngoài ra, ít nhất 28 triệu người Mỹ sống không có bảo hiểm và 1/3 dân số được bảo hiểm thấp. Vấn đề bảo vệ sức khỏe không được phân phối đều từ vùng này sang vùng khác, người nhập cư sống trong sợ hãi vì không có giấy tờ liên quan nếu muốn tới các cơ sở y tế.
Cuộc sống của người già và người tàn tật bị đe dọa một khi hệ thống hỗ trợ họ bị gián đoạn. Những người sống trong các nhà tù, viện dưỡng lão, các khu nhà công cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi hệ thống chăm sóc y tế của đất nước rơi vào khủng hoảng.
Lỗ hổng của một nền kinh tế với lực lượng lao động tạm thời được trả lương thấp, lịch lao động bấp bênh bị phơi bày trong cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay.
Ông Besser tin rằng nước Mỹ dường như "chưa sẵn sàng" cho đại dịch Covid-19.
Đồng quan điểm trên, Ông Gerard Anderson, Giáo sư về chính sách y tế và quản lý tại Đại học Johns Hopkin chia sẻ: "Hệ thống chăm sóc sức khỏe và bệnh viện của Mỹ không đủ khả năng tiếp nhận số lượng bệnh nhân lớn và cách ly họ".
Ngoài ra, một số chuyên gia tin rằng, một trong những nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lan rộng tại Mỹ là việc thời gian đầu giới chức tập trung theo dõi các du khách hoặc công dân Mỹ trở về từ vùng dịch, trong khi các cơ sở y tế không chuẩn bị cho bản kịch Covid-19 lan rộng.
"Nếu anh câu giờ để kiểm dịch, anh cần sử dụng thời gian đó để chuẩn bị" Jeremy Konyndyk, lãnh đạo Văn phòng hỗ trợ thiên tai nước ngoài của Mỹ cho hay.
Chuyên gia này cũng tin rằng việc ngăn chặn và kiểm soát du khách đã ngốn quá nhiều thời gian, trong khi đó không phải là nguồn lây truyền bệnh hiện nay.
Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, dịch Covid-19 có thể đã âm thầm lan rộng ở tiểu bang Washington từ giữa tháng 1/2020. Nhưng tới 7/3, Washington mới ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Thiếu hụt về trang thiết bị
Tình trạng chung của nhiều bang Mỹ hiện nay là không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19, đường dây nóng bị quá tải, bệnh viện và các cơ sở y tế công cộng gặp khó, do thiếu số liệu thống kê đáng tin cậy về mức độ lây lan của dịch bệnh.
Nhiều chuyên gia tin rằng phản ứng của chính quyền Trump đã chậm hơn vài tuần, thậm chí là cả tháng.
Hiện Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khẩu trang, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế và máy thở cho các ca bệnh nặng.
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Trump đang cân nhắc viện dẫn đạo luật sản xuất quốc phòng, để đẩy mạnh sản xuất khẩu trang và quần áo bảo hộ trong nước nhằm chống dịch Covid-19.
Theo đó, đạo luật này được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1950, trao quyền cho Tổng thống mở rộng sản xuất vật liệu hoặc sản phẩm thiết yếu vì an ninh quốc gia và các lý do khác.
Tại phiên điều trần Quốc hội cuối tháng 2, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ ( HHS) Alex Azar cho biết, Mỹ cần một kho dự trữ khoảng 300 triệu khẩu trang N95 cho nhân viên y tế, để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Ông Azar nói thêm rằng, Trung Quốc kiểm soát rất nhiều nguyên liệu thô cũng như năng lực sản xuất khẩu trang.
"Rất ít những thứ như vậy được sản xuất tại Mỹ. Vì vậy, năng lực sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn", quan chức DHS cho hay.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Washington Patty Murray khẳng định, thứ cần thiết hiện nay là máy thở cho các cơ sở y tế.
Năm 2005, các quan chức liên bang Mỹ ước tính nếu một đại dịch nghiêm trọng như Tây Ban Nha năm 1918 xảy ra, hơn 740.000 người sẽ cần máy thở. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ chỉ có sẵn 200.000 máy.
"Nếu tình huống nghiêm trọng, chúng ta sẽ không có đủ máy thở. Tôi không nghĩ, dịch Covid-19 dẫn đến mối đe dọa nghiêm trọng. Nhưng nếu kịch bản đó xảy ra, chúng ta sẽ phải đưa ra một số quyết định khó khăn", Crystal Watson, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins dự đoán.
William Jaquis, Chủ tịch Học viện Bác sĩ Cấp cứu Mỹ cho rằng, điểm yếu của hệ thống Mỹ hiện nay là nguồn ngân sách có hạn, khó có thể đương đầu với một đại dịch dai dẳng.
Tại một số vùng nông thôn ở Mỹ, các bệnh viện nhỏ thiếu các bộ dụng cụ xét nghiệm. Các phòng thí nghiêm lại nằm cách đó vài giờ chạy xe. Bệnh nhân nếu tới các bệnh viện này xét nghiệm có thể được xem như các trường hợp nhiễm cúm thông thường.
Video: Chuyên gia Covid-19 cảnh báo "không sờ miệng nhưng lại liếm ngón tay"
Còn ở bang Rhode Island, các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được xét nghiệm ngay trong bãi đỗ xe của bệnh viện, chờ các bác sỹ tới thăm khám.
Tại quận King, bang Washington, giới chức thừa nhận họ phải mua lại một nhà trọ để giữ những ngươi cần được cách ly. Nhiều khu vực khác tại Mỹ cũng lâm vào tình trạng tương tự khi số giường bệnh và các phòng cách ly áp lực âm thiếu hụt nghiêm trọng.
"Chúng tôi không biết câu chuyện về Covid-19 sẽ kết thúc thế nào. Nhưng ngay cả trước cả khi đó, chúng ta đã học được những bài học.
Mọi giải pháp dài hạn phải được cân nhắc thông qua sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe vì nếu không, chúng ta sẽ tạo tiền đề cho sự thất bại về sức khỏe cộng đồng", ông Besser nhận định.