Những phụ huynh khao khát dạy con thành "gà nòi"
Zhang Yafen, phụ huynh của một học sinh trung học vừa cho con tham gia kỳ thi TOEFL. Đây là bài kiểm tra tiếng Anh cần thiết dành cho học sinh đến từ các quốc gia không nói tiếng Anh để nộp đơn vào các trường đại học ở Châu Âu và Mỹ. Mặc dù còn vài năm nữa con gái cô mới vào đại học, Zhang cảm thấy việc thi TOEFL ở giai đoạn này đánh giá khả năng thông thạo tiếng Anh hiện tại và là “tấm vé” vào các trường trung học ưu tú ở Bắc Kinh.
Khi con gái học tiểu học, Zhang và chồng đã đặt cọc gần 100.000 nhân dân tệ (khoảng 15000 USD) học phí cho một cơ sở đào tạo tiếng Anh, đảm bảo cho con gái học gia sư 3h/buổi hàng tuần.
So với các hộ gia đình khác, Zhang cho biết cô không phải là phụ huynh quá thúc ép con mình. Tuy nhiên, ngay sau khi con gái chào đời, cô bắt đầu chuẩn bị cho việc học của con sau này. Mười năm trước, cô và chồng đã mua một ngôi nhà ở khu trường học ở quận Haidian của Bắc Kinh.
Ở các thành phố của Trung Quốc, việc chi rất nhiều tiền để mua được nhà gần các khu trường học là điều phổ biến. Việc các bậc cha mẹ dốc hết sức để cho con vào các trường ưu tú đã đẩy giá bất động sản ở các khu này lên cao ngất ngưởng. Lấy ví dụ như ngôi nhà của Zhang, kể từ năm 2011, giá đã tăng từ dưới 50.000 nhân dân tệ (gần 8000 USD) lên gần 200.000 nhân dân tệ (hơn 30000 USD) mỗi mét vuông.
Theo Zhang, những kỳ thi như vậy rất phổ biến trong các bậc phụ huynh ở Bắc Kinh. Trước đại dịch, việc đảm bảo có một suất tham gia thi là vô cùng khó khăn. Các bậc phụ huynh thậm chí còn không quản ngại ngần đưa con đến các thành phố khác như Thiên Tân và Bảo Bình để thi.
"Cuộc đua" thành tích của những đứa trẻ
Khi cuộc thi Olympic Toán học và chứng chỉ tiếng Anh trở thành tiêu chuẩn của mỗi học sinh, các bậc phụ huynh càng phải nỗ lực hơn nữa để cho con theo học các lớp tài năng toàn diện, để đảm bảo rằng con mình nổi bật hơn các bạn cùng lứa tuổi.
Tầng 6 của Trung tâm mua sắm Golden Resources ở Bắc Kinh được biết đến là “trung tâm giáo dục toàn diện lớn nhất thủ đô”, tập hợp tất cả các loại trung tâm đào tạo cho trẻ em - nhảy hiện đại, cờ vây, múa ba lê, lập trình máy tính, tiếng Anh - mọi thứ đều có sẵn.
Phụ huynh chờ con bên ngoài hành lang của các lớp học.
Mỗi cuối tuần, các hành lang lại chật kín các bậc phụ huynh xách ba lô và bế con nhỏ, hối hả vội vã đến lớp; những đứa trẻ mắt ngái ngủ lẩm bẩm tính toán trong khi đợi giờ học bắt đầu.
Liu Yu, 42 tuổi, phụ huynh của một bé gái 6 tuổi đang đợi con tan học chia sẻ rằng: “Chủ nhật hàng tuần, cả gia đình đều dành cả ngày ở đây, múa ba lê vào buổi sáng, tiếp theo là giờ học nghệ thuật và sau đó là lớp học Lego”.
Những đứa trẻ muốn vào các trường ưu tú không chỉ cần có điểm số cao nhất mà còn cần phải có một số tài năng. Sự cạnh tranh như vậy đặc biệt rõ ràng ở các trường ưu tú ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Liu, một phụ huynh khác cho biết anh muốn cho con mình tiếp xúc với những môn học khác biệt và nuôi dưỡng sở thích của con khi còn nhỏ. Anh và vợ chi gần 100.000 nhân dân tệ (hơn 15000 USD) mỗi năm cho các lớp học như vậy. Bên cạnh khiêu vũ, nghệ thuật và Lego, vào thứ sáu hàng tuần còn có lớp học cưỡi ngựa – những lớp học đắt tiền hơn như thế này là những điểm nhấn mà các bậc cha mẹ trung lưu muốn tô vẽ vào thành tích của con cái.
Nền giáo dục theo định hướng thi cử của Trung Quốc từ lâu đã bị chỉ trích, nhưng sau khi thay đổi, ngày càng nhiều tiêu chí được thêm vào và vô hình chung tạo nên cuộc đua toàn diện hơn.
Yang Liu, 18 tuổi, học tại trường trung học danh tiếng trực thuộc Đại học Renmin ở Bắc Kinh nói rằng ngoài các lớp học thì các nhóm, hoạt động và giải thưởng cạnh tranh là rất quan trọng. Hầu hết học sinh trong các trường ưu tú đều có xuất thân tốt. Ngoài cạnh tranh về điểm số và tài năng, một số phụ huynh sử dụng các mối quan hệ xã hội để tìm kiếm cơ hội thực tập cho con cái trong các công ty lớn.
“Hiệu ứng nhà hát kịch” trong ngành giáo dục
Cậu bé còn đang ngủ gật trên vai bố trên đường đến lớp học thêm tiếp theo.
Hầu hết mọi bậc cha mẹ đều cố đổ lỗi cho những người khởi đầu cuộc chạy đua. Guo Qian, một phụ huynh giải thích: “Đây là “hiệu ứng nhà hát kịch”. Nếu những người ngồi ở hàng ghế đầu của rạp hát đứng lên, thì những người ngồi ở phía sau làm sao có thể vẫn ngồi yên?”.
Con trai của Guo bắt đầu tham gia các lớp học Olympic Toán khi học lớp 3 bậc tiểu học bởi vì một bà mẹ khác đã nói trong một nhóm chat phụ huynh rằng: “Học trước và tham gia các lớp Olympic Toán, những đứa trẻ có thể dễ dàng qua trường trung học. Nếu mọi đứa trẻ khác đều học trước và Guo không làm như vậy, chẳng phải con trai tôi sẽ đứng cuối lớp khi nó học trung học sao. Đó là một vòng luẩn quẩn".
Con phố Huangzhuang ở quận Haidian là trung tâm "đầu não" của Bắc Kinh. Chỉ trong vòng bán kính vài km là các trường học ưu tú nổi tiếng nhất của Bắc Kinh như Trường trung học trực thuộc Đại học Renmin, Trường Trung học Trực thuộc Đại học Bắc Kinh và Trường Trung học Đại học Thanh Hoa. Đây cũng là chiến trường của “gà nòi”, nơi có vô số các tòa nhà sang trọng và bên trong là vô số trung tâm đào tạo.
Cứ vào cuối tuần, các con đường ở đây lại chật cứng các em học sinh đeo kính đeo cặp, len lỏi giữa nhiều trung tâm khác nhau. Vào buổi trưa, tại cửa hàng McDonald’s ở ga tàu điện ngầm, bọn trẻ sẽ tranh thủ làm bài tập hoặc nằm dài trên bàn chợp mắt trước giờ học tiếp theo.
Trong tòa nhà đối diện với Trường trung học trực thuộc Đại học Renmin, áp phích của các giáo viên nổi tiếng được dán ở khu vực lễ tân với khẩu hiệu “Không sợ áp lực” được in đậm trên nền trắng.
Trước hiện tượng này, Giáo sư Yu Hai thuộc Khoa Xã hội học của Đại học Phúc Đán nói: “Các bậc phụ huynh và toàn xã hội đang bị lôi kéo vào cuộc đua điên rồ. Có lẽ ai cũng đã biết vấn đề là gì, nhưng không ai có thể đấu tranh chống lại hiện tượng và tâm lý phổ biến ấy.”
Theo Thinkchina
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị