Cuộc bầu cử khởi động "đại tiệc chính trị" Mỹ

Thu Hằng |

Cử tri trên toàn nước Mỹ sẽ quyết định ai kiểm soát hạ viện, thượng viện, nhiều nghị viện các bang trong cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6-11. Đây cũng được xem là cuộc trưng cầu ý dân đối với năng lực lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump kể từ khi ông nắm quyền.

Câu hỏi chủ chốt là: Đảng Cộng hòa có thể giữ được sự kiểm soát đối với cả lưỡng viện? Về mặt lịch sử, các đảng của tổng thống Mỹ đương nhiệm đều mất ghế ở hạ viện trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. Hồi năm 2010, hai năm sau khi ông Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Đảng Dân chủ mất 63 ghế tại hạ viện.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy phe Dân chủ có vẻ khó chiến thắng tại thượng viện, thậm chí có thể mất thêm ghế. Ở hạ viện, Đảng Dân chủ cần phải "lật đổ" 23 ghế do phe Cộng hòa nắm giữ để giành quyền kiểm soát, từ đó mới có khả năng bó hẹp hành động của Tổng thống Trump trong nhiều vấn đề chủ chốt, như bức tường biên giới.

Một cái kết như vậy hẳn sẽ bẽ bàng với ông chủ Nhà Trắng khi ông đã dành nhiều tháng qua để đẩy cao chiến dịch tranh cử cho đảng nhà trên cả nước. Tỉ lệ ủng hộ ở mức 42% của ông Trump khiến phe Dân chủ có lý do để hy vọng.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ còn có sự trợ giúp đắc lực từ cựu Tổng thống Barack Obama với hy vọng sẽ lấy lại "những gì đã mất".

Trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận Mỹ giờ chót cho thấy hàng chục cuộc đua vào Quốc hội và ghế thống đốc các bang đang hết sức sít sao, tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống cho rằng kết quả cuộc bầu cử sẽ quyết định Mỹ trở thành một đất nước như thế nào trong 2 năm tới.

"Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu chúng ta thể tận dụng sự thịnh vượng đã gây dựng được để tiếp tục phát triển hay không?" - ông Trump nói với đám đông ủng hộ ở TP Macon, bang Georgia trong cuộc vận động hôm 4-11. Đồng thời, ông không quên vùi dập phe Dân chủ bằng cảnh báo đảng này sẽ hủy hoại nền kinh tế.

Nhà lãnh đạo Mỹ còn nhắc lại lập trường cứng rắn đối với người di cư và cáo buộc Đảng Dân chủ khuyến khích tình trạng hỗn loạn tại biên giới đất nước.

Cuộc bầu cử khởi động đại tiệc chính trị Mỹ - Ảnh 2.

...và cựu Tổng thống Barack Obama ra sức vận động cho đảng nhà Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, không nhắc tên ông Trump nhưng cựu Tổng thống Obama lên án người kế nhiệm và các chính trị gia Cộng hòa khác vì những chính sách gây chia rẽ và "những lời dối trá" lặp đi lặp lại, cũng như tìm cách dỡ bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe mang dấu ấn cá nhân ông - Obamacare.

Cựu lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích Đảng Cộng hòa vì nhận công trạng về sự hồi phục kinh tế được bắt đầu khi ông còn nắm quyền.

"Điều duy nhất ngăn cản được hành vi của phe Cộng hòa là lá phiếu của cử tri" - ông Obama nói tại sự kiện ở TP Gary, bang Indiana hôm 4-11 khi vận động cho Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đang chịu nhiều sức ép, ông Joe Donnelly.

Cuộc bỏ phiếu giữa kỳ lần này cũng đánh dấu thời điểm xuất phát cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ năm 2020. Đối với truyền thông và giới quan sát, đây là một "đại tiệc chính trị". Có điều, "bóng ma" can thiệp bầu cử từ nước ngoài đang có nguy cơ phủ xuống.

Theo một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa và tình báo nước này đang chung tay đối phó với mối đe dọa này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại