Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em nói gì về vụ học sinh bị tát?

HỮU ĐĂNG |

Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng tâm lý của cô giáo là bất thường trong vụ em N. bị phạt 231 cái tát.

Vụ việc học sinh HLN bị cô giáo chủ nhiệm (Trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) phạt bằng cách bắt các bạn học lớp 6/2 tát em đến mức phải nhập viện, Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã khởi tố vụ án hình sự về tội hành hạ người khác.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về vụ việc này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng những trẻ em liên quan chắc chắn sẽ bị tổn thương lớn về mặt tâm lý, ngành giáo dục cần phải tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường.

Theo ông Nam, vụ việc vừa qua ở Trường THCS Duy Ninh xảy ra vào thời điểm ngay gần ngày 20-11 nên càng gây phản cảm, phản giáo dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.

Thay vì phải yêu thương, giáo dục học sinh thì giáo viên này lại dùng những học sinh khác trong lớp để bạo hành chính bạn của mình, gây tổn thương lớn về tâm lý của em học sinh bị tát cũng như các học sinh là bạn cùng lớp đã tát em.

Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em nói gì về vụ học sinh bị tát? - Ảnh 1.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em.

Do đó, ngành giáo dục cần phải tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường bằng cách thực hiện nghiêm túc Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường) và Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em).

Vụ việc này không chỉ có vấn đề ở phương pháp sư phạm, đạo đức nghề giáo mà còn cho thấy tâm lý của giáo viên cũng bất thường.

Vì vậy đề nghị ngành giáo dục đẩy mạnh các biện pháp về vấn đề tâm lý trong học đường cho cả giáo viên lẫn học sinh. Xa hơn nữa là hướng tới một môi trường giáo dục lành mạnh.

Về mặt luật pháp, ông Nam cho rằng hành vi của cô T. đã xúc phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác (cụ thể ở đây là cháu N.) mới chỉ 11 tuổi, đang ở độ tuổi mới lớn, ở độ tuổi phát triển mạnh về tâm sinh lý.

Vì vậy, khi xử lý không chỉ xử lý nghiêm khắc trong ngành giáo dục mà cơ quan chức năng cần vào cuộc để xem xét, xử lý hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại