“Trong những lần truy đuổi, các chiến sĩ cảnh sát hình sự đều nhận định, nhận thức được mức độ nguy hiểm, nhưng nếu có tâm lý chùn bước thì sẽ bỏ lọt tội phạm nguy hiểm”, Cục trưởng Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an khẳng định.
Những ngày qua, mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn video ghi lại cảnh hai người mặc thường phục lái xe máy tốc độ cao, truy bắt hai "quái xế" cướp giật qua nhiều ngả đường ở trung tâm TP.HCM.
Tốc độ chạy xe chóng mặt thể hiện sự quả cảm của cánh sát hình sự song khiến nhiều người lo lắng cho sự an toàn của chính cảnh sát và người dân đi đường.
Cảnh sát hình sự chạy xe máy tốc độ cao bắt cướp được nhiều người ủng hộ bởi sự quả cảm song cũng có những ý kiến lo ngại cho tính mạng của các cảnh sát và người dân tham gia giao thông.
Được biết, hai người mặc thường phục truy bắt cướp trong đoạn video thuộc tổ hình sự đặc nhiệm - Đội cảnh sát hình sự Công an quận Phú Nhuận.
Sự việc xảy ra vào rạng sáng 9/6, tổ hình sự đặc nhiệm đang tuần tra trên đường thì phát hiện hai "quái xế" nghi vấn vừa cướp giật tài sản, đang lái xe máy tốc độ cao hướng từ quận 3 qua quận Phú Nhuận.
Tổ hình sự đặc nhiệm phóng xe máy truy đuổi qua nhiều ngả đường, có những lúc tốc độ được cho là lên tới 140-160km/h. Hai "quái xế" lạng lách, đánh võng tốc độ cao tìm cách bỏ trốn nhưng đã bị hai cảnh sát khống chế.
Trước hành động này, nhiều người dân tỏ ra cảm kích trước sự quyết tâm, dũng cảm, xả thân của hai chiến sĩ cảnh sát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo lắng cho các cảnh sát và người dân trong quá trình truy đuổi cướp.
Trao đổi với PV về vụ việc, ông Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cho biết: “Việc cảnh sát hình sự chạy quá tốc độ trong quá trình truy bắt tội phạm đã được luật cho phép.
Việc chạy quá tốc độ này tất nhiên sẽ khó tránh nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và sự an toàn của các chiến sĩ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu không truy đuổi với tốc độ cao thì tội phạm có thể sẽ trốn thoát”.
Ông Trần Ngọc Hà cũng cho biết thêm: “Trong những lần truy đuổi, các chiến sĩ cảnh sát hình sự đều nhận định, nhận thức được mức độ nguy hiểm, nhưng nếu có tâm lý chùn bước thì sẽ bỏ lọt tội phạm nguy hiểm. Chính vì vậy nên anh em đều phải luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ".
"Tội phạm thì rất manh động, nếu các chiến sĩ cảnh sát hình sự không cương quyết, ngại nguy hiểm thì sao có thể ngăn chặn tội phạm nữa", ông Trần Ngọc Hà nhấn mạnh.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ đội cảnh sát giao thông số 1, Phòng cảnh sát giao thông - Công an TP Hà Nội cho rằng:
Trường hợp đối tượng tội phạm có hành vi nghiêm trọng, như giết người xong bỏ trốn, nếu không truy bắt kịp thời đối tượng trong quá trình bỏ trốn tiếp tục gây án cho những người tiếp theo thì cần thiết phải tiêu diệt, kịp thời ngăn chặn, cảnh sát sẽ truy đuổi đến tận cùng.
Trên thực tế, có thể đặt ra hai tình huống. Thứ nhất, nếu đó là những đối tượng nằm trong chuyên án đang theo dõi, mà biện pháp của cảnh sát hình sự là phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm - tức là phải ngăn chặn ngay từ trước đó, không cho đối tượng có cơ hội ra tay, thực hiện hành vi phạm tội của họ.
Tình huống thứ hai, trong quá trình đang làm nhiệm vụ trên đường mà lực lượng cảnh sát phát hiện ra việc ấy thì truy đuổi là cần thiết.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, trong trường hợp phát hiện, theo dõi vụ việc cũng có những phương án khác.
Nếu quyết định truy đuổi cướp, trinh sát đã tính toán biện pháp cần phải đảm bảo an toàn, trước hết là an toàn cho chính những cán bộ làm việc đó và phải đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông trên đường.