Được vén màn bí ẩn nhờ Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng (LRO) của NASA từ năm 2009, khu vực cực Nam Mặt Trăng đã nhanh chóng tạo nên cơn địa chấn khi trở thành điểm đến đầy tham vọng của hàng loạt sứ mệnh vũ trụ đắt giá.
- 1 -
Cuộc chạy đua của bốn quốc gia
Là chủ sở hữu của tàu thăm do robot LRO, Mỹ cũng gây chú ý nhất với chương trình Artemis nhằm xây hẳn một căn cứ trên vùng cực Nam đầy hấp dẫn này.
Trong đó, tàu Artemis III dự kiến phóng vào năm 2027 dự kiến sẽ đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt Trăng sau hơn nửa thế kỷ kể từ ngày phi hành gia Neil Armstrong đặt dấu chân đầu tiên lên thiên thể này.
Trước đó, Artemis II mang theo một số phi hành gia sẽ thực hiện sứ mệnh "tiền trạm" vào năm 2025, bay vòng quanh Mặt Trăng nhưng không hạ cánh.
Tàu Artemis III mơ ước và 4 phi hành gia đang chuẩn bị cho sứ mệnh Artemis II trước đó - Ảnh: NASA
Tuy nhiên, một cách "gọn nhẹ" hơn, Ấn Độ đã ghi một điểm quan trọng khi trở thành quốc gia đầu tiên lên cực Nam Mặt Trăng, dẫu là dấu chân... robot. Đó chính là sứ mệnh Chandrayaan-3 của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), với tàu đổ bộ mang tên Vikram.
Trước giấc ngủ dài trên thiên thể này, Vikram đã kịp ghi nhận dấu hiệu của những cơn địa chấn Mặt Trăng gây kinh ngạc.
Tàu đổ bộ Vikram của Ấn Độ và bạn đồng hành là xe tự hành Pragyan (trên), tàu Luna-25 của Nga (dưới, bên trái) và Hằng Nga 6 của Trung Quốc - Ảnh đồ họa: ISRO/ROSCOSMOS/CNSA
Kém may mắn hơn, tàu Luna-25 của Nga, cũng phóng trong năm 2023 như tàu Ấn Độ, đã hạ cánh thất bại, đâm vào thiên thể này và hỏng hoàn toàn.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang ấp ủ kế hoạch tương tự như Mỹ, bao gồm một căn cứ Mặt Trăng. Họ sẽ bắt đầu trước bằng một tàu robot mang tên Hằng Nga 6 dự kiến phóng trong năm nay, mang theo một số gói nghiên cứu của Trung Quốc và của 4 đối tác từ Pháp - Ý - Tây Ban Nha và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
- 2 -
Suối nguồn sự sống
Có thể nói nước là một trong những lý do hấp dẫn khiến 4 quốc gia chạy đua đến vùng cực Nam bí ẩn này.
Bản đồ 3D thể hiện địa hình gồ ghề của Mặt Trăng ở khu vực cực Nam và các điểm có thể ẩn giấu băng nước của nó - Ảnh: NASA
Kể từ khi LRO đi vào quỹ đạo của Mặt Trăng, máy dò neutron của nó - LEND - đã thu thập được những bằng chứng đắt giá về khả năng tích tụ băng nước trong khu vực này.
Các nghiên cứu sau đó cho thấy sự tồn tại tiềm tàng của nước nhờ vào những hố "bóng tối vĩnh viễn" ở nơi đây, nơi bức xạ Mặt Trời không thể chạm tới.
Nước trên vũ trụ không chỉ là nguồn sống. Nó có thể được dùng để làm nhiên liệu cho tên lửa và các thiết bị khoa học, giảm được một phần lớn tải trọng cho các tàu vũ trụ chở người và tiếp tế hàng hóa lên căn cứ tương lai.
Hấp dẫn hơn, ngoài các hố bóng tối, khu vực cực Nam Mặt Trăng lại có một loạt vùng cao với thời tiết ôn đới, phù hợp cho con người hiện diện lâu dài - tất nhiên khoa học sẽ phải hỗ trợ một số điều kiện nhất định.
- 3 -
Artemis III sẽ hạ cánh ở đâu?
13 khu vực gần điểm cực Nam của Mặt Trăng đã được NASA xem xét để lựa chọn làm bãi đáp tốt nhất cho tàu vũ trụ chở người được kỳ vọng này.
Các khu vực được chọn bao gồm Faustini Rim A, Peak Near Shackleton, Connecting Ridge, Connecting Ridge Extension, hai khu vực trên vành của miệng hố va chạm Gerlache Crater, de Gerlache-Kocher Massif, Haworth, Malapert Massif, Leibnitz Beta Plateau, hai khu vực trên vành của miệng hố va chạm Nobile Crater và Amundsen Rim.
Tất cả nằm trong phạm vi vĩ độ 0-6 ở Nam bán cầu của Mặt Trăng.
Gọi các khu vực này là "vùng bị che giấu vĩnh viễn", NASA sẽ phải đối diện một loạt thử thách về mặt hậu cần khi đổ bộ, bao gồm cách thắp sáng khu vực, thiết lập giao tiếp với Trái Đất từ một địa điểm và địa hình còn ít dữ liệu.
Tuy nhiên tất cả đều đáng giá. Theo Phó Quản trị viên của Bộ phận phát triển chiến dịch Artemis tại NASA Mark Kirasich, 13 khu vực này đều giá trị lớn đối với cộng đồng khoa học.
Mặt Trăng đã từng có sự sống?
Đó là câu hỏi mà các nhà khoa học tham gia các sứ mệnh ở vùng cực Nam hấp dẫn sẽ cố tìm câu trả lời.
Sự sống của Mặt Trăng đã từng được đề cập trong một nghiên cứu gây choáng váng vào năm 2018 từ Đại học Bang Washington (WSU-Mỹ) và Univesity College London (UCL-Anh).
Họ đã dựa vào các bằng chứng mà NASA thu thập được cũng như một loạt lý thuyết ngày càng được chấp nhận rộng rãi về lịch sử Trái Đất cũng như vệ tinh duy nhất mang tên Mặt Trăng của nó - bao gồm giả thuyết hành tinh Theia đâm vào Trái Đất sơ khai và tạo ra cả 2 trong tình trạng ngày nay.
Giả thuyết đó cho rằng khi Theia và "tiền Trái Đất" đâm vào nhau, các mảnh vụn của cả hai đã hợp lại thành 2 khối là địa cầu ngày nay và vệ tinh của nó.
Điều này có nghĩa tính chất của Mặt Trăng cũng giống Trái Đất, có nước và các yếu tố phù hợp để nuôi dưỡng sự sống.
Tuy nhiên, do một loạt quá trình tiến hóa không may, ví dụ như việc mất đi từ quyển, cũng là mất đi lớp bảo vệ khỏi các bức xạ Mặt Trời có hại, sự sống trên Mặt Trăng đã bị tuyệt chủng.
Sở hữu nhiều khu vực "bị che giấu" đồng nghĩa với việc sẽ có những thứ không bị bức xạ khắc nghiệt từ ngôi sao mẹ của chúng ta phá hoại, cực Nam của Mặt Trăng có thể còn lưu giữ bằng chứng về tất cả những điều đó, chờ đợi con người khám phá.