Ngày 30-12, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hàng không dịp cao điểm Tết Ất Tỵ 2025.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, trên thế giới liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hàng không gây thiệt hại nghiêm trọng về người như tai nạn máy bay B737-800 của Hãng hàng không Jeju Air ngày 29-12-2024 làm chết 179/181 người trên máy bay tại Hàn Quốc; tai nạn máy bay E190 của Hãng hàng không Azerbaijan Airlines ngày 25-12-2024 làm chết 38/67 người trên máy bay tại Kazakhstan.
Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động hàng không dân dụng, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 khi mật độ hoạt động hàng không tăng cao, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không quán triệt đội ngũ phi công triệt để tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình khai thác tiêu chuẩn, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi và trong những tình huống phức tạp, nghiêm túc tuân thủ các quy định tại các Chỉ thị an toàn của Cục Hàng không, kịp thời liên lạc với cơ sở điều hành bay khi cần hỗ trợ nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Lập kế hoạch bay, đường bay đảm bảo tránh hoàn toàn các khu vực không phận có rủi ro về xung đột vũ trang, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành trình bay; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi đối với an toàn của chuyến bay.
Tăng cường nội dung huấn luyện trong buồng lái mô phỏng (Simulator) về các tình huống hạ cánh trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, diễn biến bất ngờ, đặc biệt cất, hạ cánh trong điều kiện thời tiết có gió đứt, gió giật, gió cạnh xuất hiện đột ngột. Trọng tâm thao tác chống gió cạnh, giữ và tiếp đất đúng tâm đường cất hạ cánh và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng bay lại vòng hai khi điều kiện thời tiết bất lợi.
Hãng hàng không tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phân tích tham số liệu bay, thực hiện đầy đủ việc phân tích, xác định nguyên nhân, các biện pháp khắc phục, phòng ngừa đối với các sự kiện có nguy cơ uy hiếp cao đối với an toàn bay, báo cáo đầy đủ kịp thời về cục.
Đơn vị này được giao phân tích, đánh giá nguyên nhân các sự kiện liên quan tới tiếp cận không ổn định; đưa ra biện pháp khắc phục phòng ngừa để giảm tỉ lệ tiếp cận không ổn định đáp ứng mục tiêu của Bộ chỉ số an toàn hàng không; tổ chức bình giảng, huấn luyện đảm bảo phi công có đủ kiến thức, kỹ năng để nhận dạng, phòng tránh và xử lý trong trường hợp tiếp cập không ổn định, đảm bảo chuyến bay thực hiện an toàn.
Tổ chức bảo dưỡng máy bay quán triệt đội ngũ nhân viên kỹ thuật triệt để tuân thủ quy trình và tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, các quy định an toàn khi thực hiện nhiệm vụ trong khu vực sân bay, đặc biệt công tác kiểm tra kỹ thuật trước khi ký đưa máy bay/thiết bị máy bay vào khai thác.
Hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng triệt để tuân thủ quy định, hướng dẫn của nhà sản xuất trong công tác bảo dưỡng máy bay; đảm bảo nguyên tắc chỉ được phép thực hiện chuyến bay khi máy bay đáp ứng tiêu chuẩn đủ điều kiện bay.
Hai đơn vị này cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ để phát hiện kịp thời các thiếu sót, sai lỗi của hệ thống từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả; thực hiện và triển khai hiệu quả Chương trình quản lý an toàn, tuân thủ quy định về báo cáo bắt buộc, khuyến khích báo cáo tự nguyện và tự báo cáo vi phạm, nâng cao văn hoá an toàn, đảm bảo các sự vụ được điều tra phân tích nguyên nhân và có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
Đối với hãng hàng không nước ngoài, đảm bảo phi công thực hiện đầy đủ công tác chuẩn bị chuyến bay, nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin khí tượng, nghiên cứu kỹ các sân bay, đường bay và phương thức bay khai thác tại Việt Nam; tuân thủ chặt chẽ, đầy đủ các huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu theo quy định; đảm bảo đội ngũ nhân viên kỹ thuật của hãng hàng không, của các nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng triệt để tuân thủ quy trình và tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, các quy định an toàn khi thực hiện nhiệm vụ đối với các chuyến bay đi/đến Việt Nam.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) quán triệt đội ngũ kiểm soát viên không lưu nghiêm túc tuân thủ các quy định, quy trình tiêu chuẩn trong công tác điều hành bay; nắm bắt, cập nhật thông tin khí tượng; tăng cường quan sát giám sát tình hình không lưu, hoạch định phương án điều hành bay, kịp thời phát hiện các tình huống tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay để khuyến cáo và có biện pháp xử lý, trợ giúp tổ lái hiệu quả.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng cường công tác giám sát hoạt động của các phương tiện trên khu bay, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quy định an toàn; giám sát và cung cấp kịp thời thông tin tình trạng đường cất, hạ cánh có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động cất, hạ cánh của máy bay cho cơ sở không lưu liên quan.
ACV được giao tăng cường công tác kiểm tra, thu nhặt vật ngoại lai, xua đuổi chim hoạt động tại khu vực sân bay, kiểm soát chặt chẽ không để động vật nuôi xâm nhập khu bay; phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi chiếu tia laser, sử dụng trái phép flycam, drone, thả diều xung quanh khu vực sân bay các quy trình phối hợp khẩn nguy, lực lượng ứng phó khẩn nguy và trang thiết bị phục vụ công tác khẩn nguy luôn luôn ở trạng thái sẵn sàng kích hoạt ở mức cao nhất để đáp ứng mọi tình huống khẩn nguy trong khu vực sân bay.
Các Phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Quản lý hoạt động bay, Quản lý cảng hàng không sân bay phối hợp với các Cảng vụ miền Bắc, miền Trung và miền Nam để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giai đoạn trước và sau Tết Ất Tỵ 2025 các quy định liên quan đến công tác bảo dưỡng, khai thác máy bay; quản lý điều hành hoạt động bay; điều hành, điều phối tại các sân bay; các trang thiết bị, phương tiện khẩn nguy và các phương án khẩn nguy; luôn luôn được tuân thủ ở mức cao nhất.