Cục Hàng không hồi sinh đề xuất “dự án nghìn tỉ đuổi chim”

Khánh Hòa |

Gần 4 tháng sau khi Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra đề xuất gây xôn xao dư luận về dự án nghìn tỉ đuổi chim tại sân bay, Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức có văn bản xin triển khai dự án này.

Thay đổi lớn nhất trong đề xuất về dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường hạ cất cánh (FOD) vốn được nhắc đến nhiều với cái tên không chính thức “dự án đuổi chim” nằm ở đơn vị đề xuất khi Cục Hàng không thay ACV xin chủ trương. Bên cạnh đó, tổng đầu tư tổng mức đầu tư giảm nhẹ và thời gian hoàn vốn dự kiến tăng thêm.

Cục đề xuất triển khai tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất (hai sân bay đang phục vụ 67% lượng khách và 65% sản lượng hạ cất cánh toàn mạng) với mức đầu tư dự kiến gần 1.000 tỉ đồng.

Các hệ thống dự kiến áp dụng tiêu chuẩn AC No: 150/5220 -24 do Cục Hàng không Liên bang Mỹ ban hành với mục tiêu là giúp các chủ sân bay tự động hóa việc phát hiện các vật thể lạ; hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập…

Theo Cục Hàng không, đây là hệ thống rất cần thiết để đảm bảo an toàn bay và chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2016, tại các cảng hàng không Việt Nam, đã xảy ra 19 sự cố tàu bay bị cắt lốp; 20 sự cố chim va chạm vào tàu bay.

Tổng mức đầu tư hệ thống FOD tại Nội Bài dự kiến là 486,2 tỉ đồng và FOD tại Tân Sơn Nhất là 509,7 tỉ đồng nhưng những con số này mới dừng ở việc khái toán do đây là hệ thống công nghệ mới, lần đầu áp dụng tại Việt Nam, lại được lập trên cơ sở tham khảo báo giá của nhà cung cấp.

Cũng trong văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất hai phương án đầu tư khả thi cho hai hệ thống FOD với trị giá tổng cộng 996 tỷ đồng trong đó ở phương án đầu tư thứ nhất, ACV được kiến nghị làm chủ đầu tư dự án, quản lý, khai thác, bảo trì công trình trên cơ sở nguồn vốn chủ sở hữu, lợi nhuận từ dịch vụ hạ cất cánh hàng năm.

Trong trường hợp phương án 1 không thể triển khai do ACV không huy động được vốn, việc xã hội hóa đầu tư hệ thống FOD theo hình thức PPP sẽ được tính đến. Theo đó, nhà đầu tư tiến hành cung cấp, lắp đặt hệ thống thiết bị FOD và giao lại cho người khai thác cảng hàng không quản lý, khai thác.

Chủ cảng sẽ thanh toán cho nhà đầu tư dựa trên khoản kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất hạ cánh hàng năm tại 2 sân bay. Mức kinh phí thanh toán hàng năm dựa trên ba thông số đầu vào là tổng mức đầu tư ban đầu, lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư (11%/năm), thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu 10 năm).

Công nghệ áp dụng tại hai hệ thống do Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tương tự với đề xuất của ACV hồi cuối tháng 7.2016 nhưng tổng mức đầu tư giảm nhẹ và thời gian hoàn vốn dự kiến dài hơn

Dự kiến, nếu được Bộ GTVT đồng ý, nhà đầu tư sẽ có 7 tháng (từ tháng 11/2016 - 6/2017) để chuẩn bị đầu tư. Việc triển khai thi công sẽ thực hiện từ tháng 7 đến tháng 12/2017 và bắt đầu khai thác từ năm 2018.

Trước đó, đề xuất của ACV có tổng mức đầu tự dự kiến 1.162 tỉ đồng với thời gian hoàn vốn 6 năm 6 tháng và ACV đề xuất sẽ thu phí 35 USD đối với các chuyến bay quốc tế và 17 USD đối với các chuyến bay nội địa trên toàn bộ Cảng hàng không ACV đang khai thác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại