"Không giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước" có thể gây hậu quả nghiêm trọng
Sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Hải Dương) làm 2 người tử vong và 9 người bị thương, Cục CSGT đã phối hợp với công an các địa phương giải quyết, điều tra theo quy định.
Nguyên nhân ban đầu do xe bán tải đi chậm ở làn tốc độ cao nhất trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để tránh chướng ngại vật khiến xe 16 chỗ va chạm vào phía sau. Khi 3 người trên hai phương tiện đứng tranh luận trên cao tốc thì bất ngờ xe ô tô 7 chỗ từ phía sau đâm vào xe 16 chỗ gây hậu quả nghiêm trọng.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, mặt cắt ngang bình quân 100 m, mặt đường rộng từ 32,5 đến 35 m với sáu làn xe chạy theo tốc độ thiết kế tối đa lên tới 120 km/h, hai làn dừng xe khẩn cấp, dải phân cách cứng ở giữa. Cao tốc yêu cầu các xe giữ khoảng cách an toàn tối thiểu từ 50-100m bằng hệ thống biển báo.
Theo Cục CSGT, vụ tai nạn là hồi chuông cảnh báo việc "không giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước" có thể gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa an toàn giao thông, đe dọa tính mạng con người.
Luật quy định thế nào về việc "giữ khoảng cách an toàn"?
Cục CSGT cho biết, việc “không giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước” là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), nhất là các vụ tai nạn liên hoàn.
Việc giữ khoảng cách an toàn là một trong những quy tắc giao thông được quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, tại Điều 12 quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe có quy định: “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo”.
Khi tham gia giao thông trên đường, việc giữ khoảng cách là một trong những điều hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân tài xế và những người xung quanh. Việc đảm bảo chạy xe đúng tốc độ và giữ khoảng cách an toàn sẽ giúp tài xế có thời gian nhận biết, phán đoán để kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ như: xe chạy phía trước phanh gấp, gặp sự cố hư hỏng phải dừng đột ngột, chuyển hướng bất ngờ hay gặp TNGT,…
Việc chạy nối đuôi nhau “núp gió”, giành đường, len lỏi qua các phương tiện dẫn đến một khi xảy ra tình huống bất ngờ phía trước, tài xế không có đủ thời gian nhận biết, phán đoán và đưa ra các quyết định phù hợp để né tránh các sự cố đáng tiếc; đồng thời việc không giữ khoảng cách an toàn cũng làm cho tài xế không đủ quãng đường để thực hiện việc phanh (thắng) và dừng xe an toàn.
Do đó tai nạn xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Trên thực tế, khi tham gia giao thông có rất nhiều tài xế vẫn còn chủ quan và không lường trước được những hiểm nguy do hành vi không giữ khoảng cách an toàn gây ra như các vụ tai nạn liên hoàn, các vụ TNGT do đâm va với các phương tiện phía trước chuyển hướng đột ngột, gặp sự số vẫn còn xảy ra trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến huyết mạch như tuyến Quốc lộ, Cao tốc,…
Ngày 29/8/2019, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số: 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Do đó, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ theo các quy định của Thông tư này.
Cụ thể:
Để ngăn ngừa tai nạn, ngoài việc tuân thủ các quy định “cự ly tối thiểu giữa hai xe”, người điều khiển phương tiện cần căn cứ vào tình hình mật độ phương tiện, điều kiện giao thông thực tế mà điều chỉnh khoảng cách an toàn phù hợp.
Người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện cần phải nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ, các quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông trên đường bộ để đảm bảo an toàn, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Ngày 11/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện 66/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Hải Dương.
Trong đó có nội dung: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông và Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát đối với xe ô tô tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là các vi phạm về phần đường, làn đường, tránh, vượt trái quy định; cùng với đơn vị quản lý đường cao tốc có biện pháp giải quyết kịp thời đối với các trường hợp dừng xe trên đường cao tốc, kể cả dừng xe do sự cố của phương tiện để phòng tránh các các vụ tai nạn tương tự.