Chúng ta đã không ít lần nhắc tới điều này: Thế giới tự nhiên là nơi bạn không thể nhìn mặt mà bắt hình dong được.
Bởi lẽ, có những thứ dù trông hết sức vô hại, nhưng thực chất lại cực kỳ đáng sợ, giống như "cục bông" trong bức ảnh dưới đây.
Tin tôi đi! Dù trông nó dễ thương đến mức nào, đừng bao giờ nghĩ đến việc chạm vào nó.
Bởi lẽ, đây thực chất là một trong những loài sâu chứa độc tố mạnh bậc nhất nước Mỹ, có tên "sâu bướm lông xù", và hiện đã có báo cáo về sự hoành hành của chúng ở một số tiểu bang của Mỹ, như bang Virginia.
"Cách ly xã hội với lũ sâu này ngay," - Bộ Lâm nghiệp Virginia (VDOF) vừa đăng tải thông điệp này trên mạng xã hội trong tuần qua.
Được biết dù có vẻ ngoài dễ thương, nhưng đằng sau lớp lông nhìn ấm áp ấy lại ẩn giấu những chiếc gai chứa độc tố. Trong quá trình sinh trưởng - trước thời điểm bọc kén hóa bướm, độc tố sẽ ngày càng mạnh hơn.
Cơ thể người khi chạm phải sẽ bị sưng tấy đỏ, đi kèm theo các triệu chứng như đau đầu, sốt cao, nôn mửa, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh.
Một số ít trường hợp còn cảm thấy đau đớn tột cùng - theo như báo cáo được đăng tải trên tạp chí khoa học Tropical Medicine and Hygiene hồi năm 2005.
Nguy hiểm hơn, một người có thể bị đốt nhiều vết nếu lũ sâu rơi từ trên cây xuống và chui vào trong quần áo, đặc biệt là cổ áo sơ-mi.
Các gai độc sau khi châm vào người sẽ ở nguyên vị trí đó. Vậy nên nếu không may bị châm, hãy xử lý bằng cách lấy một miếng băng keo, dán vào vết thương rồi bóc ra để loại bỏ gai độc, tránh gây biến chứng nặng hơn.
Nọc độc cực mạnh, có thể khiến bạn nhập viện trong đau đớn
Năm 2018, tiểu bang Texas đã ghi nhận trường hợp tai nạn vì sâu bướm nghiêm trọng. Khi đó, một con sâu lông xù đã rơi xuống cô bé Adrie Chambers (5 tuổi) đang chơi trong sân nhà trẻ.
Cánh tay của Chambers nhanh chóng tê cứng kèm đau đớn, buộc phải nhập viện để truyền steroid cho đến khi phục hồi.
Một thiếu niên khác tại Florida cũng bị đốt vào năm 2018 và phải nhập viện ngay sau đó. Hay tháng 5/2017, một người phụ nữ cho biết bà nghe thấy "tiếng hét kinh hoàng nhất" sau khi cậu con trai 5 tuổi giẫm trúng một con sâu.
Theo Khoa Côn trùng học của ĐH Florida (Mỹ), loài sâu này được tìm thấy ở các tiểu bang phía Đông Hoa Kỳ, nhưng có thể phát triển sang phía Tây, về các bang như Arkansas hoặc Texas.
Thậm chí đôi lúc lũ sâu bướm này phát triển mạnh quá mức ở phía Tây và khiến các trường học phải đóng cửa, như tại Texas năm 1923 và 1951.
Đây là hình dáng của loài bướm sau khi đã rời kén thành công
Loài sâu này ăn lá sồi và lá cây du, nhưng vẫn sống được nhờ cây cối gần khu dân cư.