Cửa hàng súng nhộn nhịp sau mỗi vụ thảm sát, và câu hỏi hàng thế kỷ không lời giải tại Mỹ

Hiệu Minh |

Hồi làm bên Mỹ, tôi quen một cô đồng nghiệp hay đi chơi pub cuối tuần và mang theo súng lục phòng khi bị tấn công tình dục.

Một anh bạn biết chuyện tỏ vẻ không vừa lòng và bảo, nghịch súng có ngày toi, nước Mỹ phải cấm súng. Hai bạn này mà bàn về vũ khí thế nào cũng cãi nhau.

Vụ xả súng ở Las Vegas xảy ra như thế nào?

Xả súng hàng loạt vụ sau kinh hoàng hơn vụ trước

Vụ nổ súng kinh hoàng ở Las Vegas tối 1/10 (giờ địa phương) làm số người thiệt mạng đến lúc này ít nhất là 59 người, 527 người khác bị thương. Truyền thông Mỹ nói đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ.

Vào năm 2007, truyền thông Mỹ coi thảm sát tại đại học Virginia Tech vào sáng sớm ngày 16/4 cũng là đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sát thủ người Hàn Quốc Seung Hin Cho, sinh viên 23 tuổi, tàn sát 32 người rồi quay súng tự sát! Seung bị bệnh tâm thần, mê phim bạo lực và muốn trở thành người nổi tiếng.

Khoảng 16 tháng trước, Omar Mateen giết 49 người tại câu lạc bộ ở Orlando sau khi gia nhập nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Truyền thông coi đây là vụ giết người khủng khiếp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

5 năm sau, vào tháng 12/2012, trước lễ Noel 10 ngày, vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook đã giết 20 trẻ em, 6 người lớn và tay súng chết trong vụ tấn công bằng súng tại trường tiểu học ở Newtown, tiểu bang Connecticut. Các nạn nhân phần lớn trong độ tuổi từ 5 đến 10 tuổi.

Tay súng, được nhận dạng là Adam Lanza, 20 tuổi, mặc đồ đen, tay cầm hai khẩu súng ngắn gây án trong trường học vào khoảng 9h30 sáng, tại hai phòng trong một khu vực của trường.

Lanza bắn mẹ tại nhà trước và đi xe tới trường với 4 khẩu súng trong xe. Bắt đầu bắn giết ở khu vực nhà trẻ mẫu giáo, nơi mẹ của Lanza là giáo viên của trường.

Có rất ít tin tức về người bị thương. Một khi đã vào tầm ngắm, nạn nhân không có cơ hội thoát thân, và tay súng này bắn chính xác một cách bất thường. Vụ này cũng được truyền thông Mỹ coi là thảm sát đẫm máu nhất trong trường học nhắm vào trẻ em.

Cửa hàng súng nhộn nhịp sau mỗi vụ thảm sát, và câu hỏi hàng thế kỷ không lời giải tại Mỹ - Ảnh 2.

Một người đàn ông ngồi xe lăn được sơ tán khỏi hiện trường vụ xả súng ở Las Vegas tối 1/10 (Ảnh: Getty Images)

Hầu hết những kẻ này đều bị tâm thần. Nhưng có vụ giết người cho vui. Tháng 8/2013, chàng trai trẻ Christopher Lane người Australia, 22 tuổi, sang Mỹ tham gia chơi bóng rổ ở Duncan, bang Oklahoma. Anh đang chạy trên phố thì bị mấy cậu choai choai tuổi từ 15 đến 17, vô công rồi nghề, bắn chết.

Chúng nhằm vào lưng nạn nhân nổ mấy phát liền. Anh gục xuống, nhóm thủ phạm lên xe hơi đi mất. Camera an ninh khu vực đã tìm ra số xe nên sau vài tiếng mấy kẻ phạm tội vị thành niên đã bị bắt.

Được hỏi lý do giết người, chúng thản nhiên trả lời, thấy có người chạy, đòm đòm cho vui. Vì hôm đó chúng bàn nhau, phải giết ai mới yên chuyện. Chàng trai người Australia là nạn nhân ngẫu nhiên. Sự kiện gây chấn động giữa hai quốc gia ở hai bên bán cầu.

Dân Mỹ và súng cá nhân

Giết bằng súng là thảm họa và nhiều người chết cùng lúc do chính sách dùng súng của Mỹ. Đây là câu hỏi không dễ trả lời của các nhà lập pháp Hoa Kỳ trước dư luận đòi hỏi phải kiểm soát vũ khí những vẫn giữ được giá trị Mỹ, đó là quyền tự vệ chính đáng.

Mỗi lần như vậy, truyền thông lại tự hỏi, tại sao các vụ xả súng giết người hàng loạt có xu hướng nhiều nạn nhân hơn, vụ sau hơn vụ trước và kỷ lục như ở Las Vegas thế nào cũng bị phá.

Dân số Mỹ là 320 triệu nhưng số súng tính theo đầu người cao nhất thế giới, cứ 100 người có khoảng 90 khẩu súng. Hàng năm khoảng 38.000 người chết do súng đạn, 2/3 số đó do tự tử, do bắn nhau, do lỡ tay, do cướp cò, hoặc giấu hớ hênh rồi trẻ em tìm được đem ra đùa nhắm vào bạn và bóp cò. Giết hàng loạt và có kế hoạch như ở Las Vegas thì thực sự không nhiều.

Có vài nghiên cứu nói rằng, truyền thông đưa tin bội thực về các sự kiện, đôi khi đã giúp cho những kẻ điên rồ tìm nguồn cảm hứng khi lên kế hoạch giết người hàng loạt.

Cửa hàng súng nhộn nhịp sau mỗi vụ thảm sát, và câu hỏi hàng thế kỷ không lời giải tại Mỹ - Ảnh 3.

Cụ bà Barbara và các tài liệu biểu tình trước Nhà Trắng (Ảnh: HM)

Hạn chế hay cấm súng?

Gần Nhà Trắng thường xuyên có biểu tình chống dùng súng hoặc kêu gọi hạn chế, nhất là sau các vụ giết trẻ thơ hàng loạt như ở Sandy Hook. Nhớ lần đó chiều tối, trời khá lạnh, nhưng người đông nghịt do sốc. Hàng ngàn người đứng im lặng, thắp nến, tỏ lòng thương xót các em bị giết hại ngay trước lễ Noel.

Cuối tuần đó tôi ra Nhà Trắng thấy có mấy cụ già U80 biểu tình chống vũ khí cá nhân ngồi cạnh đường. Thấy lạ, tôi tò mò hỏi. Một cụ ngồi có tên là Barbara kể về biểu tình chống vũ khí.

Họ không phải phản đối vũ khí cá nhân, hay đòi bỏ hẳn luật bởi Hiến pháp Mỹ cho phép dân sở hữu súng và có thể bắn chết kẻ tấn công nếu tính mạng mình bị đe dọa. Các cụ để một dãy các tờ dài như sớ in tất cả các vụ xả súng tại Mỹ.

Bà Barbara kể, thứ Hai hàng tuần, từ 10 giờ đến 12 giờ, bốn cụ thay nhau ra biểu tình ngồi, đứng và đi lại với các biển mang tính cảnh báo về dùng vũ khí.

Các cụ bảo, súng ở Mỹ cũng như cái xe hơi, phải biết dùng, chứ không thể cấm. Ai biết dùng xe hơi thì không gây ra tai nạn và tham gia giao thông thì phải thạo luật. Cấp bằng cũng phải qua kiểm tra, kể cả tư cách cá nhân.

Các cụ tâm sự súng để trong nhà là nguồn gốc của chết chóc. Tai họa do bất cẩn của cha mẹ, hoặc vợ chồng tức nhau, lấy vũ khí ra xử rồi tự tử. Giấu súng để bọn trẻ lấy được và ra đường thử chơi. Có nhà mua từ chủ trước, khi sửa nhà mới tá hỏa thấy mấy khẩu tiểu liên để trên trần nhà được che sơ sài, nhà qua mấy đời chủ, biết tìm ai.

Mỗi lần có xả súng hàng loạt, truyền thông và mạng xã hội rồi Quốc hội tràn ngập lời kêu gọi kiểm soát súng.

Người chống sử dụng súng cũng đông, nhưng người ủng hộ không ít, cả mấy thế kỷ tranh cãi không xong. An toàn cá nhân phải để lên hàng đầu "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc". Một khi hạnh phúc bị lâm nguy thì có quyền khử đối phương trước khi mình bị bắn.

Tranh cãi không có hồi kết

Cửa hàng súng nhộn nhịp sau mỗi vụ thảm sát, và câu hỏi hàng thế kỷ không lời giải tại Mỹ - Ảnh 4.

Trước khi rời Nhà Trắng, tổng thống Barack Obama đã ký sắc lệnh nhằm giảm tội ác do súng như ở Sandy Hook. Theo đó, người bán súng phải kiểm tra tiền sử người mua. Nhưng tổng thống Donald Trump vừa vào ngồi ghế đã xóa luôn sắc lệnh trên cùng nhiều sắc lệnh và điều luật thời Obama.

Ở tầm tổng thống mà khác biệt như thế thì nói chi dân thường. Hai người đồng nghiệp như mặt trăng mặt trời về vũ khí là chuyện đương nhiên.

Có một điều chắc chắn, sau mỗi vụ xả súng kinh hoàng thì các cửa hàng bán vũ khí lại nhộn nhịp. Tự cứu mình trước khi trời cứu thì cách của người Mỹ là có khẩu súng giắt lưng.

Để rồi một hôm nào đó thế giới lại biết đến một vụ xả súng khác "đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ" vượt xa vụ Las Vegas, bởi Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép tự vệ chính đáng.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại