Các bậc cha mẹ luôn có những cách khác nhau để thể hiện tình yêu dành cho con cái của mình. Có người thì tâm niệm "yêu cho roi cho vọt", nhưng cũng có nhiều người thì cho rằng yêu con là chiều chuộng và đáp ứng con mọi điều.
Cho dù ở khía cạnh nào thì tình yêu ấy vẫn không thay đổi, có khác chăng là những tác động từ cách thể hiện tình yêu thương ấy mang lại như thế nào cho trẻ mà thôi.
Tình yêu dành cho con được người mẹ thể hiện ở nhiều góc độ (Ảnh minh họa).
Chuyên gia đã liệt kê ra 8 hành động yêu chiều con nhưng lại phản tác dụng như sau:
1. Chiều chuộng, đáp ứng mọi yêu cầu của con
Nhiều mẹ tỏ ra nuông chiều con thái quá, đáp ứng bất cứ yêu cầu và đòi hỏi của con. Tình trạng này dễ dẫn đến sự ích kỉ và bướng bỉnh mỗi khi trẻ không còn được mẹ đáp ứng nữa. Để giải quyết, mẹ cần thiết lập giới hạn, quy tắc và trẻ phải tuân theo một cách nghiêm túc. Sự yêu chiều không đồng nghĩa với đáp ứng mọi đòi hỏi mà cần có ranh giới và điểm dừng.
2. Cho con quá nhiều tiền
Mẹ không nên cho con nhiều tiền vượt quá mức cần thiết. Một số bậc cha mẹ cảm thấy có lỗi vì không thể dành nhiều thời gian cho con do quá bận, bởi vậy họ cố gắng làm con vui bằng cách cho con thêm tiền tiêu vặt.
Tuy nhiên, hành động này có thể khiến trẻ vượt quyền và tỏ ra lấn lướt. Mẹ chỉ cần cho con đủ số tiền mỗi ngày con thực sự cần, có thể cho thêm 1 chút để khích lệ con nhưng không phải thường xuyên. Hãy để bé được thực hành thói quen tiết kiệm thay vì chi tiêu hoang phí.
3. Mua đồ hàng hiệu cho con
Ảnh minh họa
Khi thấy bạn của con có chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất, hoặc chiếc áo hàng hiệu chạy theo mốt mới, nhiều mẹ vì không muốn con buồn và lạc lõng nên đã tham gia vào cuộc đua hàng hiệu và sắm thật nhiều đồ thời thượng, đắt tiền cho con. Những thứ vật chất xa xỉ sẽ tạo cảm giác thụ hưởng cho trẻ, khi lớn lên, trẻ sẽ khó lòng chấp nhận những thứ có tiêu chuẩn thấp hơn.
Trẻ không thể hiểu hết được giá trị thực của đồng tiền hay là học cách quản lý tiền, đồ dùng sao cho thật tốt. Mẹ cần chú ý mà không nên mua sắm cho trẻ theo cách như vậy. Trẻ cần được yêu thương và đáp ứng nhu cầu theo cách tích cực nhất. Hãy dành những món đồ đắt tiền, giá trị vào những dịp quan trọng và giải thích giá trị của món đồ cho trẻ hiểu.
4. Tặng quà thật nhiều
Liên tục tặng quà cho trẻ bằng những món đồ xa xỉ mỗi khi trẻ làm tốt việc gì đó, về lâu dài chỉ khiến trẻ trở thành người thiên về vật chất mà thôi, trẻ sẽ bắt đầu mong đợi một món quà mỗi khi làm được một việc tốt.
Thay vào đó, mẹ hãy khen ngợi và khuyến khích trẻ khi có hành vi tốt thay vì mua quà. Đơn giản vì lời khen của mẹ có ý nghĩa hơn nhiều với con bạn và nó là động lực để con làm tốt hơn nữa trong tương lai.
Những lời khen ngợi động viên sẽ hữu ích hơn là thường xuyên tặng quà cho trẻ (Ảnh minh họa).
5. Lạm dụng lời xin lỗi con
Xin lỗi trẻ khi mẹ mắc lỗi là điều nên làm và nó cũng dạy con hiểu rằng con cần nói xin lỗi khi con làm sai. Tuy nhiên, xin lỗi vì điều gì đó mà không phải lỗi của mẹ có thể có tác dụng ngược lại.
Ví dụ, mẹ không nên xin lỗi nếu chuyến đi chơi đến sở thú bị hủy vào phút cuối vì thời tiết xấu. Mẹ cần cho con thấy sự đồng cảm với nỗi thất vọng ấy thay vì xin lỗi con. Nhưng mẹ hãy nhớ giữ lời hứa và sắp xếp 1 chuyến đi vào buổi khác với con nhé.
6. Cư xử như một đứa trẻ trước mặt con
Tỏ ra vui nhộn trước mặt con không phải là xấu, nhưng mẹ cần tránh có những hành động la hét hoặc khóc lóc như trẻ con trước mặt con. Trẻ sẽ nhìn và học theo cách cư xử, hành động của mẹ. Vì vậy nếu mẹ muốn con biết quan tâm tới mọi người, con không hờn khóc, ăn vạ, không la hét, cáu giận thì chính mẹ cần thực hiện những điều đó trước tiên.
7. Giúp đỡ con mọi lúc mọi nơi
Ảnh minh họa
Khi trẻ không thể giải quyết một việc gì đó hoặc đang thất vọng, các mẹ có xu hướng tiến đến và giúp con giải quyết ổn thỏa. Điều này hình thành thói quen mong chờ sự giúp đỡ của mẹ hơn là tự mình tìm cách giải quyết.
Từ việc tìm 1 món đồ, mặc quần áo đến việc giải 1 câu đố hóc búa, trẻ sẽ trông chờ sự xuất hiện của mẹ mà thôi. Vậy nên việc mẹ cần làm là khuyến khích con tự tin hơn để tự mình hoàn thành mọi việc. Kiềm chế việc lao ra giải cứu con ngay, sự thất bại cũng là một cách để con học hỏi.
8. Bảo vệ con quá mức
Những ông bố bà mẹ dạy con theo phong cách bố mẹ trực thăng thường luôn muốn bảo vệ con một cách thái quá. Trẻ dễ dẫn đến tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ mà không thể tách rời. Bảo vệ con là bản năng, nhưng cần đúng lúc, đúng thời điểm và đúng trường hợp cần thiết.
Trẻ có thể bị ngã, bị thương, miễn không phải là những chấn thương nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của trẻ. Ngoài ra mẹ hãy để trẻ học cách tự đứng dậy và không làm bản thân bị đau nữa.
Nguồn: Parent