TS Nguyễn Đình Cung trong hội thảo “Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định” mới đây đã phát biểu nhiều ý kiến đáng chú ý. Hội thảo do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, Aus4Reform phối hợp tổ chức.
Nhìn nhận về tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhất là trong quý I-2019, TS Cung cho rằng, tăng trưởng đạt ở mức khá, có cải thiện cho với trước đây. Tuy vậy, một điều ông Cung… buồn là các tổ chức quốc tế, các quốc gia khi đến Việt Nam đều nói tốc độ tăng trưởng Việt Nam thuộc hàng “nhất thế giới”.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, những đánh giá của nước ngoài đối với Việt Nam kiểu như "nhất thế giới" là xã giao.
“Tôi không thích cách đánh giá như vậy. Vì nước ngoài họ đến ta họ xã giao như thế và đặt ở ta một kỳ vọng lớn hơn. Thực ra chúng ta có thể đạt được điều đó, nhưng lẽ ra phải thêm rằng: Tăng trưởng vẫn còn thấp xa so với yêu cầu thu hẹp khoảng cách phát triển của ta so với các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển”, TS Cung nói và cho rằng không thể thỏa mãn với hiện tại.
Dẫn ra trường hợp tăng trưởng của Trung Quốc, TS Cung cho rằng, nhiều người nói tốc độ tăng trưởng của nước này giảm, nhưng cần nhớ rằng giai đoạn dài trước đó họ đã tăng trưởng ở khoảng trên dưới 10%.
“Tăng trưởng của ta còn thấp. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay thì không thể thu hẹp khoảng cách và bắt kịp trình độ các nước phát triển được”, TS Cung nhận định.
Điều nhận định trên hoàn toàn có thể nhìn thấy khi xem xét cơ cấu kinh tế, đóng góp các ngành vào tăng trưởng cũng như sự gia tăng của các thành phần kinh tế. Đặc biệt, vấn đề dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển và sự năng động của thị trường, khả năng sáng tạo.
“Những cái mới là sáng tạo nhưng chúng ta lại dựa vào thể chế hiện tại, làm theo quy định, theo quy trình nên những sáng tạo bị triệt tiêu. Đây là lúc cần sáng tạo và phải coi đó là nguồn lực quan trọng nhất”, TS Cung nói.
Đặc biệt, về vấn đề cải cách thể chế, TS Cung nhận định rằng: “Cần phải cải cách nhiều hơn. Nhưng cải cách bây giờ rất khó vì nhiều nhóm lợi ích đan xe nhau. Cải cách là động chạm nhiều nhóm nên cực khó cải cách”.
Mặt khác, vẫn còn những “vô lý” khi nhìn vào những vấn đề kinh tế. Chẳng hạn với khu vực kinh tế tư nhân , mặc dù tích lũy tài sản ngày càng tăng, doanh thu, lợi nhuận cũng tăng nhưng chỉ số đóng góp vào GDP lại cứ… đứng im ở mức 9%.
“Tại sao lại như vậy? Tôi không hiểu! Tôi cho rằng nên tính lại đóng góp GDP của khu vực kinh tế tư nhân hơn là tính lại khu vực kinh tế không chính thức”, TS Cung đề nghị và tin rằng sẽ có thay đổi để thúc đẩy những đánh giá đúng về khu vực kinh tế tư nhân.