Nhặt nuôi bé gái bị bỏ rơi
Vào tháng 3/1994, trên đường đi làm về, ông Trương Sảng Kỳ bị thu hút bởi đám đông bên đường. Dừng lại để xem có chuyện gì xảy ra, ông thấy mọi người đang đứng vây quanh đứa trẻ vừa mới sinh được đặt trong một chiếc giỏ. Đông người ở đó nhưng dường như không ai muốn giúp đỡ em. Đa số mọi người bàn tán về lý do em bé bị bỏ lại rồi bỏ đi ngay.
Giữa thời tiết tháng 3 lạnh giá, ông Trương nghĩ rằng không thể để em bé nằm đây mãi được. Ông tiến đến gần để kiểm tra xem bên trong chiếc giỏ có bất kỳ thông tin gì liên quan đến đứa trẻ này không. Chỉ một mảnh giấy được để lại, trong đó bao gồm tên của đứa trẻ là Bạch Ca kèm theo giờ và ngày sinh.
Đám đông xung quanh dần rời đi. Ông Trương quyết định chờ đợi thêm xem có người thân nào đến tìm đứa trẻ không nhưng không một ai xuất hiện. Không suy nghĩ nhiều, cụ ông quyết định mang em bé về nhà.
“Ngày hôm sau, tôi đưa đứa trẻ đến ủy ban thôn và thông báo về việc nhặt được 1 bé gái tên Bạch Ca. Sau khoảng 1 tuần cán bộ thôn phát thông báo, tôi không thấy có bất kỳ ai đến nhà để đón em. Lúc đó, tôi hiểu được rằng có lẽ em bé này đã bị cha mẹ của mình bỏ lại. Cũng không còn lựa chọn nào khác, tôi quyết định nhận nuôi đứa trẻ kém may mắn này. Ngay tại ủy ban thôn, tôi làm tất cả thủ tục để nhận nuôi Bạch Ca và xem cô bé như con ruột”, ông Trương kể lại.
Ở thời điểm đó, ông Trương đã ngoài 50 tuổi nhưng chưa kết hôn, sinh con. Người đàn ông hoàn toàn không có kinh nghiệm gì trong việc chăm sóc trẻ em. “Tôi không biết pha sữa, thay bỉm. Làm gì lúc con khóc, tôi càng không nắm được. Nhưng có lẽ, việc xuất hiện của Bạch Ca đã giúp tôi học được những kiến thức này. Đồng thời, sự có mặt của con bé đã khiến căn nhà của tôi trở nên rộn rã tiếng cười”, Trương Sảng Kỳ kể về trải nghiệm lần đầu làm bố.
Chật vật mưu sinh
Niềm vui là thế nhưng ông Trương vẫn cần phải đối diện với cuộc sống thực tại. Trước đây, chỉ có một mình, ông đã phải chật vật mưu sinh để duy trì cuộc sống. Giờ đây, có thêm 1 đứa trẻ, ông loay hoay không biết làm gì để có đủ tiền mua bỉm, sữa cho Bạch Ca.
Vì vậy, ngoài công việc chính là quét dọn tại nhà hàng, ông bắt đầu đi nhặt rác. Thậm chí, ông còn nhận cấy lúa và chăn cừu thuê cho những gia đình trong làng. Tất cả đều nhằm một mục đích duy nhất là có tiền để con gái có cuộc sống tốt nhất.
Theo thời gian, Bạch Ca dần lớn khôn. Cô hiểu cha đã phải hy sinh, chịu bao khó khăn để nuôi mình nên người. Từ đó, cô càng chăm chỉ học hành và luôn có thành tích dẫn đầu lớp. Mỗi khi đi họp phụ huynh, cô luôn khiến bố Trương phải tự hào về mình.
Đến năm 2012, Bạch Ca được nhận vào ĐH Vũ Hán. Để giảm bớt gánh nặng cho cha của mình, cô gái vừa học vừa làm thêm. Cô làm đủ công việc với hy vọng có tiền để chi trả chi phí sinh hoạt, tiền học và dư ra một khoản nhằm gửi về hỗ trợ bố.
Trong một lần nghỉ hè về quê, Bạch Ca phát hiện bố cất đi toàn bộ số tiền cô gửi về. Trong khi đó, ông vẫn chọn cách sống kham khổ. Thậm chí, cô còn nhìn thấy, cha ngâm bánh bao vào trong nước trắng để nó nở ra, nhằm ăn cho no nhanh.
Khi nhìn thấy những sự việc này, Bạch Ca đã hỏi bố về việc tại sao không bỏ tiền cô đã gửi về để tiêu. Ông Trương chỉ nhỏ nhẹ nói rằng muốn dùng khoản tiền đó làm của để dành cho con gái.
Cái kết ngọt ngào
Sau khi nghe được những lời này, Bạch Ca một lần nữa hạ quyết tâm phải học hành chăm chỉ nhằm kiếm thật nhiều tiền để bố có cuộc sống tốt hơn. Hoàn thành 4 năm học đại học, cô gái này nhanh chóng tìm được công việc có mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, gắn bó với công việc văn phòng được vài năm, cô quyết định tự mở công ty để kinh doanh. Chỉ mất một thời gian ngắn, sự nghiệp của cô gái trẻ dần ổn định.
Nhìn thấy con gái thành công, ông Trương càng không muốn bản thân mình nhàn rỗi. Chính vì thế, dẫu được con gửi tiền đề hỗ trợ hàng tháng nhưng cụ ông này vẫn ngày ngày đi nhặt rác và chọn cuộc sống đạm bạc.
Đắm chìm trong công việc suốt thời gian dài, Bạch Ca nhận ra sức khỏe của mình dần sa sút. Lúc này, cô cảm thấy bố Trương cũng ngày càng già đi, không còn khỏe mạnh như trước.
Biết bố thích đi du lịch, không suy nghĩ nhiều, cô tạm gác công việc, quyết định thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới với ông. “Tiền cũng quan trọng nhưng hạnh phúc của cha quan trọng hơn. Đó mới thực sự là thứ có giá trị nhất với tôi”, Bạch Ca chia sẻ.
Nhờ con gái có sự nghiệp thành công, cuộc sống của ông Trương được cải thiện nhiều hơn. Ông được con gái xây cho căn nhà to nhất làng. Đều đặn hàng tháng, ông được chu cấp số tiền lên đến 10.000 NDT/tháng (khoảng 35 triệu đồng).
Giờ đây, khi nhìn vào cuộc sống của ông Trương ai cũng phải ghen tỵ. Nhiều người nói rằng cụ ông này dẫu không lập gia đình nhưng lại là người hạnh phúc nhất làng. Ông đang được tận hưởng cuộc sống tuổi già viên mãn, không phải lo nghĩ, nhờ hành động nhân hậu cách đây 30 năm.