8 tiếng ngồi văn phòng cực khổ vất vả, bao nhiêu căng thẳng mệt mỏi cứ đổ dồn lên đầu, đôi khi thứ mà chị em mong muốn nhất chính là khoảnh khắc tan làm, ghé ngang trường đón con, xong về nhà dọn dẹp nấu nướng đợi chồng để cùng ăn bữa cơm tối đầm ấm.
Tuy nhiên, mong muốn không phải lúc nào cũng giống hiện thực. Sự thật là có những cặp vợ chồng công sở, cứ tan làm trở về nhà là lao vào cãi nhau, không khí gia đình lúc nào cũng âm trì khó chịu.
Nhu cầu không giống nhau
Thật ra, câu nói "vợ chồng đồng tâm" gần như chỉ tồn tại trong phim ảnh chứ ở ngoài đời, dù đã là vợ chồng bao năm, có với nhau bao mặt con nhưng thi thoảng vẫn không hiểu đối phương muốn gì, cần gì hay đang suy nghĩ gì.
Và cái "thi thoảng" ấy xuất hiện đúng thời điểm tan làm trở về nhà đã dẫn đến tình trạng nội bộ lục đục. Đa số đều bắt nguồn từ nguyên do: nhu cầu không giống nhau.
Ví như cả ngày mệt mỏi, chồng trở về nhà chỉ muốn yên tĩnh thư giãn một chút, trong khi vợ thì lại có nhu cầu tâm sự, sẻ chia với chồng về những vấn đề mình gặp phải cả ngày hôm nay. Thế là vợ nhảy vào trình bày, luyên tha luyên thuyên, chồng cáu lên quát cho một phát khiến cho không khí gia đình nặng nề kéo dài đến tận mấy ngày hôm sau.
Trên chỉ là một trong số rất nhiều những bất đầu trong nhu cầu riêng của các cặp vợ chồng công sở khi trở về mái ấm gia đình.
Bất kể dù tính chất công việc giống nhau, áp lực như nhau, nhưng mỗi người lại có các mong muốn rất khác nhau để giải tỏa. Người thì cần một cốc bia, người thì cần một cái ôm,... nếu không hiểu được, tất nhiên tình trạng căng thẳng sẽ xuất hiện trong gia đình tưởng chừng như rất bình yên vào khoảnh khắc cuối ngày.
Khoảng thời gian phục hồi khác nhau
Trong cuốn sách "The Emotional Life of Your Brain" xuất bản năm 2012, tác giả Richard Davidson - tiến sĩ thần kinh học tại trường Đại học Wisconsin cho biết, mỗi cá nhân đều có tốc độ và thời gian trút bỏ những trải nghiệm tiêu cực mà mình đã đi qua trong ngày khác nhau - cái mà ông gọi là "khả năng phục hồi".
Ví dụ, một người vừa trải qua cả ngày làm việc căng như dây đàn, cực kỳ khủng khiếp nhưng có thể tươi tỉnh ngay khi bước chân ra khỏi văn phòng. Trong khi người khác dù công việc chẳng mấy nặng nề song dư âm áp lực vẫn dai dẳng cho đến tận lúc về nhà, có khi còn kéo dài đến hôm sau.
Chính vì khả năng phục hồi áp lực không giống nhau nên lắm lúc những cặp vợ chồng công sở đã biến khoảnh khắc đoàn tụ vào cuối ngày trở nên căng thẳng, bất đồng. Thậm chí tình trạng này còn kéo dài sẽ khiến cho mái ấm có nguy cơ tan vỡ.
Văn hóa khác nhau
Đừng nghĩ dù vợ chồng cùng sinh ra ở một quốc gia, cùng chủng tộc màu da khi cưới nhau sẽ không gặp phải bất đồng về văn hóa.
Sự thật là mỗi người sinh ra trong mỗi gia đình khác nhau, lớn lên trong sự giáo dục khác nhau cũng là một trong những nguyên nhân gây nên việc bất đồng. Sự bất đồng lắm lúc lại là mồi lửa, châm ngòi cho những cuộc cãi vã của các cặp vợ chồng công sở vào cuối ngày
Dễ hiểu hơn, nếu người chồng sinh ra trong một gia đình đã quen với việc mẹ luôn đi làm về trước bố 30 phút, bố về là rót ngay cho ông một cốc bia mát lạnh.
Xem bố mẹ là gương, đến khi kết hôn, người chồng này mang điều đó ra áp cho gia đình nhỏ của mình. Trong khi người vợ sinh ra trong gia đình có bố mẹ bình đẳng, bố đi làm về là lao vào giúp mẹ nấu nướng dọn dẹp. Mâu thuẫn từ đây mà ra.
"Chúng ta có thể cùng đến từ một nước, cùng một vùng của quốc gia đó và cùng chủng tộc, tôn giáo, nhưng chúng ta lại được sinh ra từ những gia đình có nền nếp khác nhau. Khi cả hai cùng nhau gây dựng nên một mối quan hệ, họ phải tự quyết định những tôn chỉ hay bản sắc riêng cho mối quan hệ mình" - ông Gottman viết trong cuốn sách "Principia Amoris: Khoa học mới về tình yêu".
Giải pháp là gì?
Để giải quyết cho tình trạng vợ chồng công sở hay cãi nhau trong các cuộc đoàn tụ cuối ngày, trước tiên mỗi người phải thẳng thắn nhìn nhận những sự khác biệt như đã nói ở trên, cũng như là đừng kỳ vọng quá nhiều vào câu nói "vợ chồng đồng tâm". Sau đó dành thời gian để cùng nhau đối thoại. Đối thoại chính là chiếc chìa khóa duy nhất để tháo gỡ mọi cuộc bất đồng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đừng kéo ép đối phương phải ngồi xuống đối thoại với mình ngay khi trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng. Hãy lựa thời điểm thích hợp khi hai vợ chồng thoải mái nhất để cùng nhau nói chuyện, giải quyết vấn đề.
Đồng thời, còn phải thật thà trình bày rõ ràng những mong muốn của bản thân sau khi đi làm về. Đại loại như "em cần anh ôm em một cái", "anh muốn em tôn trọng sự yên tĩnh của anh",...
Ngoài ra, còn phải tự trang bị cho mình sự nhạy cảm cần thiết để nhìn sắc mặt của vợ/chồng. Về cơ bản mỗi ngày của mỗi người không phải lúc nào trải qua những vấn đề lặp đi lặp lại, có ngày cực kỳ căng thẳng, cũng có ngày vô cùng thoải mái.
Ngày nào căng thẳng thì ai về nhà cũng mang cái mặt như đưa đám, còn ngày nào thoải mái thì cơ mặt giãn nở trông dễ chịu cực kỳ. Khi có đủ nhạy cảm để nhìn nhận cảm xúc của đối phương, việc đưa ra phương án để tránh việc vợ chồng cãi vã hay căng thẳng cũng dễ dàng hơn rất nhiều.