Một chiều gần tết, trên con đường nhỏ dẫn về quê biển Đức Minh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, bỗng cô bạn ngồi phía sau giọng như reo lên: Mùi bánh thuẩn ở đâu thơm quá. Tiếng suýt xoa ấy vô tình đó bất chợt gợi nhớ trong tôi kỉ niệm về những cái Tết đã qua rồi, khá xa.
Ngày ấy Sa Huỳnh quê tôi, dù được xem là một vùng quê khá giả ở Quảng Ngãi, thế nhưng cuộc sống của người dân nơi đây cũng còn lắm chật vật, bộn bề khó khăn. Vì vậy thỉnh thoảng khi đi chợ về, lũ trẻ chúng tôi mới được mẹ, hay bà mua cho vài viên kẹo làm bằng đường đen, gói vội trong miếng lá chuối.
Cho nên tết luôn là những ngày được lũ trẻ chúng tôi trông chờ, mong đợi nhiều nhất trong năm. Bởi lẻ ngoài được may quần, áo mới thì đây cũng là dịp được ăn thoải thích kẹo, mức mà đặc biệt là bánh thuẩn, một đặc sản của vùng quê Quảng Ngãi. Việc làm bánh thuẩn cho ngày Tết thường bắt đầu từ 10-25.12 âm lịch.
Thế nhưng cả tháng trước đó mọi người đã mua, để dành các loại nguyên liệu: Trứng gà, bột, đường cát trắng hoặc đường cục đã được rút hết mật, để làm bánh. Cũng như một số loại bánh truyền thống khác, như bánh nổ, bánh in...làm bánh thuẩn cũng khá đơn giản.
Sau khi bỏ lòng trứng gà, bột và đường vào thau thì dùng đũa tre lớn, hoặc dụng cụ làm bằng cọng thép, kẽm cỡ bằng thân cây nhang được quấn vòng tròn như lò xo, phía trên có gắn cán cầm bằng gỗ để khuấy, đánh.
Đến khi nào đường tan hết, cùng trứng và bột trộn đều với nhau thì được. Khuôn đổ bánh thuẩn được đúc bằng đồng, có đường kính từ 25-35cm, phía trong chia thành nhiều ô nhỏ. Tùy theo kích cỡ của khuôn, mà số lượng ô để đổ bánh bên trong dao động từ 8-16 ô/khuôn. Sau khi bắt khuôn trên bếp than và để cho thật nóng, dùng dầu ăn xoa một lớp mỏng các ô để tránh bánh bị dính.
Khi nguyên liệu được đổ đầy vào các ô thì đậy nắp lại, đồng thời bỏ lửa than lên bên trên nắp. Làm bánh thuẩn không quá khó và chỉ cần nhìn thấy, hướng dẫn một lần là có thể làm được. Và dù rất nhiều nơi làm loại bánh này, thế nhưng hiếm ở đâu làm được loại bánh thuẩn thơm, ngon như người dân Quảng Ngãi.
Nguyên liệu làm bánh thì như nhau, tuy nhiên điều quan trọng là cách pha trộn, khuấy nguyên liệu như thế nào cho đều.
Và đặc biệt là cách điều chỉnh và canh lượng lửa than ra sao để bánh thuẩn không bị cháy, hoặc chưa chín đều. Bánh thuẩn làm ra được xem đạt chuẩn là phần bánh phía dưới có màu vàng ươm, phía trên màu vàng nhạt hơn và nở từ 3-5 cạnh đều đặn như cánh hoa. Bánh có mùi thơm nhẹ của lòng đỏ trứng gà quyện với mùi bột và vị ngọt thanh.
Hơn chục năm trở lại đây, đời sống kinh tế của đại đa số gia đình trở nên khá giả, với thu nhập tăng lên gấp hàng chục lần. Cùng với những loại sản phẩm thực phẩm khác, bánh, kẹo, mức trong nước và nước ngoài, với đầy đủ các chủng loại được bày bán tràn ngập khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược.
Theo đó bánh thuẩn và những loại bánh truyền thống khác, như bánh in, bánh nổ...đã không còn hiện hữu trong đĩa, quả bánh kẹo đãi khách của nhiều gia đình trong ngày Tết.
Và dĩ nhiên, niềm háo hức mong đợi đến tết để được ăn bánh thuẩn thỏa thích của lũ trẻ thế hệ hôm nay đã vơi đi rất nhiều.