Tết Nguyên Đán hay theo cách gọi phổ biến là Tết Âm lịch hay Tết ta, được tính theo lịch Âm hay lịch Mặt Trăng mà người Việt vốn học theo người Trung Quốc, do đó thời điểm đón năm mới cũng vì thế mà giống với Tết Nguyên Đán hay Tết Thượng Nguyên của người Trung Quốc cũng như một số nước châu Á khác như Nhật Bản (đã bỏ theo Tết Dương lịch), Hàn Quốc hay Mông Cổ.
Tuy nhiên, cùng với sự hội nhập và cả sự ảnh hưởng văn hóa phương Tây, người Việt Nam bắt đầu thích ứng với Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch của người phương Tây. Từ đó hình thành song song cả Tết ta hay Tết Dương lịch lẫn Tết tây – Tết Âm lịch ở Việt Nam, hiện tượng này cũng dẫn đến việc các nhân viên cơ từ cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp, tư nhân đến trường học và mọi lĩnh vực đều được phép nghỉ cả hai cái Tết trên. Tuy nhiên, lại xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều của dư luận, cộng đồng mạng về việc theo Tết tây bỏ Tết ta.
Có những ý kiến phản đối cho rằng, Tết ta là nét truyền thống đã trở thành văn hóa của người Việt nên không thể bỏ. Lại có ý kiến trung hòa không theo cũng không bỏ khi cho rằng: “Nói Tết cổ truyền không phải của người Việt vì bắt nguồn từ Trung Quốc, thì xin thưa Tết Dương lịch cũng không phải của Việt Nam nốt".
Những người theo luồng ý kiến này nhận định Tết ta quá lãng phí về công sức, tiền của và cả thời gian. Tết ta đã trở nên quá nhạt nhèo, không phù hợp với thời đại, khi người ta tỉnh thì mình lại say, khi thế giới nai lưng ra hăng say làm việc đầu năm thì mình còn mải lo chè chén cho đúng với câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Do đó, bỏ Tết ta theo Tết tây là rũ bỏ căn nguyên gốc dễ của sự trây ì, xã hội không phát triển được là vì vậy. Luồng ý kiến này còn cho rằng những người còn muốn bảo vệ Tết ta là những người cố hữu, bảo thủ, là sợ thay đổi, còn tư duy làng xã quê mùa cổ hủ thì làm sao phát triển xã hội theo lối công nghiệp được, như vậy thì mãi theo giáo điều, lạc hậu trong cách giao tế với thế giới bên ngoài.
Nói về việc ủng hộ ăn Tết tây, bạn Hải Yến nhận định: “Thế giới nghỉ Tết dương lịch, và phải chờ Việt Nam nghỉ xong Tết âm lịch mới có thể liên lạc và làm việc được. Trong khi đó nghỉ tết của họ rất ngắn và không nặng nề, vì thế người thiệt là chính Việt Nam".
Hay như thành viên Văn Cường chia sẻ: “"Tôi ủng hộ ăn Tết theo dương lịch và nghỉ Tết dương lịch kéo dài 1 tuần như tuần lễ Giáng sinh của phương Tây, hòa nhịp sinh hoạt chung của thế giới phát triển, còn Tết ta co lại 1-2 ngày thôi, coi như một ngày lễ truyền thống giống như các lễ hội truyền thống khác".
Bàn về vấn đề lương thực, thực phẩm bị tiểu thương tăng giá một cách vô lý khi vin vào ngày nghỉ lễ, bạn có nickname Lpquang vẫn thấy bực dọc: “"Chỉ nên ăn Tết dương lịch thôi, Tết âm lịch đã gây phiền hà quá. Chỉ nội chuyện là phải chịu đựng sự tăng giá vô lý ở các khu vực công cộng vào dịp Tết cũng đủ bực mình".
Ngoài ra, không ít cư dân mạng, đặc biệt là các bạn trẻ không quên nhắc đến vấn đề liên quan tới Trung Quốc, bạn Thu Mai chia sẻ: “Thiết nghĩ phá bỏ tập tục đã " ăn vào máu" rồi mới khó làm sao.
Chuyện xưa kể lại, khi chữ quốc ngữ bắt đầu xuất hiện ở Việt nam, các bậc nho học cũng đồng loạt phản đối bởi họ coi chữ nho (chữ Hán) là chữ của thánh hiền. Thật buồn khi sự lệ thuộc văn hóa ngày càng sâu. Lệ thuộc vào kinh tế còn có cơ hội tách ra, chứ lệ thuộc vào văn hóa thì hàng ngàn đời vẫn không tách ra được”.
Bên cạnh đó, facebook HoangMinh còn cho rằng: “"Thoát ảnh hưởng của Trung Quốc vốn lạc hậu hơn phương Tây; Xử lý thói quen tiểu nông lè phè ăn chơi suốt thời gian Tết âm lịch hiện còn tồn tại trong rất nhiều người Việt, kể cả các công chức".
Những ý kiến đồng tình bỏ Tết ta đã không ít và viện nhiều lý do, nhưng những người theo luồng ý kiến bác bỏ thì còn dữ dội hơn, quyết liệt hơn gấp bội. Thành viên Phạm Nin phân tích: “Chúng ta đang sống ở Việt Nam, một nước có nhiều giá trị văn hóa truyền thống lâu đời cần được gìn giữ. Tết cổ truyền rất quan trọng đối với người Việt bởi đó là dịp mọi người cùng hướng về quê hương, hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ...
Mọi sự chuẩn bị, mọi chi tiêu tốn kém để sắm sửa cho ngày Tết làm nên nét đặc trưng riêng mà không đâu có được. Chúng ta luôn nghe hoặc đọc trên các phương tiện truyền thông rằng nên gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống, trong đó có Tết là một trong những nét đặc trưng riêng và quan trọng nhất của người Việt”.
Nói về lý do nên giữ và theo Tết ta, bạn Nguyễn Văn Lân chia sẻ quan điểm: “Đất nước ta có hơn bốn ngàn năm lịch sử, có lịch sử riêng, có nền văn hóa riêng, dẫu ngàn năm bị đô hộ nước ta vẵn không mất bản sắc mà vẫn có nền văn hóa của đan tộc việt. Tết ta đã hình thành và tồn tại cùng thời gian, theo cùng đân tộc.
Tết đến xuân về cũng là dịp giáo dục tình làng nghĩa xóm, cũng là dịp báo hiếu cha mẹ, ông bà, là thời gian tĩnh lặng để ta nhìn lại bản thân . Tết tây chúng ta vẫn làm được việc đó nhưng trong không gian khác, với thời gian khác thì niềm thiêng liêng liệu có còn?”.
Dẫn chứng về những quốc gia không bỏ tết cổ truyền của mình, một cư dân mạng có tên Phạm Gia cho biết: “Cái đã trở thành thuần phong mỹ tục của dân tộc hàng nghìn năm lại cứ bàn để ghép hoặc bỏ. Nhẽ ra mọi người nên bàn sao cho Tết Việt ngày càng đậm đà hơn, bảo tồn bản sắc dân tộc trước " nguy cơ" hội nhập mới phải chứ.
Các nước láng giềng cạnh chúng ta như Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan... cũng bỏ Tết cổ truyền Bunpimay, Chol Chnam Thmaypimay , Thingyan, Songkran...được chăng?”.
Trong khi đó, theo bạn M Nguyễn, một du học sinh lại đưa ra so sánh để “bảo vệ” Tết Âm lịch: “Tôi là một đứa du học sinh ở Anh, đã từng đi du lịch khắp châu Âu và hiện thuê nhà của một đôi vợ chồng người Anh chính gốc, tôi đã được chứng kiến họ đón cái Tết ra sao, những ngày Giáng Sinh và Tết Dương lịch ở Tây.
Nhà nhà chui vào chăn ngủ, chả ai đi đến họ hàng, cùng lắm họ vào bếp nướng con gà lên, có chăng khác ngày thường ở đó, vì ngày thường họ bận quá không còn thời gian nữa. Đấy, Giáng Sinh đấy, Tết Dương lịch đấy”.
Ý kiến đồng tình, phản đối có lẽ sẽ không bao giờ có kết thúc, bên cạnh đó cũng có những ý kiến trung hòa khi đưa ra giải pháp: “Ở đây chúng ta không nói đến vấn đề là bỏ Tết Âm lịch mà chỉ là chuyển sang một khoảng thời gian thôi. Ăn tết trùng với Tết Dương là hợp lý, mọi phong tục đều được giữ nguyên vẹn”, thành viên MeoXam nhận xét.
Một ý kiến trung hòa từ bạn đọc có tên Châu Phước Thành cho biết: “Theo tôi suy nghỉ một vấn đề đặt ra bao giờ cũng có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Phải nhìn từ nhiều góc độ mới thấy hết cái đúng, cái sai.
Tết cổ truyền đã có từ hàng ngàn năm nay, muốn thay đổi không phải dễ, có chăng là ngăn chặn các tệ nạn xã hội trong những ngày tết, đó là cờ bạc, lễ hội linh đình, ăn tiêu xa xỉ,… thay vì dùng thời gian đó đi thăm viếng họ hàng, láng giềng, thầy cô mà trong những ngày thường chúng ta không có thời gian thực hiện.
Về mặt thời gian, tôi nghĩ nhà nước cũng đã tính đến cái lợi, cái hại khi cho nghỉ tết có thời gian dài. Quan trọng là chúng ta sử dụng quỹ thời gian đó cho việc gì ? Đừng vì những cái tiêu cực trong cuộc sống, rồi "đap đổ" tất cả thì không nên”.
Bạn có đồng ý với việc tổ chức Tết Cổ truyền theo Dương lịch không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.