Này các nhà báo, hãy thôi “cướp-giết-hiếp-lộ hàng” đi!

Độc giả Phan Minh Anh |

(Soha.vn) - Các nhà báo hãy đừng “cướp-giết-hiếp-lộ hàng” tràn lan như thế, hãy chăm chỉ ‘đãi cát tìm vàng’ vì xã hội này đâu chỉ có những điều xấu xa, tệ hạị.

Thân mến gửi tới các nhà báo nhân ngày 21/6!

Khi tôi còn nhỏ, mọi người vẫn quen và chờ đợi được đọc báo trên các bản tin dán những tờ báo giấy, hay chờ những bản tin phát ra từ tivi, radio nhiễu sóng.

Thế rồi khi tôi lớn lên, mọi thứ cũng dần chuyển mình, xung quanh tôi mọi người cũng không còn "mặn mà" với việc hàng ngày phải chờ đợi một tờ báo giấy xuất bản 1 tờ/ ngày, thay vào đó là theo dõi những bài báo, tin tức được cập nhật liên tục và nhanh chóng trên các trang báo mạng.

	Có những ngày ngoài trời rất nắng nhưng tôi bỗng thấy sao cuộc đời này tối tăm đến vô cùng.

Có những ngày ngoài trời rất nắng nhưng tôi bỗng thấy sao cuộc đời này tối tăm đến vô cùng. (Ảnh minh họa)

Hẳn nhiên là một người trẻ hiện đại, tôi cũng thích đọc báo mạng vì sự đơn giản và tiện lợi của nó. Đêm giao thừa Tết Tây nằm nhà chui trong chăn ấm, chỉ bằng mấy cái gạt tay trên màn hình điện thoại là đã biết khắp nơi trên trái đất họ bắn pháo hoa và nhảy múa ra làm sao, rồi có những sự kiện được các nhà báo tường thuật đến từng chi tiết, chỉ cần nhấn nút F5 là được cập nhật đầy đủ ví như mấy đám cháy lớn tại các tòa cao ốc, hiện trường.

Với những người cùng thế hệ với tôi, việc mua báo giấy mỗi buổi sáng sớm là thói quen của những người có tuổi – một thói quen xưa chẳng thể hợp nổi với một công dân thế hệ 9X bấy lâu nay đã quen online đọc báo. Nhưng tới một ngày, khi nhận thức đã tròn đầy hơn một chút, tôi bỗng nhiên sợ báo mạng.

Đã có lúc, tôi đọc báo bằng cách lướt nhanh qua các tiêu đề, rồi rùng mình tự hỏi chẳng nhẽ xã hội này lắm những "vùng tối" thế sao?

Thay vì đi, khai phá hiện thực và viết, nhiều cây bút thích việc ngày ngày ra ngồi hàng trà đá để sau đó cho ra đời những câu chuyện khiến nhiều người trước tiên xúc động, phẫn nộ nhưng rồi sau đó chuyển sang căm tức và ghét "cánh nhà báo" vì hóa ra các bác ấy nói láo, còn mình thì bị lừa. Nhiều nhà báo bây giờ rất có tài vu vạ, đổ oan cho cả số đông bằng những nhân vật không hề có thật.

Tôi đã nhiều lần bị những ảnh minh họa trên các trang báo mạng làm cho lòa mắt tới tận mấy ngày. Đây là ngực và kia là đùi, bao nhiêu thứ nhạy cảm và thiêng liêng của người phụ nữ được các nhà báo trưng cả lên “mặt tiền” để kích thích sự tò mò của bạn đọc.

Có những ngày ngoài trời rất nắng nhưng tôi bỗng thấy sao cuộc đời này tối tăm đến vô cùng. Chỗ này cướp, chỗ kia giết và rất nhiều những vụ xâm hại dã man đối với những bé gái mới lớn. Tôi vội trách cuộc đời này sao quá phũ phàng.

Nhưng khi rời bỏ màn hình máy tính bước chân ra phố, tôi bắt gặp những khoảng khắc rất đáng yêu, được trò chuyện với những con người vô cùng đáng mến và nghe những câu chuyện thực sự đáng nghe… nhưng có vẻ những điều ý nghĩa ấy rất ít được những người làm báo mạng trong thời buổi đua tranh nhau về số lượt người truy cập ưu tiên đăng báo.

Niềm tin vào báo chí của tôi ngày một hao hụt và sinh ra nghi ngờ nhiều hơn sau mỗi cũ click chuột.

Thế nên, để những người trẻ tuổi hay bị ám ảnh như tôi không chán ghét báo mạng, các nhà báo hãy đừng “cướp-giết-hiếp-lộ hàng” tràn lan như thế, hãy chăm chỉ ‘đãi cát tìm vàng’ vì xã hội này đâu chỉ có những điều xấu xa, tệ hạị.

Ngày nào, chim cũng hót líu lo trên cành, hoa cũng nở rực rỡ và con trẻ luôn cười giòn tan... góp vào bức tranh chung của xã hội những nét vẽ tươi sáng chẳng phải là điều rất nên làm đối với mỗi nhà báo hay sao. Tôi dám chắc rằng có vô số những độc giả thích đọc những tin bài như vậy.

Chúc các nhà báo bút luôn sắc và tâm luôn sáng!

Thân mến!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại