Sau khi công ty FPT IS ban hành “quy định cấm ngủ trưa”, cư dân mạng đã xôn xao vì cái sự “cấm kỳ lạ” này. Tương tự như bất kỳ vấn đề gây tranh cãi nào, các luồng dư luận luôn chia làm 3 phe: ủng hộ, phản đối và “nước đôi”.
Nhưng nếu như để ý kỹ hơn một chút, có lẽ chúng ta không cần phải tranh cãi đúng sai trong quy định không lấy gì làm lạ (nếu đọc kỹ) của FPT IS.
“Cấm ngủ trưa”: Đúng hay sai?
Xuất phát điểm cho quy định của FPT IS là do Chủ tịch của công ty này, ông Đỗ Cao Bảo, nghe một khách hàng Mỹ và một khách hàng Hà Lan nói là bị “sốc” khi nhìn thấy cảnh nhân viên FPT IS ngủ trưa trong văn phòng làm việc.
Sau đó thì FPT IS ban hành quy định gây tranh cãi. Khoan hãy bàn xem nó đúng hay sai.
Nếu nhìn vào lời phát biểu của ông Bảo được báo Tri thức Trẻ dẫn thì chắc nhiều người sẽ cảm thấy “ức”, ấy là “Nếu bạn tin rằng ngủ trưa để tái tạo sức lao động thì bạn hãy chứng minh cho tôi thấy những người ngủ trưa có năng suất lao động cao hơn những người không ngủ trưa”.
Đây là cách nhìn…lên mà không thực sự nhìn xung quanh để đồng cảm với nhân viên. Nhiều người ngủ trưa không phải để buổi chiều có năng suất lao động cao hơn, mà đơn giản, ngủ trưa để đảm bảo năng suất lao động buổi chiều…ngang với buổi sáng, thay vì bị sụt giảm đi, như vậy là tốt lắm rồi.
Những ý kiến ủng hộ cho quan điểm “cấm ngủ trưa” cũng khá…hài hước. Từ “mách nước” là dành thời gian buổi trưa để “trao đổi thêm kiến thức, kinh nghiệm”, nhiều người có lẽ sẽ băn khoăn: Nếu chăm chỉ như vậy thì có lẽ các khoảng thời gian nghỉ ngơi riêng tư của mỗi người, như lúc tối về nhà, đêm lên giường, chúng ta cũng nên tranh thủ “trao đổi thêm kiến thức, kinh nghiệm” thì hẳn năng suất lao động sẽ…kinh khủng lắm?
Rồi có “mách nước” hài hước khác là thay vì nằm ra mà ngủ trưa thì…ngủ ngồi. Cái phong thái gà gật, đầu tì xuống bàn cũng chẳng hề đẹp đẽ hơn là mấy nếu so với kiểu ngủ trưa “nằm”, chưa kể tư thế này còn ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của nhân viên, vì gây mỏi cổ, gáy, lưng…
Đúng như lời phản bác rất đơn giản nhưng rõ ràng của “phe” phản đối quy định, là thời gian nghỉ trưa là khoảng cá nhân của mỗi người, công ty không trả tiền cho thời gian này nên…làm gì là quyền của mỗi nhân viên.
Giả sử công ty “cấm ngủ trưa” là đúng, vậy chẳng may tới một ngày không đẹp trời nào đó, công ty cấm luôn vài thứ khó nói khác vào buổi tối hay…buổi đêm, vốn là những khoảng thời gian “không được trả tiền” của nhân viên, thì xem ra số phận người làm công thật bi đát…
Nói vậy để thấy, bất kể quy định của ai đối với việc “ngủ trưa” cũng là sai trái, vì đó là khoảng thời gian cá nhân của mỗi người.
Nhưng…nếu đọc kỹ, phải khẳng định rằng lệnh cấm của FPT IS là…đúng, tại sao vậy? Xin hãy sang phần 2!
FPT IS “cấm ngủ trưa”…ở văn phòng, không cấm ở nơi khác!
Không đọc kỹ có lẽ một “căn bệnh” cố hữu của không ít người Việt chúng ta. Đọc thông báo hay đọc tin tức, nhiều khi chúng ta chỉ…đọc tít hay đọc lướt tới mức thông tin quan trọng thì bỏ qua, thông tin ngoài lề (thường hay bị “chế” không chính xác) thì ghi nhận để từ đó “ném đá”.
Ở vụ việc FPT IS “cấm ngủ trưa” nói trên, có lẽ “không đọc kỹ” chính là vấn đề khiến dư luận phải vất vả tranh luận như vậy, còn khi đọc kỹ thì mọi thứ rất đơn giản, bởi đó là một quy định hợp lý trong thẩm quyền của công ty.
Phương án tìm một nơi khác để ngủ, không phải văn phòng
Nguyên nhân dẫn tới quy định mới là do khách hàng của FPT IS cảm thấy “khó nhìn” khi thấy nhân viên công ty này ngủ trưa tại văn phòng, do vậy, FPT IS ban hành nội quy văn phòng tại khu vực Hà Nội, trong đó chính thức cấm cán bộ nhân viên nằm ngủ trong khu vực làm việc.
Tức là sao? Là họ không cấm nhân viên ngủ trưa!
Họ chỉ không cho nhân viên đặt lưng tại văn phòng mà thôi.
Điều này là hợp lý trong bối cảnh văn phòng là bộ mặt của công ty thể hiện với khách hàng.
Thử tưởng tượng xem khi có một khách hàng nữ có đơn đặt hàng gấp và bước vào công ty này, chứng kiến cảnh nam nhân viên ngủ mê và có những hành động “nhạy cảm” lúc ngủ (khó trách được) thì thật khó để đổ lỗi cho ai trong sự cố “thể hiện bộ mặt công ty” này.
Thế nên tại sao dư luận lại mất công tranh cãi chuyện “cấm ngủ trưa” đến vậy?
Câu trả lời đơn giản ở đây là khi FPT IS quy định không cho ngủ trưa tại văn phòng (một “lệnh cấm” hoàn toàn có thể hiểu được) thì nhân viên nào có thói quen ngủ trưa phải bố trí phương án hợp lý cho bản thân.
Chị Nguyễn Thùy Linh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: “Chỗ mình thì không cấm ngủ tại văn phòng, nhưng cả phòng toàn nam giới, làm sao mình ngủ tại đó được. Ban đầu, mình tính toán sao cho ăn trưa đơn giản, nhanh chóng nhất có thể, để về nhà ngủ. Chỉ cần chợp mắt 15-20 phút là ổn rồi, và vì giấc ngủ trưa rất quan trọng với mình nên việc ăn uống được thực hiện tối giản. Sau này, khi văn phòng chuyển tới chỗ xa nhà, mình lại phải tính tới nước qua nhà bạn ngủ nhờ, hoặc đặt thuê phòng quen nghỉ chút buổi trưa, rất thoải mái mà nếu tính khéo thì cũng tiết kiệm”.
Chỉ đơn giản vậy thôi, sao chúng ta lại cứ nhìn sai lệch với quy định mới của FPT IS nhỉ?
Tái bút: Vì đó là một quy định hợp lý của FPT IS nên ở phần đầu bài, tác giả đưa quy định "cấm ngủ trưa" vào trong ngoặc kép để khẳng định cách nhìn nhận đó là sai và lệnh cấm như vậy không tồn tại!
Trong cuộc sống, BẠN NHÌN THẤY chuyện gì GÂY CẢM XÚC MẠNH cho bản thân (xúc động, phẫn nộ, bất bình, đau đớn, thán phục, hạnh phúc, sảng khoái...)? Hãy lập tức DÙNG ĐIỆN THOẠI quay clip hoặc chụp ảnh, hoặc viết thành bài theo cách của bạn. Gửi ngay cho chúng tôi! Cũng có khi, chỉ một thông tin/ảnh/clip đăng trên mạng xã hội (từ Facebook, diễn đàn... không phải đăng trên các trang báo) cũng khiến bạn có cảm xúc, hoặc trăn trở, suy nghĩ... Email: cudanmang@soha.vn Chúng tôi sẽ duyệt để ĐĂNG TẢI và TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ. > Xem chi tiết chương trình: Trả Nhuận bút trong 24 giờ |