Chỉ gần gõ từ khóa tìm kiếm, có thể dễ dàng biết được trong gần 1 năm trở lại đây, có tới hàng chục vụ việc con cái lên mạng chửi bới, thóa mạ, thậm chí đòi giết bố mẹ gây xôn xao dư luận.
Chửi bố mẹ chỉ vì việc… vặt vãnh
Mới đây, clip cô gái trẻ liên tục văng những từ ngữ tục tĩu, chửi bới bố đẻ của mình đã khiến nhiều người bất bình. Nguyên nhân của việc cãi nhau cũng chỉ vì ông bố đã không mua thức ăn đúng với khẩu vị của cô. Thậm chí, để đáp lại những lời quát nạt của bố mình, cô gái đã nhặt viên đá ném vào bố, đồng thời còn cảnh cáo chuyện giết bố quá dễ dàng, đơn giản.
Đoạn clip dài gần 3 phút đã thật sự khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Không chỉ vì lý do cãi nhau, mà còn là việc cô gái phát ngôn chuyện giết bố mình quá dễ dàng.
Trước đó, cũng chỉ vì mẹ nấu ăn không ngon, một chàng trai trẻ đã lên Facebook kêu than mẹ nấu rau như... rau lợn.
Đây không phải là 1, 2 trường hợp cá biệt. Đối với nhiều bạn trẻ, việc bức xúc, chửi rủa bố mẹ mình để giải tỏa tâm trạng đã trở thành một “trào lưu” khiến nhiều người thích thú.
Chỉ vì bị bắt làm việc nhà mà cô gái trẻ có tên Li Nhung đã chửi mẹ mình là con chó, rủa mẹ mình gặp hạn 10 lần như thế. Còn cô gái có tên Quỳnh Anh đã xưng với bố mẹ là “tao - chúng mày”, gọi bà mình theo từ chỉ động vật.
Chưa hết, đối với nickname Nguyễn Hạnh Linh, vì không được mua di động nên cô đã “tặng” mẹ đẻ của mình những lời lẽ tục tĩu trên trang mạng cá nhân.
Có thể nói, hàng loạt chia sẻ gây sốc trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người hoang mang về chữ hiếu trong thâm tâm nhiều bạn trẻ. Với họ, dù được bố mẹ cho cuộc sống đầy đủ, bao bọc, nhưng chỉ cần một lý do nhỏ, không vừa ý chuyện gì thì miệt thị đấng sinh thành.
“Là bố mẹ nhưng đâu dám mắng, chửi con”
Xót xa khi đọc hàng loạt những chia sẻ giật mình của nhiều bạn trẻ, chị Nguyễn Hải Hồng (Hà Đông, HN) - phụ huynh của một nữ sinh THPT bày tỏ: “Không biết bố, mẹ của các em khi đọc được những dòng viết này của con cái sẽ đau lòng như thế nào. Người mẹ mang nặng, đẻ đau ra con mình, đi làm vất vả cũng chỉ mong con mình có cuộc sống đầy đủ, vậy mà giờ con mình lại nói bố mẹ không ra gì. Tôi không hiểu các em đã báo hiếu được bố mẹ những gì, nhưng nếu đây là cách báo hiếu của các em thì tôi thà không đẻ ra đứa con này còn hơn.
Bây giờ chúng còn nhỏ, còn đối xử với mình như vậy. Sau này, khi già rồi, tôi không làm ra kinh tế nữa, hoặc nói dại chỉ nằm một chỗ vì yếu, thì chúng có đẩy tôi ra ngoài đường không, có hắt hủi tôi không?”
Bức xúc trước vụ việc cô gái dọa giết bố đẻ của mình, anh Mạnh Hùng (Từ Liêm, HN) chia sẻ: “Thời nay, nhiều gia đình bao bọc, lo lắng và chiều con cái quá. Tôi thấy chỉ có chúng mới dám chửi rủa, đánh lại bố mẹ mình, chứ có mấy khi bố mẹ chửi, đánh đập con cái. Các giá trị “yêu cho roi cho vọt” của các cụ ngày xưa cũng đảo lộn hết cả rồi. Giới trẻ giờ sống sung sướng nên khác lắm. Tôi nói thật, xin chia buồn với ông bố của cô gái đấy, đẻ ra đứa con mà đến lúc lớn nó còn dọa giết mình, mua đồ cho nó ăn còn bị nó chửi. Con cái kiểu gì thế này?”
Còn đối với bà mẹ trẻ Hoài Phương, việc nghe những dòng lăng mạ bố mẹ, hoặc theo dõi những sự việc gây xôn xao cộng đồng mạng trong thời gian gần đây khiến chị cảm thấy buồn, nhất là trong tháng Vu lan báo hiếu. “Bây giờ, khi có con, tôi mới thấu hiểu tình thương của cha mẹ dành cho mình. Nhìn cha mẹ mỗi ngày một già yếu, nghĩ tới lúc một mai các cụ qua đời đã chảy nước mắt. Sau này, khi các bạn ấy làm cha, làm mẹ các bạn ấy sẽ hiểu nỗi đau của chính họ khi bị con mình chửi bới”.
Cha mẹ nên nhìn nhận lại cách giáo dục
Xung quanh những về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện xã hội học) khẳng định: “Đây là tình trạng đáng báo động, nó đi quá giới hạn tình nghĩa giữa con cái và cha mẹ, ông bà trong gia đình. Dù thế nào, những hành động và lời nói như thế này thật sự không chấp nhận được”.
Giải thích cho “trào lưu xấu xí” này trong giới trẻ, ông Trịnh Hòa Bình cũng cho biết, việc xuống cấp trong các mối quan hệ gia đình, việc buông lỏng quản lý, giáo dục con cái, để mặc cho chúng sống với “thế giới ảo trên mạng” là một trong những lý do dẫn đến tình trạng này. “Cũng có thể, chúng đang áp lực về mặt tâm lý, có thể chưa chắc chúng chửi đã là thù ghét, và cũng có thể đây là cách chúng thích thể hiện bản thân với người khác. Dù sao đây cũng là hành vi lệch chuẩn đáng phê phán”.
Nhìn nhận thực tế về vấn đề này, ông Trịnh Hòa Bình khẳng định trong cuộc sống cha mẹ đôi khi cũng chửi bậy. Khi người lớn không làm gương cho con cái, cộng với việc buông lỏng quản lý của gia đình thì chuyện chửi bới cha mẹ chỉ là một trong số những hành động mà giới trẻ sẽ làm trên mạng xã hội.
Những sự việc này dường như chỉ là số hiếm trong rất nhiều bạn trẻ thường bày tỏ sự bức xúc với bố mẹ của mình. Đặc biệt, trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày của nhiều học sinh, việc xưng hô tục tĩu hoặc nói trống không với bố mẹ rất phổ biến.
Đối với nhiều phụ huynh, họ không mưu cầu con cái mình phải thành đạt, phải làm được những việc to tát cho gia đình, chỉ cần các con biết báo hiếu ngay từ lời ăn tiếng nói cũng đủ để bố mẹ cảm thấy vui lòng.
Trong cuộc sống, BẠN NHÌN THẤY chuyện gì GÂY CẢM XÚC MẠNH cho bản thân (xúc động, phẫn nộ, bất bình, đau đớn, thán phục, hạnh phúc, sảng khoái...)? Hãy lập tức DÙNG ĐIỆN THOẠI quay clip hoặc chụp ảnh, hoặc viết thành bài theo cách của bạn. Cũng có khi, chỉ một thông tin/ảnh/clip đăng trên mạng xã hội (từ Facebook, diễn đàn... không phải trên các báo) cũng khiến bạn có cảm xúc, suy nghĩ... Gửi ngay cho chúng tôi qua email cudanmang@soha.vn! Chúng tôi sẽ duyệt để ĐĂNG TẢI và TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ. |