Dừng xe mua đồ ăn bị phạt vì "để xe dưới lòng đường trái quy định"?

HD |

(Soha.vn) - Vừa đỗ xe dưới lòng đường để lấy tiền thừa liền bị cảnh sát cơ động yêu cầu kiểm tra, xử phạt lỗi "để xe lòng đường trái quy định pháp luật".

Bạn đọc Nguyễn Văn Liên ở địa chỉ mail namphat...@gmail.com phản ánh, ngày 26/5/2013, anh lái xe ra chợ mua ít đồ ăn. Vì cái xe bánh mì để sát ngay trên lề đường nên tấp xe vào lề mua thức ăn. Khi người bán trả lại tiền thừa, anh có xuống xe bước lên lề để lấy tiền, vừa chống xe bước xuống chưa kịp quay lưng lại thì có 2 cảnh sát cơ động phường Tân Thới Hiệp, Q.12, Tp.HCM chạy tới nói cho xem giấy tờ.

Anh hỏi vi phạm lỗi gì thì một cảnh sát cơ động nói là "để xe lòng đường trái quy định pháp luật!". Anh có hỏi lại pháp luật quy định để xe như thế nào mới đúng, thì không được trả lời, đồng thời, cảnh sát cơ động này còn quát, thách thức.

Vậy, trong tình huống của anh như vậy có vi phạm luật giao thông hay không? Cách hành xử của 2 CSCĐ như vậy có đúng không?

Trả lời:

Về vấn đề bạn Liên phản ánh, chúng tôi trả lời như sau:

Trước hết, với phản ánh của bạn liên quan đến việc cảnh sát cơ động xử phạt lỗi "để xe lòng đường trái quy định pháp luật". Ở đây, bạn không nói rõ là điều khiển xe gì nhưng, theo như phản ánh là chống xe xuống thì chúng tôi có thể hiểu, bạn đang điều khiển xe gắn máy.

Đồng thời, cũng thông tin để bạn rõ, lực lượng cảnh sát cơ động là lực lượng được biên chế trực thuộc Bộ Công an, các tỉnh, thành phố. Với các quận, huyện, phường, xã không có lực lượng trực thuộc này. Ở đây, như bạn phản ánh là lực lượng cảnh sát cơ động công an thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý hành vi vi phạm của bạn.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Về việc này, tại Nghị định 34/2010/NĐ - CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định xử phạt đối với người điều khiển xe máy như sau:

Tại khoản 3, Điều 9 được sửa đổi. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường;

b) Không giảm tốc độ hoặc không nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính;

c) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;

d) Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông;

đ) Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 (ba) xe trở lên ở lòng đường, trên cầu, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật;

e) Bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

g) Xe không được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên;

h) Không thực hiện đúng các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt; dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, trên cầu, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển cấm dừng; đỗ xe tại nơi có biển cấm dừng hoặc biển cấm đỗ;...

Và đối với các thành phố Trung ương: mức phạt này sẽ tăng từ 300.000 - 500.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi quy định tại: Điểm đ, Điểm h Khoản 3 Điều 9 Nghị định này.

Bạn có phản ánh bạn chỉ dừng lại để mua bánh mỳ và chống chân chống xe để bước lên nhận tiền trả lại của người bán, cảnh sát cơ động đã nói là việc để xe của bạn là ở lòng đường đô thị trái với quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định ở trên, việc xử lý này là đúng với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, như bạn phản ánh, hành vi để xe dưới lòng đường của bạn chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và chưa có những ảnh hưởng tới giao thông tại đó thì việc xử lý cũng cần phải xem lại một cách thấu đáo.

Nên chăng, lực lượng chức năng hãy nhắc nhở và tuyên truyền để cho người dân hiểu rõ hành vi sai phạm của họ, thay vì phạt như vậy.

- Đối với thái độ của cảnh sát cơ động khi không giải thích rõ ràng còn quát, thách thức người dân, thì bạn có thể làm đơn khiếu nại, trình bày sự việc và gửi đến cơ quan trực tiếp quản lý hai cảnh sát cơ động trên để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Bạn đọc có thể gửi các tình huống thắc mắc về tòa soạn theo email: cudanmang@soha.vn hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại